Mưa lớn, thủy điện xả nước: Người dân vội vã chạy dòng lũ dữ

Thứ Sáu, 04/11/2016 00:15  | Chí Dũng

|

(CAO) Từ ngày 2 đến 3-11, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa lớn, cộng với thủy điện xả nước khiến nhiều nơi bị ngập lụt cục bộ, hàng nghìn hộ dân bị cô lập.

Mưa lớn khiến nhiều địa phương tại Gia Lai bị nhấn chìm

Theo Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên, tính từ 7 giờ ngày 2-11 đến 7 giờ sáng 3-11, tại khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, lượng mưa đo được phổ biến từ 150 - 200mm, một số nơi cao hơn 200mm. Do mưa lớn, mực nước trên các sông có xu tăng nhanh. Chiều ngày 3-11, mực nước trên các sông vùng hạ lưu sông Ba đạt đỉnh. Đỉnh lũ lúc 13 giờ ngày 3-11 tại trạm thủy văn Ayun Pa (sông Ba) là 155.72m, thấp hơn báo động 3 là 0.28m.

Trong sáng ngày 2-11, thủy điện An Khê - Kanak tiến hành xả nước bất ngờ về hạ du sông Ba với lưu lượng từ 600m3/s vào sáng 2-11, đến tối cùng ngày nâng lên 1000m3/s.

Khi nước lũ tại sông Ba lên cao gây ngập cục bộ một số nơi, lực lượng chức năng huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa tiến hành di dời những người dân trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Nước vùng hạ du sông Ba nước vẫn đổ về rất lớn

Trong sáng 3-11, 10 hộ dân ở phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa) và hơn 10 công nhân ở một lò gạch gần bờ sông Ba bị cô lập, hiện đang được các lượng lượng chức năng tiếp cận, sơ tán.

Sáng cùng ngày, có khoảng 30 người dân thuê đất ở tại 12 chòi rẫy ở buôn Jứ Ma Uôk (xã Ia Broái, huyện Ia Pa) trồng dưa vẫn chưa chịu di chuyển ra nơi an toàn. Sau nhiều lần thuyết phục, đến cuối giờ chiều, chính quyền địa phương mới di dời được 30 người về nơi an toàn.

Mưa lớn kéo dài từ tối ngày 2 đến sáng 3-11 khiến cho mực nước đoạn chảy qua đập tràn nối từ làng Gliêk đến trung tâm xã Ya Hội (huyện Đăk Pơ) lên nhanh, đoạn đường đi qua đây nhanh chóng bị chìm sâu trong nước, khiến hàng chục hộ dân ở làng Gliêk bị cô lập với bên ngoài.

Nhiều hộ dân bị cô lập do nước lũ

Tuyến đường Quốc lộ 25 cũng bị ngập sâu khoảng 50cm, kéo dài khoảng 400m, đoạn qua xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) gây chia cắt. Đèo Tô Na nằm trên quốc lộ cũng bị sạt lở khiến các phương tiện ách tắc nhiều giờ.

Theo Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên, trong chiều tối và đêm 3-11, áp cao lục địa tiếp tục tăng cường yếu, hội tụ gió Đông hoạt động ổn định sau suy yếu. Khu vực phía Đông – Đông Nam tỉnh Gia Lai tiếp tục có mưa vừa, mưa to, từ 20 - 40mm. Ngập lụt còn xảy ra ở các vùng trũng thấp ven sông Ba. Đặc biệt là huyện IaPa, thị xã AyunPa, cấp độ thiên tai là cấp 1.

Đèo Tô Na được khắc phục sau sạt lỡ

Trong công điện khẩn về việc chấn chỉnh việc vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão cho vùng hạ du đập thủy điện, thủy lợi, UBND tỉnh Gia Lai nêu: “Ngày 1-11, thuỷ điện An Khê - Ka Nak bất ngờ xả nước với mức xả 200m3/s và đến 11 giờ ngày 2-11 thì nâng mức xả lũ lên 600m3/s nhưng không thông báo cho Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai biết để chỉ đạo ứng phó lũ lụt do xả nước hồ chứa. Việc xả nước đột ngột nói trên rất dễ xảy ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân nếu không triển khai kịp thời các biện pháp phòng tránh, ứng phó”.

Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các đơn vị quản lý và khai thác vận hành hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn phải nghiêm chỉnh chấp hành việc xả lũ đúng theo quy định. Các địa phương thông báo gấp cho nhân dân vùng hạ du về việc triển khai các biện pháp ứng phó…

Bình luận (0)

Lên đầu trang