Kỳ tích của cha và con

Thứ Hai, 20/04/2015 09:05  | 

|

(CATP) Phải hẹn mấy lần chúng tôi mới gặp được Mạc Đăng Mừng - chàng trai bị bệnh down bẩm sinh, nhưng đạt được nhiều thành tích đáng nể. Theo lời ông Mạc Văn Mỹ (bố Mừng) thì lịch học của Mừng kín cả tuần, không có thời gian nghỉ ngơi.

Nghề “xông đất” âm phủ

Tôi tìm đến nhà Mừng vào một buổi trưa nắng như đổ lửa. Ngôi nhà nhỏ bình yên nằm cạnh Nhà thờ Xóm Chiếu (Q4). Trong căn phòng nóng nực, tiếng quạt chạy xè xè, Mừng vẫn hì hục, cần mẫn ngồi trước màn hình máy tính để luyện các bài tập về đồ họa.

Nỗ lực của người cha

Ông Mỹ cho biết hiện Mừng đang theo học lớp Kỹ thuật đồ họa tại Trường Đại học Văn Lang (Q.Bình Thạnh) cùng 19 bạn khuyết tật khác. Trường xa nhà nên hàng ngày ông phải dậy sớm đưa con đi. Buổi trưa, hai cha con ăn cơm từ thiện ở chùa, sau đó tranh thủ ngả lưng trong lớp học. Được Ban giám hiệu cho phép, ông Mỹ cũng dự thính bên cạnh con mình, ghi chép cẩn thận để có thể truyền đạt khi con cần.

Mạc Đăng Mừng trong lớp đồ họa tại Đại học Văn Lang

“Theo lời thầy hiệu trưởng thì đây là khóa cuối cùng được nhận tài trợ từ Hoa Kỳ dành cho người khuyết tật, nếu không đậu thì em nó sẽ bỏ qua cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế, cả hai cha con cùng hết mình, chỉ hy vọng Mừng thi đậu có việc làm”, ông Mỹ lo lắng.

Nhìn bộ sưu tập huy chương của Mừng ít ai có thể tưởng tượng đây là thành tích của một chàng trai bị bệnh down bẩm sinh, 7 tuổi bắt đầu bập bẹ nói và 9 tuổi mới lững chững đi.

Lúc mới sinh ra, em nhỏ như củ khoai lang với trọng lượng chưa đến 2 ký. Thấy đứa con duy nhất không lành lặn như mọi đứa trẻ khác, vợ chồng ông Mỹ suy sụp vì đau đớn. Ông gõ cửa nhiều thầy bấm huyệt, tìm mọi loại thuốc tốt trong và ngoài nước để chữa bệnh cho con nhưng đều vô ích.

“Đến 5 tuổi, đầu của Mừng vẫn ngoẹo sang một bên, chưa biết nói, chẳng biết đi. May lúc ấy gặp được một bác sĩ giỏi khuyên nên tập cho cháu tiếp xúc với đàn sẽ kích thích các đầu ngón tay và giúp não phát triển, hai vợ chồng đã gom hết tài sản mua cho con cây đàn hiệu Yamaha”, người cha nghẹn ngào kể.

Chàng trai đa tài Mạc Đăng Mừng chơi đàn tại lớp võ Aikido

Để chăm sóc con, mẹ Mừng đã xin nghỉ việc ở cơ quan, bà luôn bên cạnh bảo vệ con trước những lời ra tiếng vào. Họ hàng hai bên nội, ngoại khi biết chúng tôi đang cho Mừng đi học đều phản bác, nhưng tôi luôn động viên mình rằng cứ cố gắng hết sức thì đến lúc sẽ gặt hái được thành quả nhất định.

Với những đứa trẻ bị bệnh này, cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn, yêu thương mới có thể giúp được con mình. Trước khi Mừng đi ngủ, người mẹ đều kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết văn học... Chế độ dinh dưỡng nhiều rau, hoa quả, các thực phẩm có lợi cho não bộ đều được bà áp dụng nghiêm khắc cho con.

Chàng trai đa tài

“Điều may mắn nhất là Mừng rất chịu khó, kiên nhẫn trong học tập. Có nhiều môn hóc búa như Toán, tiếng Anh nhưng nó vẫn cặm cụi thức đêm để làm bài, bất kể trời nắng hay mưa đều chăm chỉ theo bố đến trường”, Ông Mỹ kể.

Giống như mọi đứa trẻ thiểu năng trí tuệ khác, con đường hòa nhập và học hành của Mừng gặp không ít khó khăn vất vả nhất là lúc đưa Mừng đi học đàn. Ban đầu thầy từ chối nhưng lúc nghe Mừng đánh những nốt đầu tiên, thầy đã phải kinh ngạc thốt lên: “Ủa, thằng này nhìn vậy mà giỏi ghê”.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của cha và sự chăm sóc tận tình của mẹ, chàng trai 27 tuổi đã hái được những quả ngọt đầu mùa. Mừng học hết lớp 8 ở Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật TPHCM.

Ở giải thể thao dành cho người khuyết tật TPHCM năm 2014, Mừng đạt huy chương vàng cá nhân, huy chương đồng tập thể môn bóng gỗ và huy chương bạc đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Mừng cho biết đã học được các kỹ năng về tin học như làm powerpoint, photoshop và có khả năng đọc hiểu các bài tiếng Anh, tiếng Pháp căn bản. Ngoài ra, chàng trai này còn biết chơi đàn organ, bơi lội, võ Aikido.

Bác Mỹ bùi ngùi chia sẻ: “Mừng được nhiều người thương lắm. Ở trường thầy cô cũng quý và tạo mọi điều kiện để em nó học đến nơi đến chốn. Hai bác già rồi, không thể ở bên Mừng mãi được, chỉ mong em nó có nghề nghiệp ổn định để tự lo cho mình là được rồi”.

Hoàng Yến

Bình luận (0)

Lên đầu trang