Được giải oan sau 22 năm uất ức

Thứ Năm, 11/06/2020 11:33  | Văn Cương

|

(CATP) Đó là gia đình cụ Hồ Thị Cho 76 tuổi, ngụ tại P.3, thị xã (nay là TP) Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Để được giải oan, cụ Cho phải trải qua gần 1/4 thế kỷ với rất nhiều phiên tòa, trong đó có hai lần giám đốc thẩm, cùng cái chết tức tửi của chồng và hai con trai bị chứng tâm thần. Trao đổi với phóng viên sáng 8-6, cụ Cho bày tỏ sự tri ân với Báo CATP đã xác minh, làm rõ và có bài phản ánh, góp phần giải oan cho gia đình.

VỤ ÁN TRẢI DÀI QUA 2 THẾ KỶ

Cầm bản án số 20/2020/DS-ST ngày 13-5-2020 của TAND TP.Cao Lãnh do thẩm phán Đinh Tấn Hiếu (Phó chánh án TAND TP.Cao Lãnh) ngồi ghế chủ tọa, cụ Cho mừng rơi nước mắt. Đây là bản án sơ thẩm thứ 3, gia đình cụ Cho được tuyên thắng kiện; trong khi hai lần trước, phần thắng nghiêng về ông Phan Văn Lĩnh (SN 1967, ngụ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), là người giỏi “ma thuật”, từng lĩnh án 3 năm tù giam về tội “làm giả giấy tờ”.

Cả hai bản án sơ thẩm (ngày 26-3-2003 của TAND TX.Cao Lãnh) và phúc thẩm (ngày 11-8- 2003 của TAND tỉnh Đồng Tháp) đều buộc vợ chồng cụ Cho nhận 8 lượng vàng rồi tháo dỡ nhà, giao đất cho ông Lĩnh. Hai bản án trên đã bị TAND tối cao tuyên hủy.

Cụ Cho và nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý tại phiên tòa sơ thẩm lần ba

Xét xử sơ thẩm lần 2 ngày 7-8- 2007, TAND TP.Cao Lãnh tuyên buộc vợ chồng cụ Cho nhận hơn 46 lượng vàng rồi tháo dỡ nhà, giao đất. Xử phúc thẩm lần 2 ngày 23- 1-2008, TAND tỉnh Đồng Tháp sửa án sơ thẩm, bị đơn chỉ nhận được hơn 32,6 lượng vàng. Cả hai bản án trên tiếp tục bị TAND tối cao tuyên hủy bằng Quyết định giám đốc thẩm ngày 16-5-2011, do có yếu tố gian dối liên quan đến nội dung viết thêm vào “tờ thỏa thuận” nhưng chưa được xác minh, làm rõ.

Gia đình cụ Cho liên tục tố cáo ông Lĩnh gian dối nhưng không được xem xét, xử lý. Chịu oan ức kéo dài, cụ Tạo đã tức tửi ra đi vào đầu năm 2012.

Trong khi vụ án đang giai đoạn tố tụng sơ thẩm lần thứ 3 thì ông Lĩnh bị Công an TP.Cao Lãnh bắt tạm giam ngày 13-5-2015 để điều tra về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Đằng sau vỏ bọc “thanh niên tiên tiến” cấp tỉnh, giám đốc doanh nghiệp “thành đạt”, Lĩnh là đối tượng cầm đầu đường dây làm giả hàng chục loại giấy tờ, trong đó có bằng “cử nhân kinh tế” đứng tên Lĩnh. Tại phiên tòa hình sự ngày 5-5-2016, TAND TP.Cao Lãnh tuyên phạt Lĩnh 3 năm tù giam.

Do Lĩnh đi tù, căn cứ quy định pháp luật, ngày 30-7-2017 TAND TP.Cao Lãnh ra thông báo, xác định cụ Cho trở thành nguyên đơn trong vụ kiện. Ngoài ra, ông Lĩnh còn dính đến một vụ làm giả “siêu hạng” khác nhưng chưa bị xử lý.

CÔNG LÝ ĐÃ THỰC THI

Ngày 10-9-2019, TAND TP.Cao Lãnh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần ba. Sau gần một ngày diễn ra, HĐXX cho dừng phiên tòa để tiến hành giám định tâm thần đối với hai con của cụ Cho. Phiên tòa được mở lại vào ngày 6-3-2020 nhưng HĐXX tiếp tục cho tạm dừng vì sự cố hy hữu. Do quá bức xúc vì chịu đựng oan ức suốt 20 năm, con gái cụ Cho đã xông tới “ăn thua đủ” với bị đơn ngay tại phòng xử án. Ông Lĩnh đề nghị hoãn phiên tòa.

Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, đến ngày 7-5-2020, phiên tòa mới được mở lại và tuyên án 6 ngày sau đó. Qua tranh luận công khai, hàng loạt vấn đề bất thường đã được làm sáng tỏ. Đại diện VKSND TP.Cao Lãnh đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Theo VKS, có căn cứ xác định số vàng vợ chồng cụ Cho nhận của bị đơn chỉ 3 lượng.

HĐXX nhận định: Khu đất được cấp cho hộ cụ Tạo gồm 6 thành viên. Tại thời điểm ký “tờ hợp đồng” năm 1998, trên khu đất có căn nhà của hộ gia đình đang sinh sống. Vợ chồng cụ Tạo lập hợp đồng chuyển nhượng khu đất nhưng không có ý kiến và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những thành viên trong hộ.

Theo quy định tại Điều 409 Bộ luật dân sự năm 1995, hợp đồng dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của người khác. Vợ chồng cụ Tạo lập hợp đồng chuyển nhượng đất có căn nhà của hộ gia đình đang sinh sống đã xâm phạm đến lợi ích của những thành viên còn lại nên cần hủy hợp đồng chuyển nhượng này.

Về số vàng thanh toán: Bị đơn trình bày đã trả 2 lần, tổng cộng 15 lượng vàng, cụ thể lần 1 đặt cọc 12 lượng ngày 1-4-1998 nhưng không có biên nhận; lần 2 trả bằng tiền quy ra thành 3 lượng vào ngày 23-5-1998 thì có biên nhận. Trong khi nguyên đơn xác định chỉ nhận 3 lượng, nếu nhận 12 lượng thì phải có biên nhận. Theo HĐXX, không có tài liệu nào xác định phía cụ Tạo đã nhận 12 lượng vàng của ông Lĩnh.

Liên quan đến cụm từ “thỏa thuận này thay cho biên nhận” trong “tờ thỏa thuận”, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đều kết luận: Dòng chữ “thỏa thuận này thay cho biên nhận” được viết thêm. Do đó, có đủ cơ sở xác định bị đơn chỉ giao cho nguyên đơn 3 lượng vàng 24k.

Từ nhận định trên, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) lập ngày 1-4-1998 giữa vợ chồng cụ Tạo với vợ chồng ông Lĩnh; hủy sổ đỏ 01960.QSDĐ/T1 ngày 13-5- 1998 của UBND TX.Cao Lãnh cấp cho ông Lĩnh. Cụ Cho và những người đồng thừa kế của cụ Tạo phải trả lại cho bị đơn 3 lượng vàng 24k đã nhận, đồng thời có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký QSDĐ với diện tích đo thực tế 1.284,5m2.

Cụ Cho phấn khởi: “Chỉ vài chữ viết thêm của ông Lĩnh khiến gia đình tôi phải chịu đau khổ suốt 22 năm. Cuối cùng công lý cũng đã thực thi, bản án sơ thẩm lần ba đã giải oan cho gia đình...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang