Những phòng trọ 'nhảy múa'

Thứ Hai, 06/07/2015 12:37  | An Hưng

|

(CATP) Đánh vào tâm lý tìm nhà trọ của các sĩ tử và sinh viên, hiện nay một số chủ nhà trọ tại TP.Hồ Chí Minh tung rất nhiều chiêu lừa đảo tinh vi. Không ít người đã “dính bẫy” vì thiếu cẩn trọng.

Phòng giá rẻ

Một trong những nạn nhân là Phương (22 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM). Nữ sinh này kể, cô trông thấy nhiều tờ giấy rao vặt ở đường Vạn Kiếp (P3, Q.Bình Thạnh) giới thiệu một số nhà trọ giá rẻ tại mặt tiền đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) nên tới xem thử để chuyển phòng.

Tiếp cô là bà H., tự xưng là quản lý của căn nhà có nhiều phòng trọ cho biết, giá ở đây rất rẻ, phòng cho hai người nhưng chỉ có giá 1,6 triệu đồng. Sau khi đóng tiền cọc 500 nghìn đồng, Phương hí hửng về chỗ trọ hẹn ngày làm hợp đồng chính.

Giá phòng rẻ "leo" trụ điện, nhưng có nhiều “ẩn số” bên trong

Tới ngày làm hợp đồng chính, bà H. đưa ra hàng loạt khoản phí phát sinh không như thỏa thuận ban đầu như: phí giữ xe, đổ rác, làm giấy tạm trú, hỗ trợ người đi làm, wifi, cáp truyền hình, an ninh... Mỗi loại phí này mỗi người thuê trọ phải mất đứt 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu hai người là ba triệu đồng, cộng thêm tiền phòng là 4,6 triệu đồng một tháng. Số tiền này quá lớn đối với sinh viên.

Nhưng điều đáng nói là những khoản phí này đều không được nói ra trong lúc làm hợp đồng cọc. Đến nước này, người đặt cọc một là phải tiếp tục “sống chung với lũ” khi chấp nhận đóng tất cả các loại phí vô lý. Nếu không muốn thì bỏ đi tìm chỗ khác và tiền cọc sẽ “vô tình” chui vào túi người đã nhận cọc.

Sau khi mất niềm tin ở những tờ quảng cáo rao vặt, Phương lên trang choto... để tìm nhà và phát hiện ra một phòng trọ tại đường Điện Biên Phủ (Q1) cũng quảng cáo giá rẻ. Phương cùng bạn cẩn thận hỏi có phí phát sinh nào ngoài giá tiền phòng mỗi tháng hay không thì chủ căn nhà nói là không. Phương để lại 500 nghìn đồng để đặt chỗ.

Rút kinh nghiệm lần trước, Phương liên tục gọi điện cho chủ nhà này, nhưng gặp hết ông Tiến, bà Tâm cho đến bà Thu. Ai cũng tự cho mình là người quản lý căn nhà, chỉ đến người cuối cùng là bà Thu thì mới cho biết ông Tiến và bà Tâm chỉ là người mà bà này... thuê để coi nhà.

Đến khi các nữ sinh chuyển vào nhà mới thì mới tá hỏa khi cũng có hàng loạt phí phát sinh khác hiện ra. Khi người thuê thắc mắc là tại sao không ghi những điều khoản này vào hợp đồng cọc mà hứa hẹn đủ điều thì người cho thuê... lảng sang chuyện khác. Khi các nữ sinh viên muốn đòi lại tiền cọc thì ngôi nhà cho thuê xuất hiện nhiều gã lưu manh với tướng tá bặm trợn. Tất nhiên là tiền cọc cũng “vỗ cánh bay xa”.

Vạch mặt kẻ lừa

Từ nguồn tin độc giả cung cấp, ngày 2-7 vừa qua trong vai cần thuê phòng trọ để cho đứa em ở thi THPT, chúng tôi đã đến căn nhà của bà H. Đó là một phụ nữ luống tuổi. Khi chúng tôi cần coi phòng thì giá phòng đột ngột tăng, không như lời rao của những tờ quảng cáo bên ngoài là 1,2 - 1,4 triệu đồng mà thực tế là 2 triệu đồng. Tất nhiên là những căn phòng nhỏ hẹp này đều có người đang ở bên trong. Họ có đi và trả phòng lại cho chủ nhà hay không thì chỉ bà H. mới biết.

Căn phòng nhỏ xíu này có giá ba triệu đồng

Khi được hỏi có phải là chủ nhà không thì bà H. ú ớ rồi nói đại: “Tui là bà con của chủ nhà!”. Bà H. nhanh nhảu nói đưa một triệu đồng để đặt chỗ. Khi chúng tôi kêu giá quá cao, bà H. “hạ giá” còn phân nửa. Chúng tôi ngỏ ý muốn xin một bản hợp đồng chính để về nhà nghiên cứu thì bà H. thẳng thừng từ chối.

Tuy nhiên, phóng viên cũng thu thập được bản hợp đồng này và tá hỏa khi phát sinh quá nhiều khoản phí như bạn đọc phản ánh: Nào là tiền giữ xe, phí wifi, phí vệ sinh... Nói chung là sẽ đội giá phòng lên rất cao.

Thủ đoạn của những kẻ lừa này là tung ra giá phòng ở những con đường đẹp tại các quận trung tâm với giá rất rẻ. Đến khi “con mồi” đang hớn hở vì tìm được chỗ trọ tốt, hí hửng nộp tiền đặt chỗ thì bản hợp đồng chính với hàng loạt chi phí giá “trên trời” vẫn chưa được tung ra.

Kẻ cho thuê luôn nói “không còn khoản phí nào khác ngoài tiền trả phòng mỗi tháng đâu em”. Đến khi người cho thuê chuyển đồ tới, họ mới “tung” hợp đồng chính ra. Người trọ chỉ còn biết cắn răng đóng tiền phát sinh hoặc mất cọc.

Để tránh các trường hợp trên, người thuê trọ cần tìm hiểu kĩ trước khi đặt bút kí hợp đồng cọc. Yêu cầu người cho thuê in hợp đồng chính để cung cấp cho bên thuê về nghiên cứu trước. Không chấp nhận trả bất kì khoản tiền nào ngoài hợp đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang