Cảng Chân Mây và doanh nghiệp 'kêu cứu', trách nhiệm tỉnh Thừa Thiên - Huế ở đâu?

Thứ Ba, 16/08/2016 18:25  | Xuân Hoài

|

(CAO) Mới đây, Công ty cổ phần cảng Chân Mây (cảng Chân Mây) và một số đơn vị, doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc hầm Phú Gia - Phước Tượng, một nơi đặt trạm thu phí một nẻo (đặt tại thị trấn Lăng Cô) mà dư luận hết sức bức xúc…

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn nhưng phía chủ đầu tư trạm thu phí cho rằng chưa nhận được…

Trạm thu phí đưa vào sử dụng từ ngày 12-8-2016

Theo phản ánh của cảng Chân Mây, việc đặt trạm thu phí (TTP) cho hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia tại cửa hầm phía bắc hầm Hải Vân (đưa vào thu phí chính thức vào sáng 12-8-2016) cách xa hầm Phước Tượng hơn 20km và hầm Phú Gia 10km dẫn đến phương tiện từ cảng Chân Mây theo trục đường chính của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đi qua hầm Hải Vân vào phía Nam hoặc ngược lại phải chịu đóng phí qua hầm Phú Gia và Phước Tượng mặc dù thực tế không qua hầm này. Tình trạng trên gây nên việc bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Cảng Chân Mây là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại 1) đáp ứng nhu cầu luân chuyển, giao thương hàng hóa trong khu vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Lượng hàng thông qua cảng năm 2015 đạt hơn 2 triệu tấn, đón gần 100.000 lượt du khách và thủy thủ. Dự kiến năm 2016 và 2017, lượng hàng thông qua cảng tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là tàu khách quốc tế trọng tải trên 100.000 GRT đăng ký đến cảng Chân Mây ngày càng nhiều với số lượng du khách lên đến 200.000 lượt khách vào năm 2017.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HĐQT cảng Chân Mây: “Quan điểm của cảng là dùng cái gì, trả cái đó”
Một cán bộ kỳ cựu ở Thừa Thiên - Huế phản ánh: “Việc lập TTP Bắc Hầm Hải chưa thật thấu đáo, không lấy bài học kinh nghiệm ở trạm thu phí Phú Bài trước đây để rút kinh nghiệm. Bởi trước đây tiền lệ xảy ra ở Thừa Thiên - Huế khi trạm thu phí Phú Bài chưa có tầm nhìn dài hạn để di chuyển 4-5 lần mới có vị trí hiện tại. Lúc đầu đặt ở phía trong, sau khi có sân bay Phú Bài thì chuyển xuống, sau khi có khu công nghiệp lại dời tiếp, sau đó mở đường tránh lại chuyển xuống. Vừa tốn kinh phí nhà nước vừa gây bức xúc cho dư luận, nhân dân. Giờ TTP phía bắc Hầm Hải Vân cũng đang gây bức xúc, không biết số phận rồi sẽ ra sao, trách nhiệm của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ở đâu?”.

Chiều 15-8, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HĐQT cảng Chân Mây nhấn mạnh: “Quan điểm của cảng là dùng cái gì, trả cái đó. Hầm ở Phước Tượng - Phú Gia mà thu phí ở Lăng Cô là quá phi lí nên đề nghị di dời trạm thu phí về ngay cạnh hai hầm trên để đảm bảo tính công bằng”.

“Cảng Chân Mây thu hút lượng hàng hóa ra vào từ phía Nam gần 20%, trong đó lượng du khách cập cảng ra vào thăm quan ở phía Nam khoảng 70%. Quá phi lý khi họ không đi qua hầm mà lại chịu phí… qua hầm. Chưa hết, các hãng tàu, đại lý, cơ quan chức năng tương tác hầu hết sở Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam, thường xuyên ra vào Chân Mây họ cũng rất bức xúc cho sự phi lý đó”, ông Thọ nói.

Nhiều người mất tiền oan khi mất tiền phí mà không qua hầm

Theo ông Thọ, việc thu phí gần như tương đương với phí bốc xếp, nên các doanh nghiệp, đơn vị họ cắt hợp đồng với cảng Chân Mây. Sau khi TTP Bắc Hầm Hải Vân đi vào hoạt động, cảng Chân Mây mất một số đơn hàng quan trọng, như hợp đồng dự kiến cập cảng vào ngày 23-8 với 23 ngàn tấn than để vận chuyển vào phía Nam bị cắt, một số hợp đồng với một số công ty thép tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng “im hơi lặng tiếng”…

Khi hỏi về việc có cần cơ chế riêng cho cảng Chân Mây, ông Thọ lập luận: “Có sử dụng thì phải trả phí, không sử dụng thì không phải trả. Việc di dời trạm không khó, vấn đề là cơ quan chức năng có quyết tâm hay không. Bởi đặt trạm đó nó không chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ mà ảnh hưởng lớn đến nhiều địa phương, doanh nghiệp, đơn vị. Còn có cơ chế cũng khó, dễ bị các đơn vị lợi dụng, hơn nữa cơ chế xin cho cũng hết sức phức tạp”.

Được biết, ngày 9-8-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn gửi Công ty cổ phần Phước Tượng - Phú Gia và Cảng Chân Mây về việc giải quyết đề xuất không thu phí đối với các xe không đi qua hầm Phước Tượng - Phú Gia. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có ý kiến: “Đề nghị Công ty Phước Tượng - Phú Gia nghiên cứu các quy định hiện hành, tham khảo cơ chế giải quyết tại các trạm thu phí BOT trên toàn quốc; đề xuất phương án giải quyết phù hợp đối với kiến nghị Công ty CP Cảng Chân Mây và các trường hợp tương tự, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-8-2016”.

Cảng Chân Mây mất nhiều hợp đồng khi có trạm thu phí

Không chỉ cảng Chân Mây mà một số doanh nghiệp, đơn vị vận tải tại Đà Nẵng cũng ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, không chỉ ở thị trấn Lăng Cô mà các xã Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) cũng xảy ra tình trạng không đi qua hầm, hoặc đi qua một hầm mà phải mua vé qua trạm thu phí của hai hầm.

Chiều 15-8, tại TTP, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc TTP Bắc Hầm Hải Vân cho biết: “Hiện danh sách Công an thị trấn Lăng Cô gửi qua có 179 phương tiện được xét miễn giảm mua vé qua trạm và hiện chúng tôi đang triển khai theo chỉ đạo của cấp trên. Còn những vấn đề khác thì liên hệ cấp trên chứ trạm không nắm và không thể trả lời được”.

Chúng tôi liên hệ, hỏi phía Công ty Phước Tượng - Phú Gia nhận được công văn chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế về kiến nghị của Cảng Chân Mây và hướng giải quyết như thế nào, ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty Phước Tượng - Phú Gia cho biết: “Hiện công ty chưa nhận được công văn nào. Không thể trả lời qua điện thoại, hẹn dịp khác sẽ trả lời sau”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang