Loạn quảng cáo "thuốc gia truyền" trên Youtube khiến người xem hoang mang

Thứ Sáu, 25/12/2020 20:59

|

(CATP) Xem nhiều chương trình trên Youtube, người sử dụng mạng đều cảm thấy khó chịu khi liên tục xuất hiện hàng loạt quảng cáo (QC) "thuốc gia truyền" làm gián đoạn mạch theo dõi. Chưa bàn đến thực hư về nguồn gốc và công dụng chữa bệnh của những loại Đông y được đề cập, nhưng rõ ràng việc tràn ngập QC kiểu này vừa gây phiền phức vừa khiến người xem bất an...

ÁM ẢNH VÌ CLIP QUẢNG CÁO

Chị T.M.D (ngụ Q2) vừa bấm chương trình nhạc thiếu nhi trên kênh Youtube cho cô con gái hơn 2 tuổi xem, chưa được chục phút, bé chạy đến nắm tay mẹ kéo đến trước màn hình do QC xuất hiện. Mỗi lần gặp cảnh này, chị phải nhấn vào nút "bỏ qua" để con tiếp tục theo dõi chương trình yêu thích. Điều đáng nói là hầu hết QC xuất hiện tràn lan trên Youtube đều tập trung "lăng xê” các loại "Đông y gia truyền" (ĐYGT) có công dụng chữa bệnh xương khớp, viêm xoang, sỏi thận, gan, yếu sinh lý... với mô típ na ná nhau. "Nhà tôi ba đời nhận chữa..." là câu nói thường gặp trong nhiều đoạn video này, nhiều clip còn xuất hiện MC giới thiệu về "lương y" cũng như hiệu quả của thuốc để tăng sự tin tưởng của người xem. Ngày nào cũng bị "tra tấn" bởi những clip thế này khiến người xem thật sự cảm thấy ám ảnh, nhất là muốn nghe 1 bản nhạc cũng phải chấp nhận bị vài ba QC chen vào, dù nhiều người đã chọn "chặn QC" nhưng cũng không hạn chế được tình trạng này.

Khoảng 1 năm trước, tình trạng QC tràn lan thuốc Đông y bùng phát trên mạng xã hội (MXH) khiến nhiều người "sập bẫy", dẫn đến "tiền mất, bệnh vẫn mang"! Mãi cho đến khi Bộ Y tế vào cuộc, xác định đó chỉ là thực phẩm chức năng, với tác dụng hỗ trợ chứ không có khả năng chữa bệnh thì nội dung các QC này và những QC liên quan đến các loại thuốc ở Việt Nam nói chung trên MXH mới bị siết chặt. Thời gian gần đây, không hiểu sao QC dạng này lại tái phát trên Youtube? Vẫn với cách khẳng định "thuốc gia truyền" rồi lồng ghép logo các nhà đài; thậm chí ngang nhiên cắt ghép video có sự dẫn dắt của MC nhà đài để người xem tin tưởng vào công dụng "thần kỳ” của thuốc. Ở nhiều clip QC, người xem còn phát hiện logo giả là kênh truyền hình "ảo" được gắn mác DDTV, VCTC, SHTV..., nếu không tinh ý rất dễ bị lừa.

Một hình ảnh quảng cáo thuốc Đông y trên Youtobe

CẦN SIẾT CHẶT QUẢNG CÁO KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

Theo chuyên gia trong ngành QC số, việc các QC thuốc ĐYGT đã và đang "thao túng" trên kênh Youtube có thể bắt đầu từ việc các cơ sở bán thuốc chịu bỏ ra khoản tiền lớn để mua QC. Điều đáng nói là việc xuất hiện tràn lan các clip QC dạng này không chỉ khiến người sử dụng mạng bức xúc, mà còn khiến nhiều MC cũng như lương y chân chính hoang mang khi hình ảnh của họ bị cắt ghép đưa vào nội dung QC với mục đích "câu" sự tin tưởng nhằm tăng doanh thu bán hàng.

Rõ ràng việc sử dụng, sao chép những đoạn video của các chương trình phóng sự trên truyền hình, logo các kênh truyền hình hoặc giả mạo bằng các logo truyền hình... trong các clip rất dễ nhận ra, nhưng không hiểu sao Youtube vẫn "tiếp tay" cho các QC này để lừa người theo dõi? Đó là chưa kể thực hư về nguồn gốc thuốc, độ an toàn và hiệu quả thực sự của nó có được đơn vị này kiểm duyệt trước khi cho đăng QC trên kênh của mình không, hay tất cả chỉ vì lợi nhuận từ đôi bên?

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung QC sai sự thật trên các trang mạng; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. Tuy nhiên, để xử lý tình trạng này một cách tận gốc không phải là chuyện "một sớm một chiều". Do vậy, trước mắt, hơn ai hết, người sử dụng mạng cần tỉnh táo trước mọi lời mời chào QC "kiểu trên trời" này; cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang.

Bình luận (0)

Lên đầu trang