Quảng Bình:

Ngôi làng ngành GTVT giữa vùng cát trắng

Thứ Ba, 12/07/2016 05:59  | Mạnh Hùng

|

(CAO) Những người sinh sống trong làng đa số là những người từng công tác và chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải những năm chống Mỹ cứu nước.

Kết thúc chiến tranh, họ đã chọn vùng đất Quảng Bình sinh sống và lập nghiệp… Ngôi làng đặc biệt này có tên là thôn 050 (thuộc xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch).

Sở dĩ, làng có cái tên đặc biệt không giống và trùng khớp với bao ngôi làng khác trên vùng cát trắng này, bởi lịch sử hình thành làng gắn liền với nghành giao thông vận tải (GTVT).

Khoảng năm 1967-1968, Công trường 050 trực thuộc Ty GTVT Quảng Bình được thành lập dựa trên cơ sở tiếp nhận những người làm công tác cầu, đường có hoàn cảnh đặc biệt như: phụ nữ mang bầu, nuôi con nhỏ; công nhân đã lập gia đình và có con nhỏ; người đang bị thương.

Thôn 050 - ngôi làng của những người công nhân nghành GTVT

Địa điểm đóng chân lúc đầu của đơn vị là dọc theo tuyến Quốc lộ 1A (sát chân đèo Lý Hoà), sau đó chuyển tới khu vực này (thôn 050). Đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, thôn tiếp nhận thêm một số công nhân cầu, đường từ một số đơn vị của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng.

Sau năm 1975, các công nhân của Công trường 050 vẫn tiếp tục bám trụ cùng đơn vị tiến hành xây dựng, tu sửa lại nhiều tuyến cầu, đường bị giặc Mỹ băm nát, phục vụ cho hoạt động GTVT của đất nước.

Giai đoạn 1987-1988, nhiều công nhân đến độ tuổi hưu trí, một số người có điều kiện kinh tế thì quay trở lại quê hương, những người không có điều kiện thì bám trụ lại mảnh đất này cho đến tận hôm nay.

Có thể nói, thôn 050 chính là ngôi làng tập hợp những công nhân có gốc gác ở nhiều làng quê khác nhau trên cả nước như: Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình,…

Tiếp bước trên những con ngỏ nhỏ của thôn 050, một quang cảnh lạ đập vào mắt chúng tôi. Hầu hết những người sinh sống tại đây đều là những người già và trẻ nhỏ.

Đem thắc mắc này trao đổi, ông Phan Viết Anh (Bí thư chi bộ thôn 050) cho biết: “Thôn 050 hiện có 30 hộ, với 131 nhân khẩu. Trong số này có tới 60 % là người cao tuổi, 35 % ở độ tuổi đi học, số còn lại là trong độ tuổi lao động và đối tượng bị mắc bệnh tật. Thôn 050 bây giờ hầu hết chỉ có các người già và trẻ em”.

Ngoài ra, ông Anh còn cho biết thêm, tuy thôn nằm ở một xã thuần nông, nhưng thôn 050 không hề có đất ruộng để trồng lúa hoặc đất lâm nghiệp để trồng rừng. Bình quân mỗi hộ dân nơi đây chỉ có khoảng 600 m2 (bao gồm đất ở và đất vườn), nghề phụ hầu như không có.

Đứng trước tình cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm,… nên hầu hết thế hệ con cái của thôn lớn lên đều phải đi làm ăn xa. Một số ít thanh niên may mắn thì xây dựng gia đình, làm nhà ở, lập thân lập nghiệp tại nơi ở mới.

Những người dân trong thôn tự động viên, chăm sóc nhau lúc trái gió trở trời

Những trường hợp kém may mắn hơn thì thuê trọ nơi đất khách quê người, mỗi năm chỉ về thăm nhà được vài lần. Có những trường hợp kinh tế khó khăn, phải đến vài ba năm mới về thăm ba mẹ đẻ được một lần. Đã thế, không ít thanh niên trong thôn đi làm ăn xa, lập gia đình và sinh con, sau đó gửi lại cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng vì hoàn cảnh khó khăn.

Bà Trần Thị Tân (80 tuổi, thôn 050) tâm sự: “Buồn lắm chú à, do bọn tui đều là công nhân hưu trí, nên không có đất nông nghiệp để canh tác, con cái sinh ra và lớn lên phải đi làm ăn và lập nghiệp phương xa.

Vài ba năm chúng mới về thăm ba mẹ một lần. Có những nhà do con cái làm ăn khó khăn nên đã gửi con lại cho ông bà chăm sóc để bớt một phần gánh nặng chi phí nơi đất khách quê người”.

Tạm biệt ngôi làng nhỏ đặc biệt này, trong thâm tâm chúng tôi cứ bám lấy hình ảnh ngôi nhà nhỏ, với các cụ ông, cụ bà đã bước qua cái tuổi “Thập cổ lai hi” và những đứa trẻ thơ dại đang ngày ngày dựa vào nhau để sống, tự động viên nhau lúc trái gió trở trời…

Tuổi thanh xuân của các cụ đã cống hiến cho đất nước, những mong lúc về già được vui vầy bên con cái, vậy mà…

Bình luận (0)

Lên đầu trang