Công bố di vật khảo cổ trong dự án tìm lăng vua Quang Trung

Thứ Ba, 10/01/2017 00:24  | Hoàng Quân

|

(CAO) Các cơ quan chức năng đã công bố những thông tin, di vật khảo cổ tại gò Dương Xuân (Thừa Thiên – Huế) - nơi được nghi có dấu tích của cung điện Đan Dương và cũng là Đan Lăng - nơi chôn cất vua Quang Trung vừa được công bố.

Thu được nhiều hiện vật khảo cổ

Chiều 9-1, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa – Thể thao và Bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân” với sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan. Trước đó, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên – Huế thực hiện nghi lễ động thổ khảo cổ vào chiều 6-10-2016 tại gò Dương Xuân (phường Trường An, TP.Huế).

Địa điểm này chính là nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (SN 1937) khẳng định là nơi an táng vua Quang Trung. Qua các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước, các tư liệu của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích cùng với kinh nghiệm hàng chục năm đi thực địa, ông Xuân cho rằng cung điện Đan Dương được hình thành từ cung điện mùa đông của chúa Nguyễn Phúc Khoát (thuộc phủ Dương Xuân, nằm trên gò Dương Xuân). Phủ bị vua Gia Long cho phá hủy vào năm 1802. Phủ Dương Xuân cũng mất tích. Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung trở nên bí ẩn, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, nghiên cứu, khảo cổ…

Hội thảo công bố kết quả sơ bộ về khảo cổ gò Dương Xuân

Trong hội thảo về lăng mộ vua Quang Trung ngày 30-10-2015 tại TP.Huế, ông Xuân công bố lăng mộ vua Quang Trung và cung điện Đan Dương là nơi sống và làm việc của vua. Bên cạnh những tham luận đồng tình với ông Xuân thì cũng có một số ý kiến phản biện. Tuy nhiên, GS.Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kết luận: đã xác định chùa Thiền Lâm chính là nơi vua Quang Trung làm việc. Các tư liệu của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích hiện là những tài liệu quý giá bậc nhất trong việc nghiên cứu về vấn đề này. Đây chính là cơ sở, tiền đề để động thổ mở hố thăm dò tìm dấu tích cung điện Đan Dương”.

Ngày 19-9-2016, Bộ VH-TT&DL có quyết định cho phép đào 5 hố thăm dò khảo cổ (diện tích 22m2), thời gian từ ngày 30-9-2016 đến 15-1-2017.PGS.TS. Bùi Văn Liêm - phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì cuộc thăm dò cho biết: “Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều và số lượng người có hạn nhưng chúng tôi đã nỗ lực làm việc và may mắn cũng có một số kết quả khả quan”.

Báo cáo cho thấy, ở hố thăm dò số 1 (ở sân vườn sau chùa Vạn Phước) phát hiện 22 mảnh gốm sứ gốm sứ (duy nhất chỉ có 1 mảnh miệng đồ gốm). Ở hố 2 (bên trái cổng chính vào chùa Vạn Phước) thu được phần lớn là gốm sứ, gạch ngói (hầu hết là mảnh vỡ, duy chỉ thu được 1 đĩa sứ còn nguyên vẹn).Ở hố 3 (trong sân nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, SN 1938, trú 9/17/120 Điện Biên Phủ, tổ 5, khu vực 2, phường Trường An) thu được một số gốm sứ, gạch ngói vỡ. Ở hố 4 (trước sân Chánh điện chùa Thiền Lâm) thu được một số mảnh vỡ đồ sứ, gốm, sành, gạch ngói.

Đặc biệt ở hố 5, ngoài thu được một số mảnh vỡ gạch ngói, sành, sứ thì thu được các tảng đá nhỏ tự nhiên. Các mảnh đá xếp với nhau, không có chất liên kết (nghĩa là không có sự can thiệp ở thời hiện đại), có nhiều sạn nhỏ và có dấu hiệu chạy dài…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát biểu tại hội thảo 

Tiếp tục xin khảo cổ tìm dấu tích lăng vua

Căn cứ tư liệu hiện trường, đoàn khảo cổ nhận xét: gò Dương Xuân nghi có mộ táng. Nền móng kiến trúc có thể là chân cột trong kiến trúc xếp đá. Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ, sành, gạch, ngói… bước đầu có thể đoán niên đại tại gò Dương Xuân từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Hiện đang chờ phân tích niên đại 14C (carbon phóng xạ).

PGS.TS. Bùi Văn Liêm khẳng định: “Lần thăm dò này cung cấp thêm những tư liệu về khảo cổ học, sử học, văn học thời kỳ Tây Sơn, liên quan đến những vấn đề thành quách, cung điện… nhằm phát hiện, bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, góp thêm chứng cứ khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, lập hồ sơ về địa điểm khảo cổ học”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ: “Những di vật thu thập được chứng minh thấy ở gò Dương Xuân có dấu hiện của thành quách, lăng tẩm. 36 năm qua, tôi đã bỏ nhiều công sức, tiền của để nghiên cứu và may mắn cũng được các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện cho khảo cổ và cho được kết quả ban đầu”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kiểm tra tại hố thăm dò khảo cổ

Một số ý kiến phản biện cho rằng những di vật nói trên chưa thể khẳng định được điều gì về cung điện, lăng tẩm liên quan đến triệu đại Tây Sơn, vua Quang Trung. PGS.TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng (Trường ĐHKH Huế), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng chung quan điểm này. Các đại biểu đề nghị đoàn khảo cổ tiếp tục xin phép Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch tiếp tục đồng ý cho thực hiện khảo cổ thêm, nên tập trung vào địa điểm nào để thu được các hiện vật “gần gũi”, sát hơn với các luận cứ khoa học, nghiên cứu.

Như vậy trước mắt với những tài liệu nghiên cứu, các di vật thu thập được từ khảo cổ vẫn chưa thể nói lên điều gì, chưa thể khẳng định có cung điện, thành quách, lăng tẩm ở gò Dương Xuân.

Các đại biểu, đơn vị tổ chức hội thảo thống nhất kiến nghị các cơ quan ban ngành, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đồng hành nghiên cứu có hệ thống, khoa học và thực tiễn nhằm làm sáng tỏ các cứ liệu cho rằng gò Dương Xuân là nơi vua Quang Trung đã cho xây dựng cung điện và nơi an táng của mình.

Một số hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân

Bình luận (0)

Lên đầu trang