Vì sao hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn bất thường, trơ đáy?

Thứ Tư, 31/03/2021 07:50

|

(CAO) Mấy tháng qua, nước hồ Đankia - Suối Vàng cạn kiệt, trơ đáy, đất lòng hồ nứt nẻ. Nhiều người dân khẳng định nhiều năm qua đây là lần đầu tiên họ chứng kiến hồ này cạn khô đến vậy.

Hồ Đankia – Suối Vàng là cụm 2 hồ, Đankia ở phía trên và Ankroet ở dưới; thuộc thôn Đankia, TT.Lạc Dương, H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Hồ nước này nằm cách TP.Đà Lạt khoảng 20 km về phía Bắc, ngoài việc được du khách gần, xa biết đến là một thắng cảnh nổi tiếng với khung cảnh trữ tình, bao quanh là những cánh rừng thông xanh ngút ngàn; nước hồ buổi sáng trong xanh, trưa, chiều lấp lánh ánh vàng (nên có tên Suối Vàng), còn là hồ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Ankroet và nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho TP.Đà Lạt và TT.Lạc Dương; vừa tích trữ nguồn nước bà con trong vùng sản xuất nông nghiệp rau, hoa...

Hồ Đankia- Suối Vàng cạn bất thường, trơ đáy, đất nứt nẻ

Có mặt tại hồ Đankia - Suối Vàng vào ngày những ngày cuối tháng 3/2021, phóng viên chứng kiến phía thượng nguồn hồ trơ đáy, đất nứt nẻ, xe máy và thậm chí ô tô có thể băng qua lòng hồ mà không bị sụt lún. Một số nơi trở thành bãi chăn thả gia súc (trâu, bò, ngựa) của người dân.

Lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương và người dân quanh hồ cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, vùng này hầu như không có mưa, tuy nhiên mưa ở khu vực xung quanh lớn nhưng nước mưa không về hướng hồ một cách bất thường khiến mực nước hồ Đan Kia - Suối Vàng đã tụt xuống mức thấp nhất so với khoảng 4 năm gần đây.

Nhiều hộ nông dân đào đáy hồ lấy nước tưới tiêu

Việc nguồn nước hồ Đankia - Suối Vàng bị sụt giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của toàn người dân TP. Đà Lạt, TT.Lạc Dương và việc tưới tiêu cho khoảng 150 ha đất nông nghiệp của người dân trong vùng. Năm nay hạn hán khốc liệt, mực nước lòng hồ giảm khoảng 2m so với năm ngoái, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp lại tăng lên nên thiếu nước tưới nghiêm trọng. Nhiều hộ nông dân phải đào hố sâu trong lòng hồ, bắt những giàn cao khoảng 3m treo mô tơ, máy nổ để bơm nước lên rồi dùng hệ thống ống kéo nước về tưới cho các vườn rau, hoa.

Có thể chạy xe máy băng qua lòng hồ mà không bị sụt lún

Đâu là giải pháp khả thi?

Sau khi có phản ánh, ngày 24/3/2021, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì, cùng đoàn công tác gồm: Sở TNMT, Sở NN&PTNT, UBND H.Lạc Dương và một số đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực địa, tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND H.Lạc Dương cho biết, tổng dung tích nước hồ Đankia - Suối Vàng khoảng 50.000m3; quá trình tự nhiên hình thành hồ đến nay khoảng gần 85 năm, đến năm 1953 được khơi thông, mở rộng diện tích lòng hồ, phục vụ thuỷ lợi và cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Ankroet và nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho toàn TP.Đà Lạt và TT.Lạc Dương. Quá trình hình thành lâu, tạo nên sự bồi lắng; cùng đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước thay đổi, cạn kiệt vào mùa khô hạn, trên diện tích khoảng 40ha.

Nhiều diện tích hồ bị khô hạn, người dân thả gia súc 

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các sở, ngành liên quan và UBND H.Lạc Dương, Phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, thống nhất giải pháp nghiên cứu nạo vét đất bùn bồi lắng làm tăng diện tích lòng hồ. Cùng đó, tiếp tục tập trung việc xây dựng hồ lắng diện tích 12ha (kế hoạch thực hiện 2019-2021), trong năm nay phải hoàn thành.

Ngoài ra, giải pháp chống bồi lắng với hồ này là tăng cường công tác vệ sinh môi trường cảnh quan, thực hiện việc trồng cây xanh theo kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh do lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, phát động trong năm 2020-2021.

Hồ Đankia - Suối Vàng còn phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.500ha đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân quanh hồ

Bình luận (0)

Lên đầu trang