Những điểm yếu ‘chết người’ của du lịch Việt Nam

Thứ Bảy, 12/09/2015 07:40  | Huy Bân

|

(CAO) Những số liệu thông kê về du lịch Việt Nam khiến không ít người cảm thấy lo lắng cho ngành công nghiệp không khói, được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế.

Chỉ cần so với một số nước trong khu vực cũng đủ thấy du lịch nước ta còn kém phát triển, trong khi tiềm năng lại không hề thiếu. Theo một khảo sát (dự án EU) trên 3.000 du khách nội địa và quốc tế ở 5 điểm đến chính của Việt Nam là: Sa Pa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng và Hội An.

Ý thức làm du lịch kém

Các nước phát triển về du lịch thì người dân luôn có ý thức làm du lịch rất cao. Lấy ví dụ ở Thái Lan tại trung tâm Bangkok từ người bán hàng bình dân đến cao cấp đều có thể sử dụng tiếng Anh trong buôn bán. Đó là chưa kể họ không chèo kéo, lừa gạt hay chặt chém khách hàng. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng còn giảm giá đặc biệt cho khách du lịch.

Ý thức làm du lịch của người Thái tương đối cao - Ảnh Huy Bân

Chị Hồng Thiên sinh viên trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Một lần mình dẫn khách du lịch đi mua đồ ở Saigon Square, sau khi khách ướm thử khoảng 4-5 chiếc áo, dù muốn mua nhưng không có màu yêu thích nên khách đi sang cửa hàng khác.

Vừa rời đi mình đã nhận được câu nói không hay từ người bán hàng : "Em kêu khách em không muốn mua thì đừng thử nhiều như vậy". Mình cảm thấy ngạc nhiên trước thái độ của người bán, nếu họ rành tiếng Anh và nói với du khách như vậy thì ấn tượng của người nước ngoài sẽ như thế nào?"

Tệ nạn xã hội

Trong khi tình trạng an ninh của các nước có số khách du lịch ghé thăm cao như: Thái Lan, Singapore,… khá đảm bảo, ít xảy ra trộm cắp vặt. Thì tại Việt Nam khách du lịch luôn phải cảnh giác trước tình hình an ninh trật tự, nhất là với các món đồ cầm tay có giá trị như: điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh,…

Singapore gần như không phải đối phó với tình trạng cướp giật - Ảnh Huy Bân

Đã có nhiều trường hợp, khách nước ngoài bị giật mất đồ, thậm chí có cả hộ chiếu và giấy tờ quan trọng. Rất nhiều khách sạn ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, Đề Thám,… cũng thường xuyên cảnh báo khách du lịch không nên mang nhiều tiền mặt, cẩn thận tài sản khi đi bộ trên đường.

Chậm đổi mới

Vấn đề nổi trội đầu tiên cần giải quyết là xây dựng một chiến lược tiếp thị dài hơi và phù hợp để du khách quốc tế luôn xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong kế hoạch nghỉ dưỡng của mình.

Người nước ngoài có xu hướng du lịch khác người Việt là họ luôn lập kế hoạch trước một thời gian, thậm chí là cả năm trước khi xuất phát. Trong quá trình chuẩn bị đó, họ thường tìm kiếm các điểm đến có chiến lược quảng cáo hiệu quả.

Chậm đổi mới về tư duy làm du lịch khiến các điểm đến ở Việt Nam kém thu hút khách nước ngoài quay trở lại - Ảnh: Huy Bân

Anh Michael du khách người Mỹ lần thứ hai quay lại Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam là một đất nước đẹp, thú vị,… Qua tìm hiểu tôi biết các bạn có rất nhiều thứ thu hút khách du lịch. Nhưng cách đây 4 năm tôi đã đi tham quan miền Tây, khi trở lại tham quan lần này tôi vẫn thấy chuyến đi ít có sự thay đổi".

Công tác bảo tồn, phát triển yếu, chưa tương xứng tiềm năng

Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, giàu giá trị lịch sử, văn hóa,… Chúng ta còn sở hữu nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với những phong tục, truyền thống đa dạng theo vùng miền,… Chi phí du lịch nằm trong danh sách các nước rẻ và còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

Đặc biệt những địa điểm nổi tiếng như: Thác Bản Giốc, Vịnh Hạ Long,… thường chỉ giữ chân được du khách trong thời gian ngắn vì không có các ngành hay dịch vụ phụ trợ hấp dẫn đi kèm.

Điểm thành công của người Thái khi làm du lịch là biết phát triển các dịch vụ hỗ trợ nhau. Chẳng hạn như tham quan kết hợp với khám phá ẩm thực - Ảnh: Huy Bân

Ngay cả việc du lịch Sơn Đoòng, dù giá chuyến đi khá cao nhưng vẫn rất khó đặt chuyến vì thiếu nhân lực hỗ trợ cho chuyến đi. Thậm chí, nhiều lúc "đơn đặt hàng" Sơn Đoòng còn lấn sân qua cả năm sau.

Một số công trình gây nhiều tranh cãi về tác động đến thiên nhiên như: dự án cáp treo Fansipan, cáp treo Sơn Đoòng,… chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá chưa tốt.

Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền,... Hằng năm báo đài vẫn đưa tin các công trình cấp quốc gia bị xuống cấp hoặc can thiệp một cách thô bạo khiến chúng mất đi vẻ đẹp, giá trị lịch sử vốn có.

Bình luận (0)

Lên đầu trang