Báo Công an TPHCM kêu gọi hướng về đồng bào miền Trung

Thứ Ba, 13/10/2020 09:40

|

(CATP) Tình hình mưa lũ tại miền Trung đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong chiều 12-10, bão số 7 đã hình thành và tiến vào đất liền với sức gió giật cấp 12, 13. Trong khi đó mưa lũ do bão số 6 gây ra còn chưa dứt dù đã hoành hành và tàn phá khủng khiếp. Nước lũ trên các con sông hầu hết đều vượt mức báo động...

Mưa lũ những ngày vừa qua đang khiến đồng bào miền Trung gánh chịu nhiều đau thương, tang tóc và thiệt hại vô cùng lớn. Để chia sẻ với đồng bào ruột thịt đang gồng mình chống chọi với bão lũ thiên tai, phát huy truyền thống tương thân tương ái, Ban biên tập Báo Công an TPHCM kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng các độc giả hảo tâm trong và ngoài nước "Hướng về miền Trung", đóng góp, giúp đỡ thiết thực về vật chất lẫn tinh thần, thể hiện trách nhiệm, sự đùm bọc, sẻ chia... để tất cả cùng vượt qua nỗi đau thiên tai.

Mọi sự đóng góp xin gửi về Ban Công tác bạn đọc Báo Công an TPHCM (số 110 Nguyễn Du, P.Bến Thành, Q1). Báo CATP sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay người dân vùng lũ các địa phương nghĩa cử ân tình này với tinh thần trách nhiệm cao nhất, trong thời gian sớm nhất, để phần nào giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt, cố gắng gượng dậy sau nỗi mất mát, đau thương!

BAN BIÊN TẬP

Mưa lũ đã nhấn chìm tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị gây nên đau thương, mất mát không kể xiết; đã có 28 người chết và mất tích, hàng vạn gia đình phải ngâm mình trong nước lũ suốt 5 - 6 ngày liên tiếp, khi mực nước đạt mức báo động 4, có nơi chạm mốc cơn lũ lịch sử (đại hồng thủy) năm 1999 (với 818 người chết và mất tích tại Thừa Thiên - Huế) và trận lũ lịch sử năm 1983 tại Quảng Trị.

HUẾ: ĐẠT ĐỈNH LŨ LỊCH SỬ NĂM 1999

Đến chiều tối 12-10, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 4 người chết, 1 người mất tích (chưa tính vụ sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3 khiến 10 người bị vùi lấp, mất tích), 7 người bị thương do mưa lũ. Toàn tỉnh đã di dời 11.608 hộ với 35.435 khẩu do ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất. Riêng tại TP.Huế, ước tính hơn 50% số hộ dân bị ngập, nơi này như thành phố nổi, mênh mông biển nước, giao thông bằng phương tiện cơ giới, phương tiện có động cơ như ôtô, xe máy... tê liệt; đa số bà con đi lại bằng thuyền trên nhiều tuyến đường, khu phố.

Tính đến thời điểm này, trời vẫn tiếp tục mưa rất lớn. Mực nước các con sông đều xấp xỉ hoặc vượt mức báo động 3, có nơi đã lên đến báo động 4. Trước đó, sáng 12-10, Theo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, ở Phong Bình lên đến 110mm...

Sản phụ bị nước cuốn trôi: chỉ 20 mét mà biển trời cách mặt

Sản phụ Hoàng Thị Phượng ở xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi sinh. Đến 13 giờ ngày 12-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể chị cách vị trí gặp nạn 100m.

Anh Nguyễn Văn Minh, chồng chị Phượng quỳ lạy vô vọng giữa mênh mông lũ vì mất cả vợ con

Đến 13 giờ ngày 12-10, thi thể sản phụ Hoàng Thị Phượng, người không may gặp nạn lật ghe và bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi sinh nở, đã được tìm thấy cách vị trí ghe lật 100m. Trước đó, sáng 12-10, ông Nguyễn Văn Bình, quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), cho biết đang huy động lực lượng tìm kiếm sản phụ bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi sinh con.

Thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, một sản phụ ở thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền có dấu hiệu trở dạ nên thuê thuyền đi sinh. Thuyền đi được một đoạn thì sản phụ bị rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi.

Phát hiện vụ việc, một số người dân gần đó chạy đến ứng cứu nhưng do lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực. Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng địa phương đã vào cuộc tìm kiếm, tuy nhiên nước lên cao, chảy xiết nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Đến 11 giờ trưa 12-10, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường 4 xuồng cứu hộ, 6 thợ lặn cùng các phương tiện tìm kiếm sản phụ. Hiện tại khu vực tìm kiếm trời mưa rất to, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.Người dân theo dõi rất đông, không ai cầm được nước mắt. Trên đường, người thân sản phụ đau đớn khóc buồn. Khu vực gặp nạn là một cánh đồng, nước chảy xiết. Được biết sản phụ đang bị mất tích tên là Hoàng Thị Phượng (35 tuổi), đang làm công nhân may ở Khu công nghiệp Phong Điền.

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nỗ lực giúp dân

Theo người dân, sáng nay anh Nguyễn Văn Minh đưa vợ đi sinh. Khi còn cách đường quốc lộ 100m, đoạn đường giao thông đã ngập sâu, anh Minh nhờ một người dân đang thả lưới đưa giúp chị Phượng đi qua điểm ngập bằng ghe. Khi còn cách bờ 20m thì không may ghe bị lật, người chèo ghe đã nhảy xuống cứu chị Phượng nhưng không kịp.

Trong khi đó, vào trưa 12-10, tại khu vực phường Phú Cát, thành phố Huế, có 2 thuyền rồng bị cây gãy đè ngang, 3 người dân bị mắc kẹt trong thuyền. Lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt và giải cứu kịp thời.

Trung tá Bùi Thanh Bình, Phó trưởng công an phường Phú Cát cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ cùng ngày, tại số 126 đường Bạch Đằng, TP.Huế. Nguyên nhân, những ngày trước đó mưa lớn, nước sông Hương dâng cao, chảy xiết nên để tránh trôi thuyền thì người dân đã cột dây giữ thuyền vào thân cây để neo đậu cạnh bờ sông. Song do mưa lớn, gió giật mạnh liên tục trong nhiều ngày đã làm cây yếu, gãy đổ và đè ngang thuyền trong lúc khu vực này đang ngập sâu.

Lực lượng công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn. Sau hơn 1 giờ đồng hồ nỗ lực cố gắng cứu hộ cứu nạn, 3 nạn nhân đã được giải cứu an toàn, cây gãy được giải phóng nên chiếc thuyền rồng không bị chìm.

QUẢNG TRỊ: 13 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH

`Mưa lũ 5 ngày liên tiếp và ảnh hưởng của các cơn bão khiến Quảng Trị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản, với 7 trường hợp tử vong, 6 người mất tích, 3 người bị thương nặng, gần 40.000 gia đình với hơn 122.000 người bị ảnh hưởng... Lượng mưa liên tiếp khiến nhiều vùng ở Quảng Trị ngập trong biển nước. Lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh trên mức báo động 2 đến báo động 3 và hơn 3. Riêng sông Hiếu vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Tỉnh có 40.956 hộ với 125.367 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt; trong đó các lực lượng phối hợp đã triển khai sơ tán 7.610 hộ 22.778 người đến khu vực an toàn (chỗ tập trung và nơi người dân tự chuyển).

Trạm thủy văn Hà Đông - Quảng Trị chìm trong nước lũ

Vùng đồng bằng, trung du, TP.Đông Hà và các huyện lân cận có nhiều nơi ngập nặng; đặc biệt các thôn, xã ở vùng thấp trũng, ven các sông. Các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông ngập nặng trong khu vực; gây cô lập một số thôn bản; tình trạng sạt lở, ngập lụt ở nhiều vị trí trên các tuyến đường khiến giao thông ách tắc, gây chia cắt...

Dịch Covid-19 hoành hành 2 đợt gần 3 tháng và liên tiếp chịu ảnh hưởng cơn bão số 5, các tỉnh miền Trung oằn mình dưới các đợt mưa lũ, lốc xoáy gây ngập úng, sạt lở trong nhiều ngày qua cướp đi sinh mạng nhiều người và tài sản thiệt hại chưa thể thống kê hết. Đời sống người dân ở khúc ruột miền Trung, đặc biệt là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... hiện đang hết sức khó khăn. Nỗi đau chưa qua, mọi người lại bàng hoàng khi bão số 7 lại về, khó khăn vì thế càng thêm chồng chất...

QUẢN NAM: LŨ NGẬP NHÀ KHÔNG CÓ CHỖ ĐẶT LINH CỮU

Chiều 12-10, ông Phan Phước Mơ, Chủ tịch UBND xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), cho biết nước lũ đang rút dần nhưng nhiều tuyến đường, nhiều thôn trên địa bàn xã vẫn bị ngập sâu chưa thể tiếp cận được.

Trưa 12-10, ông Lê Đào - Phó chủ tịch UBND xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho biết thi thể 2 em học sinh chết đuối trong lúc mưa lũ đã được tìm thấy. Trước đó, khoảng 8 giờ cùng ngày, khi nước lũ bắt đầu rút, em Hứa Thị Kiều Vy (SN 2007, học sinh lớp 8) và em Hứa Đại Công (SN 2005, học sinh lớp 10) - đều ngụ thôn Triều Châu, xã Duy Phước - cùng một nhóm trẻ ra đường chơi. Không may, hai em Vy và Công rớt xuống dòng nước lũ mất tích.

Người dân dùng thuyền giăng lưới tìm kiếm thi thể 2 em học sinh

Nhận được tin báo, chính quyền và người dân địa phương cùng với gia đình đã dùng ghe thuyền tổ chức kéo lưới tìm kiếm. Đến khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, thi thể 2 nạn nhân lần lượt được tìm thấy, hiện đã bàn giao cho gia đình đưa về nhà lo hậu sự.

Ông Lê Đào cho biết chính quyền huyện Duy Xuyên và xã Duy Phước đang có mặt tại gia đình các nạn nhân để động viên, thăm hỏi; đồng thời cùng với xóm làng hỗ trợ gia đình để lo hậu sự cho 2 em.

Trước đó, khoảng 9 giờ 15 sáng 12-10, tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, bà Tôn Nữ Thị Minh Hiếu (SN 1964) và con trai là Nguyễn Minh Tâm (SN 1993; ngụ khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước) tranh thủ dọn lũ thì không may bị điện giật khiến cả 2 mẹ con tử vong.

Như vậy, tính tới thời điểm này, tại tỉnh Quảng Nam đã có ít nhất 10 người chết và mất tích

Vào ngày 11-10, tại thôn 10 (xã Đại Cường) có ông Hồ Văn Th. (60 tuổi) qua đời do bị bệnh. Do nước lũ quá lớn và lên nhanh, gia đình đành phải đưa linh cữu ông Th. lên ghe để tránh bị ngập. Hình ảnh này được chia sẻ lên mạng xã hội khiến mọi người không khỏi xót xa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang