Gian lận thương mại tràn lan trên mạng:

Kỳ cuối: Loay hoay tìm giải pháp

Thứ Năm, 10/06/2021 10:49

|

(CATP) Hiện tượng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không chỉ tới NTD mà còn với nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính. Lực lượng chức năng như Cục QLTT, Bộ Công thương và cả Công an đều xác định đây là vấn đề nan giải, cần có chế tài xử lý cụ thể. Nhưng phải làm gì để giải quyết tận gốc thì vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết…

Còn nhiều bất cập

Không thể phủ nhận nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác PC hàng gian, hàng giả trên cả nước bằng những số liệu rất cụ thể, cũng đã có rất nhiều cuộc họp giữa những đơn vị liên quan diễn ra nhằm đi tìm giải pháp. Nhưng thực tế cho thấy nhiều năm trôi qua, tình trạng này vẫn không hề có dấu hiệu "hạ nhiệt" mà ngày càng bùng phát. Nguyên một chợ chuyên KD hàng nhái, hàng giả nhưng lực lượng chức năng chỉ bắt một số cửa hàng thì làm sao đủ sức răn đe? Hay đối với những shop nhỏ KD hàng không rõ nguồn gốc thì liên tục bị kiểm tra, xử phạt, nhưng trên mạng công khai bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lại không hề bị xử lý?

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ tình trạng KD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng một mặt gây ảnh hưởng đến NTD; trong khi ở góc độ khác, NTD lại chính là đối tượng "tiếp tay" cho việc mua bán hàng giả, hàng nhái hoạt động rầm rộ... Trong khi đó, luật vẫn tồn tại quá nhiều lỗ hổng và thiếu tính đồng bộ thì cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả sẽ còn lắm gian nan. Chỉ bàn riêng về tình trạng mua bán online hiện nay đã cho thấy quá nhiều bất cập.

Chẳng hạn, việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bày bán là rất khó khi mà việc trao đổi, mua bán diễn ra trực tiếp giữa người mua - người bán không thông qua đơn vị kiểm soát chất lượng nào. Trong khi đó, những địa chỉ bán hàng của cá nhân trên mạng không đăng ký với cơ quan chức năng gây khó khăn trong việc xác minh, xác định tên và địa chỉ người vi phạm.

Nhiều trường hợp bị phản ánh đã lập tức khóa tài khoản rồi lặn mất tăm. Chính bởi việc bán hàng trên mạng chưa có cơ chế quản lý cụ thể nào nên công tác xử lý các trường hợp vi phạm đối mặt với không ít thách thức.

Các đơn vị chức năng trên địa bàn TPHCM tham dự Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng cường nhiều giải pháp góp phần đẩy lùi nạn hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... trên thị trường. Hàng loạt giải pháp được đưa ra như: ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động, thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kỹ năng nhận biết hàng thật - hàng giả và bảo vệ NTD... Tuy nhiên, để đi vào thực tế thì lại là chuyện khác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CATP về những vấn đề có liên quan, Cục QLTT cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hoạt động KD, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường, tác động tới nhiều tổ chức, cá nhân KD chân chính. Thời gian gần đây, lực lượng QLTT TPHCM thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu được vận chuyển trên các chuyến bay nội địa, chuyển hàng trong container, trên các tuyến đường sắt Bắc - Nam với số lượng lớn, được các chủ hàng ủy thác cho những doanh nghiệp vận tải, khi bị kiểm tra phần lớn hàng hóa đều không tìm được chủ sở hữu.

Theo Tổng cục QLTT, sau vụ việc vừa phát hiện ở Đồng Nai có liên quan đến vợ chồng một NS hài, thời gian tới đơn vị sẽ chú trọng cập nhật thông tin, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra chế tài xử lý khi chứng minh được NS, người nổi tiếng vi phạm việc quảng cáo, giới thiệu các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Riêng về công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì dù lực lượng vẫn tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn ngừa vi phạm, nhưng vì lợi nhuận, người KD luôn tìm cách thay đổi chiêu thức hoạt động để đối phó với cơ quan chức năng. Đáng chú ý, NTD vẫn còn nhu cầu tìm mua những mặt hàng này để sử dụng. Ngoài ra, các đối tượng SX, nhập lậu hàng giả cũng lợi dụng công nghệ để SX hàng giả cao cấp một cách tinh vi, chuyên nghiệp nên rất khó phân biệt và phát hiện.

Đại diện Cục QLTT TPHCM cũng nhấn mạnh, riêng với các đối tượng mua bán trên trang TMĐT các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Facebook, Youtube... đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch trên các sàn TMĐT đã góp phần đưa tình hình KD hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm thêm phức tạp. Việc kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm trong kinh doanh TMĐT gặp không ít khó khăn do đối tượng khai thông tin không chính xác, không xác định được nơi chứa trữ hàng hóa.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì việc KD trên môi trường mạng trở thành vấn đề tất yếu đối với hầu hết cá nhân, tổ chức, nhưng hình thức này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với NTD do mua nhầm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng...Thời gian qua, đơn vị cũng đã xử lý nhiều vụ việc KD online vi phạm có giá trị hàng hóa lớn, nhưng phải thừa nhận vấn đề xử lý hiện nay vẫn còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân: sử dụng thông tin giả để tạo nhiều tài khoản bán hàng khác nhau; giao nhận bằng các phương tiện vận chuyển nên rất cơ động và khó phát hiện; hàng được cất giữ ở những nơi khó tiếp cận...

Theo Cục QLTT TPHCM, đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức KD hàng hóa vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi NTD, trường hợp nghệ sĩ KD hàng giả trên MXH vẫn sẽ bị xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hành lang pháp lý cho TMĐT hiện nay chưa đáp ứng thực tiễn. Cơ quan quản lý còn gặp khó khăn đối với việc kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Khi việc bán hàng, quảng cáo của các cá nhân, doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn trên online thì người người, nhà nhà tham gia bán hàng online. Trong số đó, dựa vào lợi thế là người của công chúng với lượng fan hâm mộ hùng hậu, một số NS, người nổi tiếng đã công khai quảng cáo cho nhiều mặt hàng trên trang cá nhân hay livestream trên MXH và được chia sẻ rầm rộ. Đối với những trường hợp này, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm, có tố giác của NTD hoặc bắt quả tang thì lực lượng chức năng mới có thể kiểm tra, xác minh.

Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại một shop ở quận 1

Cần sự phối hợp của người tiêu dùng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả trên thị trường lẫn online, diễn biến phức tạp, nhưng một trong số nguyên nhân mấu chốt chưa được tập trung làm rõ đó là quy chế xử phạt. Đại diện cho doanh nghiệp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng SX hàng nhái, hàng giả thương hiệu của công ty bán ra thị trường, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn - nhấn mạnh: "Từ những vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý cho thấy công tác xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Phạt 1 hay nhiều lần, các đối tượng vẫn có cơ hội tiếp tục tái phạm. Rõ ràng trong khi lợi nhuận SX, KD hàng giả, hàng nhái rất lớn, nhưng luật lại không đủ nghiêm thì PC bằng cách nào đây? Cần thiết phải có sự quản lý chặt chẽ và chế tài pháp luật đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi gian dối, trục lợi, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động KD và quyền lợi NTD, trong đó có hành vi bán hàng giả trên mạng...".

Thông qua việc thừa nhận tình trạng mua bán online đang bùng phát một cách khó lường khiến công tác thẩm tra, xác minh để tiến hành kiểm tra, xử lý mất nhiều thời gian, Cục QLTT TPHCM cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện những cá nhân, tổ chức vi phạm để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyến và lợi ích chính đáng của NTD.

Qua đó, đơn vị này cũng khuyến cáo: Hiện nay tình hình SX, KD hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn phổ biến và ngày càng biến tướng một phần là do ý thức NTD khi nhu cầu mua, sử dụng hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn, dù những loại hàng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng không còn tồn tại và phát triển, NTD nên lựa chọn những SP có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đồng thời mạnh dạn tố cáo những tổ chức, cá nhân SX, KD hàng giả với cơ quan chức năng nhằm tạo môi trường thương mại lành mạnh và cũng để tự bảo vệ quyền cùng lợi ích chính đáng của bản thân.

Rõ ràng, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, NTD vẫn giữ vai trò quan trọng nhất, bởi nếu NTD kiên quyết tẩy chay các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái sẽ góp phần ngăn chặn được "nguồn cung", từ đó giúp công tác PC hàng gian, hàng giả diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn.

Kỳ 2: Khi người nổi tiếng rao bán hàng nhái
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang