Viết tiếp bài: "Kiên Giang: Hàng tỷ đồng bảo vệ rừng vào túi ai?":

Đem đất rừng phòng hộ "ban phát"

Thứ Tư, 30/06/2021 00:12  | Đào Văn

|

(CATP) Như chúng tôi đã thông tin, Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa kết luận sai phạm tại Ban quản lý rừng (BQLR) trong quản lý, sử dụng kinh phí dùng cho việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được chi vô tội vạ tổng số tiền sai phạm hơn 6,5 tỷ đồng. Ngoài sai phạm nghiêm trọng trên, Thanh tra phát hiện việc thiếu trách nhiệm khi quản lý rừng trên địa bàn huyện Kiên Hải.

Bỗng dưng mất 854ha đất rừng phòng hộ

Ngày 31-12-1998, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định số 4041 giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho BQLR phòng hộ Ven biển và Bảo vệ Biên giới với tổng diện tích gần 2.800ha gồm: xã Hòn Nghệ gần 340ha, xã Sơn Hải 424ha, xã Lại Sơn gần 1.187ha, xã An Sơn và Nam Du gần 830ha. Năm 2000 và 2005, Chính phủ tách 2 xã Sơn Hải và Hòn Nghệ về huyện Kiên Lương, tách xã An Sơn thành 2 xã Nam Du và An Sơn. Lúc này, diện tích rừng thực tế của huyện Kiên Hải còn hơn 2.016ha gồm 3 xã: Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, địa bàn huyện Kiên Hải còn 1.869ha đất lâm nghiệp.

Các đối tượng nộp khắc phục gần 5 tỷ đồng

Liên quan đến sai phạm tài chính hơn 6,5 tỷ đồng tại BQLR Kiên Giang, Thanh tra cho biết, các tổ chức, cá nhân có liên quan đã khắc phục gần 5 tỷ đồng. Trước đó, ông Trần Thanh Thắng, nguyên trưởng phòng và ông Nguyễn Thanh Phát, nguyên phó phòng Kinh tế hạ tầng và Tài NMT huyện Kiên Hải bị kỷ luật cảnh cáo. Ông Nguyễn Thành Nhân, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kiên Hải bị cảnh cáo; ông Dương Đình Bắc, nguyên Chủ tịch UBND xã Lại Sơn bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Ông Lương Quốc Bình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải không kiểm điểm do khuyết điểm không lớn và đã nghỉ hưu.

Tháng 4-2011, UBND huyện Kiên Hải có tờ trình gởi UBND tỉnh xin điều chỉnh đưa ra khỏi rừng tại 20 vị trí với diện tích 396ha. Điều lạ là UBND huyện nêu lý do do yêu cầu bức xúc của hộ dân về nhà ở, đất sản xuất nhưng văn bản chung chung, không rõ bao nhiêu hộ, diện tích người dân đang sử dụng bao nhiêu. Thanh tra khẳng định, tờ trình chưa đúng quy định của pháp luật nhưng được lãnh đạo tỉnh đồng ý. Tháng 1-2015, BQLR Kiên Giang có biên bản bàn giao diện tích đất điều chỉnh trên cho UBND huyện Kiên Hải quản lý. Sau đó, UBND huyện Kiên Hải cấp sổ đỏ cho người dân. Tháng 5-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh ra văn bản đề nghị huyện tạm ngưng việc cấp sổ đỏ cho dân trong khu vực 369ha, bởi chưa có quyết định của UBND tỉnh thu hồi đất rừng giao cho UBND huyện quản lý. Bên cạnh đó, BQLR Kiên Giang tiến hành cắm cột mốc rừng và đo đạc diện tích rừng phòng hộ còn 1.279ha, giảm 854ha so với quyết định năm 1998.

Trước diện tích rừng phòng hộ giảm 854ha, thanh tra xác định xã Lại Sơn giảm 628ha, xã An Sơn và Nam Du giảm 226ha. Thanh tra cho rằng diện tích rừng giảm chủ yếu là do trong đất rừng đã có dân ở từ lâu. Địa phương chậm quy hoạch chuyển sang đất trồng lúa. BQLR quản lý không chặt chẽ, không biết rõ vị trí đất quy hoạch ngoài thực địa. Kiểm tra lại các sổ đỏ mà Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tham mưu cho UBND tỉnh cấp trên địa bàn xã Lại Sơn có diện tích đất tự nhiên, diện tích đất rừng lớn hơn thực tế là chưa đúng quy định.

Chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp

Kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Kiên Hải, đoàn thanh tra không giấu bức xúc bởi cán bộ quản lý rừng không giải quyết yêu cầu thiết thực của người dân từ lâu sống dưới tán rừng mà ưu tiên cho doanh nghiệp. Năm 2009, BQLR Kiên Giang kết hợp với các cơ quan ban ngành huyện Kiên Hải đo đạc đối với 324 hộ dân với diện tích 469ha. Đến nay, BQLR chưa xét duyệt, chưa ký hợp đồng giao khoán dù các hộ trên đã đồng ý giao khoán và sinh sống từ lâu dưới tán rừng. Tương tự, từ năm 2002-2016, BQLR Kiên Giang đã ký hợp đồng giao khoán đất rừng cho 92 hộ với diện tích gần 296ha nhưng hết hạn hợp đồng, BQLR không tiếp tục ký hợp đồng với 92 hộ dân sai với quy định của Chính phủ.

Chốt BQLR đóng trên địa bàn huyện Kiên Hải

Đối với người dân, BQLR không ký hợp đồng giao khoán nhưng đối với doanh nghiệp thì ban ưu tiên giao khoán. Kiểm tra 2 doanh nghiệp được BQLR giao khoán đất trong phương án trồng, phát triển và bảo vệ rừng, kết hợp với du lịch sinh thái phát hiện nhiều hạng mục kiên cố được xây dựng không phép trên phần đất giao khoán. Quản lý đất rừng giao khoán lỏng lẻo, quản lý phá rừng chưa chặt chẽ. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện phát hiện 73 trường hợp lấn chiếm đất rừng, phá rừng xây dựng trái phép với diện tích hơn 22,5ha. Huyện triển khai 67 quyết định xử phạt hành chính và biên bản nhắc nhở theo thẩm quyền. Qua kiểm tra đến nay còn 6 trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của xã An Sơn, Lại Sơn nhưng giậm chân tại chỗ.

Kiểm tra việc UBND huyện cấp sổ đỏ cho dân cũng có nhiều sai sót. Giai đoạn 1999-2015, UBND huyện Kiên Hải cấp 1.945 sổ đỏ với diện tích 144 ha. Năm 2016-2020, huyện cấp 819 sổ đỏ với diện tích 109ha trùng với sổ đỏ mà tỉnh đã cấp cho BQLR. Thanh tra xác định, việc UBND huyện cấp sổ đỏ cho dân khi chưa có quyết định thu hồi đất rừng và quyết định giao đất của UBND tỉnh là không đúng. Đối với 396ha đất được điều chỉnh khỏi đất rừng, UBND huyện Kiên Hải cấp 192 sổ đỏ cho người dân với diện tích 88ha. Thanh tra kiểm tra trình tự thủ tục, xác minh hồ sơ 94/192 sổ đỏ phát hiện 12 sỏ đỏ cho 12 hộ dân với diện tích 8,2ha, trùng 0,6ha là chưa đúng quy định, 5 hộ được cấp sổ đỏ với diện tích 1,7ha sau thời gian được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt điều chỉnh là sai quy định, 8 giấy cho 7 hộ với diện tích hơn 9ha nằm trong diện tích đã giao khoán.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang có thông báo kết luận ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc BQLR Hòn Đất - Kiên Hà thiếu trách nhiệm trong quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Kiên Hải. Trong thời gian đương chức, ông Hùng xác nhận khống cho 2 hộ Phan Thị Cẩm Hằng và Nguyễn Thị Nhật được giao khoán đất rừng năm 2010 là sai thực tế. Từ xác nhận trên, 2 hộ dân trên làm thủ tục xin cấp đất nông nghiệp. UBND huyện Kiên Hải cấp sổ đỏ cho 2 hộ trên. Ủy ban kiểm tra vào cuộc, huyện hủy 2 quyết định giao đất.

Thanh tra Kiên Giang đề nghị Sở Nội vụ, Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan chưa xử lý phải kiểm điểm theo đúng quy định của pháp luật.

Kiên Giang: Hàng tỷ đồng bảo vệ rừng vào túi ai?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang