Hai người nghiện thuốc lá lâu năm, bị nhồi máu não cấp

Thứ Sáu, 18/12/2020 10:32  | Đào Giang

|

(CAO) Ngày 18/12, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa tiếp nhận 2 nam bệnh nhân bị nhồi máu não cấp. Qua thăm khám, được biết cả 2 đều có tiền sử nghiện thuốc lá lâu năm, có người sử dụng 1,5 gói thuốc/ ngày.

Theo đó, 18h ngày 15/12, nam bệnh nhân sinh năm 1976 (ở Hà Nội) đột ngột liệt nửa người bên phải tăng dần, nói khó sau không nói được, ý thức lơ mơ, không tiếp xúc được. Người bệnh được đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào giờ thứ 3 của bệnh.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh liệt nửa người phải do nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch não giữa bên trái. Người bệnh đã được can thiệp lấy huyết khối và đặt stent đốc động mạch cảnh trong bên trái. Bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc lá lâu năm.

 Ảnh minh họa

Ngoài ra, 1 nam bệnh nhân sinh năm 1972 (ở Hải Phòng), nghiện thuốc lá trên 20 năm (mỗi ngày trung bình tiêu thụ khoảng 1,5 gói thuốc), vào thời gian khởi phát bệnh, người bệnh đang làm việc thì đột nhiên tê yếu nửa người bên trái, không nhấc được chân tay lên, không sốt, nôn, co giật.

Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu, phát hiện tắc động mạch cảnh trong bên phải và sau đó chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào giờ thứ 5-6.

Tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người bệnh được chẩn đoán liệt nửa người bên trái do nhồi máu não cấp, tắc động mạch cảnh trong bên phải từ ngoài sọ và can thiệp tái thông giờ thứ 6 bằng dụng cụ cơ học.

Được biết, người bệnh là nhân viên kiểm tra biển báo ngoài khơi, theo anh, do tính chất công việc thường xuyên trực “trên sông nước” nên có thói quen hút thuốc. Mặc dù trước đó đã điều trị lao phổi và gia đình cũng nhiều lần ngăn cấm hút thuốc nhưng người bệnh không bỏ được thuốc.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các yếu tố nguy cơ đột quỵ não bao gồm hai nhóm nguy cơ. Trong đó, nhóm nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm tuổi cao, đặc biệt những người trên 70 tuổi; chủng tộc như người da đen nguy cơ cao hơn người da trắng; giới tính nam nguy cơ cao hơn nữ; yếu tố liên quan đến gen mang tính chất gia đình… Những nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hoá lipid máu, ít vận động; một số nguyên nhân khác như bệnh lý van tim, rung nhĩ, hẹp động mạch cảnh…

Nguy cơ đột quỵ sẽ đặc biệt cao ở những người có từ 2-3 yếu tố nguy cơ trở lên. Nghiện thuốc lá lâu năm không chỉ có nguy cơ cao gây ung thư phổi mà còn là một yếu tố nguy hiểm của bệnh lý mạch máu, trong đó có mạch máu não và mạch vành. Hai người bệnh trên tuổi còn trẻ, tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh, người bệnh vẫn tập thể dục thường xuyên, không bị tăng huyết áp, không bị tiểu đường, xét nghiệm mỡ máu bình thường, không có yếu tố nguy cơ nào khác ngoài hút thuốc lá lâu năm.

Hai người bệnh trên đều đã qua giai đoạn khó khăn và đang dần ổn định do được nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu trong thời gian vàng.

“Thuốc lá có hại cho sức khỏe là câu nói quen thuộc mà bất kỳ ai cũng biết, tuy nhiên thực tế thuốc lá không chỉ hại sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của chính người sử dụng nó, thậm chí là những người xung quanh. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức được sự nguy hiểm của thuốc lá và tránh xa những thứ độc hại tương tự thuốc lá ngay từ bây giờ để bảo vệ mình, người thân và cộng đồng”, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tuyến cảnh báo.

Tỷ lệ người trẻ và trung niên đột quỵ ngày càng tăng, chiếm 1/3 tổng số ca
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang