Khai hội Đền, Chùa nhiều nơi tại phía Bắc.

Chủ Nhật, 14/02/2016 09:06  | Quốc Huy

|

(CAO) Sáng 13-2-2016, tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, giáo Hội Phật giáo Việt nam, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính.

Tới dự lễ khai hội có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước, đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ công an, cùng đại diện lãnh đạo các Ban ngành tỉnh Ninh Bình, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình và hàng nghìn tăng ni, phật tử, du khách thập phương.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính nằm trên ngọn núi Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi này đã từng là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa; vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược. Lễ hội chùa Bái Đính nhằm phát huy giá trị đạo đức văn hóa của Phật giáo, nhằm xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc cho nhân loại, cũng như tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước.

Toàn cảnh chùa Bái Đính.

Lễ phật đầu năm còn là nét đẹp trong đời sống tâm linh, thể hiện truyền thống hướng về cội nguồn của người Việt. Năm nay khác với mọi năm là chùa Bái Đính sẽ chú trọng về phần hội, ngoài các nghi thức, nghi lễ về Phật giáo và nghi lễ đánh trống, đánh chiêng khai hội thì còn có các hoạt động mang tính chất tâm linh, phần lễ hội thì năm nay có lễ rước kiệu lên chùa cổ, viết tư pháp, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, giới thiệu cho bà con về khu vườn đào cho du khách về chiêm bái cảnh phật có thể thưởng ngoạn phong cảnh của chùa.

Ngay trong ngày khai hội ước tính đã có hàng nghìn du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái cảnh quan ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hiện đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như: chuông đồng lớn nhất, nặng 30 tấn; pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng nặng 150 tấn; bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn; có hành lang La Hán dài nhất với 500 vị…

Tại buổi lễ, UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Trưởng bộ Tài chính đã đánh trống, đánh chiêng khai hội. Tiếp đó, các đại biểu cùng các chư tôn đức đã dâng hương tại chùa thượng, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương tại chùa Bái Đính ngày khai hội.

Mùa lễ hội chùa Bái Đính được diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là năm thứ 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính kể từ khi UNESCO công nhận quần thể Danh thắng Tràng An, nơi có chùa Bái Đính tọa lạc là Di sản thế giới. Sự kiện này đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của chùa Bái Đính trong đời sống tâm linh của người dân được Đảng nhà nước quan tâm.

Sáng cùng ngày hàng vạn du khách đã đổ về khu di tích đền Gióng tham dự Lễ khai hội Đền Gióng- Sóc Sơn năm 2016 để tưởng nhớ vị Thánh Phù Đổng Thiên Vương đánh tan giặc Ân. Do thực hiện tốt công tác tổ chức, Hội Gióng năm nay diễn ra an toàn, không xảy ta tình trạng bạo lực như năm trước. Các nghi lễ dâng lễ phẩm, tế thánh được diễn ra an toàn, dân làng tám thôn thuộc 6 xã của huyện Sóc Sơn đã rước vật phẩm vào tế lễ, gồm: Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) rước giò hoa tre; thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa sắt; thôn Dược Tượng (xã Tiên Dược) rước voi chiến; thôn Xuân Tảo (xã Xuân Giang) rước cỏ voi; thôn Xuân Tàng (xã Bắc Phú) rước nữ tướng; thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) rước cầu húc; thôn Đức Hậu xã Đức Hòa rước ngà voi và thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau. Sau khi dâng vật phẩm và thực hiện lễ tế thánh ở đền Thượng, giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) đã được rước xuống sân đền Hạ tạ lễ, khi hiệu lệnh “tán lộc” hô lên, người dân và du khách mới xông vào cướp lộc. Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra đến hết ngày 15/2 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch), với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, thi đấu thể dục thể thao và các trò chơi dân gian trong khu vực lễ hội như biểu diễn nghệ thuật, võ thuật, vật, giải bóng chuyền…

Lễ rước voi thôn Dược Tượng xã Tiên Dược- Sóc Sơn, tại ngày khai hội Đền Gióng - Sóc Sơn- Hà nội.
Lễ rước trầu cau thôn Đan Tảo, xã Tân Minh- Sóc Sơn- Hà nội.

 

Lễ dâng hương tại gò Đống Đa- Hà nội ngày 12-2-2015.

 Trước đó ngày mùng 5 tết Bính Thân (tức ngày 12/2/2016), quận Đống Đa đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 227 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 – 2016) và tổ chức lễ hội gò Đống Đa 2016. Lễ kỷ niệm 227 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là dịp tôn vinh, tưởng nhớ đến công lao to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung- Nguyễn Huệ cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng kinh thành Thăng Long xưa để có được Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình hôm nay.

Du khách nước ngoài tham dự lễ hội Gò Đống Đa.
Hàng ngàn du khách tới dự lễ và dâng hương tưởng nhớ đến người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ tại lễ hội Gò Đống Đa.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang