Đà Nẵng "quay cuồng" trong cơn khát nước sinh hoạt trên diện rộng

Thứ Tư, 21/08/2019 20:44  | Hoàng Quân

|

(CAO) Đà Nẵng đã họp khẩn, “cầu cứu” các nhà máy thủy điện xả nước và kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm nước… để khắc phục tình trạng khủng hoảng thiếu nước sạch.

Khẩn trương “cấp cứu” cơn khát nước sạch

TP.Đà Nẵng từ ngày 18-8 đến nay thiếu nước sạch nghiêm trọng. Hàng nghìn hộ dân phải khổ sở, thức suốt đêm chờ hứng từng giọt nước, xếp hàng chờ lấy từng xô nước ở các xe bồn chở nước dữ trữ đưa đến…

Thiếu nước, một số hộ dân sử dụng nước  từ giếng đào.

Trưa 21-8, UBND TP.Đà Nẵng  họp khẩn với ban ngành, các địa phương và đại diện các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, sông Thu Bồn (Quảng Nam) để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, trong 2 ngày 18 và 19-8, cửa thu nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép nên phải đóng van không thu nước. Công ty đã vận hành trạm bơm An Trạch, công suất 210.000m3/ngày đêm để cung cấp nước cho TP. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng hàng ngày của TP là hơn 300.000m3/ngày đêm thì còn thiếu hụt khoảng 100.000 – 120.000m3/ngày đêm.

Lưu lượng nước giảm thì toàn bộ mạng lưới cũng giảm áp lực nước khi nước chảy yếu và dẫn đến thiếu nước trên diện rộng. Những ngày qua, Dawaco đã cấp nước bằng các xe bồn đưa đến 20 điểm ở các khu chung cư, dân cư ở Q.Sơn Trà, Q.Ngũ Hành Sơn.

UBND TP.Đà Nẵng có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án huy động các hồ xả nước điều tiết nước cho hạ du từ ngày 21-8 đến 15-9-2019 (dự báo sẽ có mưa) nhằm đẩy nước mặn ra biển.

Hiện hồ thủy điện A Vương còn 26 triệu m3, Đăk Mi 4 còn khoảng 20 triệu m3 và cũng đều đã tăng lưu lượng xả nước về hạ du. Đại diện các nhà máy thủy điện phát biểu, hứa "hy sinh" một phần lợi nhuận kinh doanh để xả nước giúp chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Sự việc này đã được các nhà máy thủy điện chia sẻ cho Quảng Nam và Đà Nẵng trong thời gian qua.

Người dân lấy nước từ xe bồn của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cung cấp.

Tuy nhiên, công việc này không thể thực hiện được lâu dài vì các hồ chứa phải tích nước trong điều kiện nắng nóng kéo dài như lâu nay để đảm bảo phát điện. Với điều kiện hạn hán như năm nay thì thực tế một số hồ thủy điện đã về mực nước chết và chỉ hoạt động cầm cự trong thời gian qua.

Người dân, doanh nghiệp tiết kiệm và chia sẻ

Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Sở TN&MT, Sở Xây dựng phối hợp với Dawaco và các đơn vị vận hành 4 hồ thủy điện thống nhất quy trình vận hành trong giai đoạn trước mắt; chọn thời điểm thích hợp để lấy nước từ các hồ xả về để hiệu quả, đẩy mặn đúng thời điểm.

Việc phối hợp vận hành xả nước từ các hồ thủy điện ngay trong chiều 21-8. Sở Xây dựng sớm đưa phương án thực hiện kịch bản thiếu nước. Dawaco thực hiện phương án dự trữ khi xả nước về không đủ như dự phòng các điểm cấp nước, xe bồn.

Đề nghị các doanh nghiệp, các resort, khách sạn, nhà hàng… phải tiết kiệm nước hết sức để phục vụ cho người dân. Các ngành đôn đốc các đơn vị xây dựng phục vụ nước lâu dài, tránh thụ động và phụ thuộc vào một nguồn nước…

Trước mắt, các cấp, các ngành thực hiện các phương án khẩn cấp trong 24 giờ để điều tiết nguồn nước nhằm khôi phục cấp nước sinh hoạt.

Chiến sĩ công an hỗ trợ cấp nguồn nước vào Bệnh viện Đà Nẵng.

Đây là phương án khẩn cấp nhằm khôi phục cấp nước sinh hoạt cho người dân TP trong ngắn hạn. Nếu tình hình nhiễm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên như những ngày qua thì phương án đắp đập tạm trên sông Cầu Đỏ ngăn nước mặn sẽ được triển khai thực hiện theo kịch bản ứng phó đã được phê duyệt.

Văn phòng UBND TP đôn đốc, giám sát triển khai các hạng mục công trình để tăng công suất chuyển tải nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ và các hạng mục công trình liên quan nhằm tránh phụ thuộc tối đa vào nguồn nước khai thác tại sông Cầu Đỏ.

Thời tiết diễn biến phức tạp khi nắng nóng diện rộng, đặc biệt là đợt nắng nóng gay gắt kéo dài suốt tháng 6 và tháng 7; lượng mưa suy giảm, thiếu hụt khoảng 20 - 40%; mùa khô 2019 dự báo kéo dài và nước biển xâm thực vào các sông khiến các hồ nước ngọt, các sông bị nhiễm mẵn nên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nước ngọt trầm trọng trong thời gian qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang