Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Chính quyền bất lực?

Thứ Ba, 07/04/2015 10:15  | 

|

(CATP) Nhiều nơi tại TP.HCM vỉa hè, lòng đường đã bị chiếm dụng để phục vụ mục đích cá nhân...

Người đi bộ thong dong sải bước, hàng quán ngăn nắp gọn gàng, xe cộ xếp đỗ ngay ngắn đúng qui định... là hình ảnh thường thấy của một đô thị văn minh, hiện đại. Thế nhưng, nhiều nơi tại TPHCM dường như đó là mơ ước xa vời của người dân.

Trăm thứ “cưỡi” vỉa hè

Vừa tấp xe vào lề đường Nguyễn Công Trứ, Q1, đoạn tập trung nhiều trụ sở ngân hàng, chúng tôi nghe chị chủ quán cà phê trên vỉa hè chỉ tay đon đả: “Vất xe đó chú ơi, cứ để chị lo! Uống gì để lấy ghế?”.

Chúng tôi đành dựng xe dưới lề đường rồi bước lên đợi chị bán hàng đem ra cái ghế nhựa, xen vào giữa đám người đang tám chuyện rôm rả. Bên phải chỗ chúng tôi ngồi là quán cơm tấm, người đàn ông mập mạp đã quây quanh cái lò nướng đang bốc khói nghi ngút bằng lủ khủ bàn ghế, xô chậu. Khách ra vào tấp nập, khăn giấy, nước bẩn... vương vãi vô cùng nhếch nhác!

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ vỉa hè khu phố tài chính này đã bị các hàng quán bao chiếm hết, từ sáng sớm tới tối mịt đều chật ních, luộm thuộm. Người ta bày bàn ghế, tô chén, xô chậu rồi hàng hóa, máy móc, xe cộ... chễm chệ trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường hết sức nguy hiểm.

Xe gắn máy để tràn cả xuống lòng đường (ảnh chụp tại đường Hồ Xuân Hương, quận 3, ngày 6-4-2015)

Chợ Bến Thành và Nhà thờ Đức Bà là hai điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi đến thành phố Hồ Chí Minh, được xem là bộ mặt đô thị hiện nay, thế nhưng cũng chung cảnh tượng. Vỉa hè đã bị tận dụng hết vào công việc kinh doanh.

Đường Nguyễn Du đoạn gần Nhà thờ Đức Bà, đường Nguyễn Văn Bình bên hông Bưu điện thành phố hay đường Hồ Huấn Nghiệp trước nhiều khách sạn và trung tâm thương mại lớn..., vỉa hè đều bị chiếm hết, biến thành nơi hàng quán bày biện hoặc bãi giữ xe qui mô lớn.

Anh Hoàng Văn Thái - tài xế taxi đón khách trước Khách sạn Grand - cho biết cách đây không lâu anh đã phải đưa hai vị khách nước ngoài đến sơ cứu tại Phòng khám Bệnh viện Việt - Pháp nằm trong cao ốc Bitexco, vì bị một xe du lịch ngoại tỉnh quẹt phải khi đang đi bộ dưới lòng đường.

Tương tự, các đường Trương Định, Lê Thánh Tôn, Lê Anh Xuân... gần khách sạn New World và chợ Bến Thành cũng đều “mất dấu” vỉa hè. Khách đến tham quan, mua sắm phải vất vả len lỏi mới tìm được lối đi, phần lớn phải bước xuống lòng đường nên ai nấy đều lắc đầu ngao ngán.

Cô Anna, du khách người Canada, bức xúc thốt lên: “Sao họ lại không dành lối cho người đi bộ thế này? Cũng tại đây, khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, một thanh niên ngồi trông xe gần Đền bà Mariamman thản nhiên thách thức: “Chụp nhiều nữa đi, lên báo hoài mà có sao đâu! Làng nước sao thì đây vậy, khi nào thành phố này thông thoáng hết thì bọn này mới nghỉ”.

Chúng tôi dành nhiều ngày đi thực tế trên các tuyến đường thành phố, từ nội đến ngoại thành. Trừ một vài khu đô thị mới thì hầu như hiếm hoi mới thấy một con phố ngăn nắp, gọn gàng đúng nghĩa văn minh đô thị. Đáng lo lắng là những khu vực quanh trường học, bệnh viện bị lấn chiếm phục vụ cho việc bán hàng rất kém vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Ở ngoại thành thì tình trạng lấy vỉa hè, lòng đường họp chợ khá phổ biến, thường gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Dẹp mãi chẳng xong!

Chúng tôi đang ngồi trên vỉa hè đường Hồ Xuân Hương, đoạn gần tuyến Bà Huyện Thanh Quan, Q3, chưa kịp nhấm nháp ly cà phê, bỗng một người chạy xe máy phóng tới hớt hải hô lớn: “Công an đến rồi kìa, dẹp mau!”. Hai vợ chồng người bán hàng cuống quýt gí ly cà phê còn trên bàn cho khách, rồi giật vội chiếc ghế nhựa. Khách chưa kip hiểu sự tình thì chiếc xe trật tự của phường từ xa tiến đến.

Những người làm nhiệm vụ chỉ thu được vài món đồ chủ hàng chưa kịp dọn. Sau vài phút chiếc xe lăn bánh, được đoạn chừng trăm mét, vợ chồng chủ quán đã nhanh chóng bày ghế ra, lần này còn nhiều hơn.

Chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên thì chị vợ giãi bày: “Hàng ngày trật tự phường vẫn đi kiểm tra, có khi chúng tôi bị thu cái ghế, lúc mất cái bàn. Họ đi rồi thì yên tâm bày bán, ít nhất cũng nửa ngày. Đã bị thu đồ rồi thì cố bán nhiều thêm chút, đặng có cái bù vào”.

Một nhân viên tổ trật tự đô thị cho biết: “Người bán buôn tự phát thế này còn đẩy đuổi được, chứ hàng quán kinh doanh qui mô, xe cộ dựng đầy thì rất khó xử lý. Nếu làm triệt để thì chỉ một điểm chiếm dụng phức tạp cũng mất cả buổi trời, đó là chưa kể còn phải giải quyết phương tiện vi phạm bị tạm giữ mất nhiều ngày sau đó”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngày lực lượng trật tự đô thị phường vẫn thường xuyên kiểm tra các tuyến phố trên địa bàn mình quản lý. Công việc được lên kế hoạch và thực thi kể cả nửa đêm, tuyến đường phức tạp có khi còn phải lui tới nhiều lần trong ngày. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, tình hình lại phức tạp, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp anh Trương Điền Tâm - cộng tác viên trật tự đô thị phường 3, Q.Bình Thạnh - bị đánh vào năm ngoái. Sau khi nhận nhiều lời đe dọa trước đó, một buổi tối trên đường đi làm về, anh bị kẻ xấu phục kích đánh gây thương tích. Đến nay Công an Q.Bình Thạnh chưa điều tra xong, còn anh hàng ngày vẫn phải cà nhắc đi làm nhiệm vụ.

Ông Phạm Kỳ Trung - Phó chủ tịch UBND phường 3, Q. Bình Thạnh - khẳng định, với lực lượng và điều kiện như hiện nay thì không thể xử lý triệt để vấn đề, “chỉ mong sắp xếp trật tự, gọn gàng hơn, giành được lối cho người đi bộ là tốt lắm rồi”. Ông còn cho biết, để có được những tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trường Sa... sạch đẹp như bây giờ, lực lượng phường phải cắt cử người đứng chốt, chia ra ba ca trong ngày, kéo dài hàng năm nay không nghỉ.

Lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật, xử lý không xong là trách nhiệm của chính quyền và lực lượng chức năng. Một thực tế rất bức xúc là chính quyền thì cứ đẩy đuổi, còn người chiếm dụng vẫn ngang nhiên tái phạm! Điều này đã làm nảy sinh những nghi ngờ về tiêu cực phí. Trên thực tế, thành phố đã nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề này, bằng chứng là những tuyến phố phong quang, sạch đẹp đã hình thành. Nhưng thực tế vẫn còn quá khiêm tốn so với một đô thị đông đúc bí bách như hiện nay và xem ra biện pháp hữu hiệu, lâu dài vẫn còn bỏ ngỏ!

Khắc Lãm

Bình luận (0)

Lên đầu trang