Vé bay giảm sâu, các dịch vụ tại sân bay vẫn "chặt, chém"

Thứ Sáu, 05/03/2021 10:53  | An Hoà

|

(CATP) Sau Tết, nhu cầu sử dụng phương tiện hàng không của người dân giảm đáng kể, do dịch bệnh nên các sân bay tiếp tục vắng khách. Mặc dù vậy, các loại hình "ăn theo" hàng không vẫn đẩy giá không thương tiếc.

VÉ GIẢM "KỊCH SÀN"

Đường bay nội địa của các hãng: Vietnam Airlines (VNA), Vietjet (VJ), Pacific Airlines (tiền thân là Jetstar Pacific Airlines), Bamboo Airways, Vasco hiện tràn ngập vé siêu rẻ so với cùng kỳ để kích cầu du lịch. Đơn cử, chặng TPHCM - Quy Nhơn, TPHCM - Đà Lạt..., giá vé mỗi chuyến dao động 500 - 700 nghìn đồng và có sự chênh lệch nhẹ trong các ngày cuối tuần. Trong khi đó, VJ trên trang web có giá vé khoảng 49 - 149 nghìn đồng, chưa bao gồm phí và lệ phí, mức giá này cũng có mặt bằng chung với Bamboo Airways.

Từ ngày 19 đến 22-3, chặng TPHCM - Quy Nhơn, giá vé khứ hồi dao động 1,2 - 1,3 triệu đồng tùy hãng, đó là giá niêm yết trên app hoặc các trang chủ của hãng. Thế nhưng, khi thanh toán qua các đại lý hoặc app của các ngân hàng (có liên kết với đại lý máy bay), người mua sẽ tốn thêm 100-200 nghìn đồng. Ngoài giá vé bay rẻ hơn cùng kỳ, một số hãng còn cho ký gửi 23 ký hành lý miễn phí, không phải bỏ thêm tiền như trước đây.

Thay cho cảnh hối hả trước Tết, khu chờ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) gồm tầng trệt của VJ hay trên lầu của VNA, Bamboo..., lượng khách xếp hàng làm thủ tục khá thưa thớt. Quan trọng hơn là hành khách còn ngại dịch bệnh nên không đi du lịch xa trong tháng Giêng như 2 năm trước.

MỘT SỐ DỊCH VỤ TIẾP TỤC "HÉT" GIÁ

Trái ngược với giá vé bay giảm sâu, lượng khách vắng, nhiều hãng bay phải cắt giảm nhân viên làm việc dưới mặt đất, giá đồ ăn thức uống tại SB Tân Sơn Nhất vẫn chưa "hạ nhiệt". Tại cửa hàng Bigbowl, tầng trệt, một tô phở tái vẫn 121 nghìn đồng, rẻ nhất là phở nạm cũng 89 nghìn.

Trong khi các hãng bay đang giảm giá để kích cầu, một bộ phận dịch vụ "ăn theo" đang làm thị trường du lịch xấu đi. Tối 28-2, do là chủ nhật nên lượng khách từ Đà Lạt về TPHCM rất đông. Lợi dụng điều này, một số tài xế (TX) taxi cố tình bắt chẹt khách với mức giá cao.

Cảnh vắng vẻ tại sân bay Tân Sơn Nhất

Anh Nguyễn Văn Toàn (40 tuổi, ngụ Q9, du khách từ TPHCM) kể, nhóm du khách của anh cần chiếc taxi 4 chỗ từ khách sạn Golf Valley (đường Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt) để ra SB Liên Khương (H. Đức Trọng, Lâm Đồng), Hãng Lado thường chạy với giá 165 nghìn nhưng đã hết xe. Thấy phía trước có chiếc taxi Hãng Red Star 50LD-131..., nhóm anh Toàn hỏi giá ra sân bay thì được "hét" 400 nghìn. Anh TX trẻ măng tay lướt điện thoại, trả lời khách giọng bất cần: "Đèo Prenn đang có tai nạn, bị kẹt nên phải đi đường vòng". Trong khi đó, tuần qua chỉ xảy ra tai nạn trên đèo Bảo Lộc mà thôi!

Tuần trước, chúng tôi tới Bến xe hàng không Quy Nhơn ngồi xe buýt ra SB Phù Cát (Bình Định) để bay vào TPHCM cũng bị taxi "dù” làm giá. Hai chiếc xe buýt lớn của Cảng hàng không Phù Cát không khai thác, chỉ có một xe loại nhỏ. "Đục nước béo cò”, đám taxi dù đậu phía trước bắt khách. Cứ ba người, họ nhét lên 1 xe và ca thán là sau khi trả khách, họ phải về tay không vì khách từ TPHCM ra rất ít, giá bình thường chỉ 50-60 nghìn đồng/người nhưng giờ chúng tôi phải trả gấp đôi.

Kiểu làm ăn chụp giựt như trên đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường du lịch tại TP. Đà Lạt và TP. Quy Nhơn. Cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh, xóa sổ loại hình taxi chèn ép, tăng giá này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang