Thu phí ô tô vào trung tâm, TP.HCM sẽ thu khoảng 700 tỷ đồng/năm

Thứ Ba, 17/10/2017 12:02

|

(CAO) Nếu tổ chức thu phí theo dự án 'thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông', giai đoạn thu phí từ 2019 - 2034; mỗi năm thành phố sẽ thu khoảng 700 tỷ đồng.

TP.HCM sẽ thu khoảng 700 tỷ đồng/năm từ thu phí ô tô vào trung tâm

Ngày 12-10, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đã trình đề xuất dự án 'thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM đề hạn chế ùn tắc giao thông" lên UBND TP và Sở GTVT TP.

Theo đề xuất, thời gian thu phí từ 6 giờ đến 19 giờ, đối với ô tô cá nhân mức thu phí từ 40.000 đồng; đối với taxi (có đăng ký tại TP) mức thu phí từ 30.000 đồng; đối với xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh) mức thu phí từ 50.000 đồng.

Phương án vành đai khép kín bao quanh trung tâm thành phố

Cổng thu phí theo phương án thiết kế sẽ bố trí trên vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm thành phố gồm các đường Hoàng Sa (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám, 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng.

36 cổng thu phí đa làn xe tự động (không dừng), một trung tâm điều hành kết nối quản lý hoạt động các cổng thu phí, xử lý thông tin. Trong đó, 2 cổng thu phí sẽ được lắp trên đường Bạch Đằng, Trường Sơn thu phí cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 1.797 tỷ đồng theo hình thức PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao); thời gian trong 15 năm.

Dự kiến thời gian thực hiện sẽ từ năm 2018 - 2019, giai đoạn bắt đầu thu phí từ năm 2019 - 2034; theo chủ đầu tư, nếu tổ chức thu phí theo dự án mỗi năm sẽ thu được khoảng 700 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vận tải thêm nhiều gánh nặng

Trước thực trạng kẹt xe tại thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Hành khách Liên tỉnh và Du lịch TP.HCM - Lê Trung Tính nhận định, việc thu phí nên làm nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh của đề án để tránh hiện tượng 'phí chồng phí'.

'Sở GTVT và Sở Tài Chính TP cần xác định mức phí và thời gian thu để không ảnh hưởng đến giá dịch vụ. Dự án cần tính đến các tuyến đường đi ngang qua trung tâm thành phố, tránh chuyện xe không vào trung tâm vẫn bị thu phí; Thành phố cần tính đến quỹ đất lập bãi đậu xe vòng ngoài khu trung tâm để người dân hạn chế đi xe vào trung tâm', ông Tính trả lời báo giới.

Ảnh minh hoạ

Tương tự, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách cũng cho rằng việc thực hiện đề án này sẽ làm giảm sức cạnh tranh về vận tải so với các nước trong khu vực và liệu hành khách có chấp nhận thanh toán mức giá vé qua trạm cao hơn cước lộ trình đi.

Đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM chia sẻ, hành khách đi taxi sẽ là người thanh toán cước phí qua trạm thu phí, bến bãi do cơ quan, đơn vị nhà nước thiết lập. Khi đề án thu phí này vào thực tế, sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu của chuyến xe nhưng hành khách sẽ cảm thấy khó chịu.

'Giả định khách đi lộ trình ngắn vào trung tâm thành phố, cước phí 20.000 đồng nhưng chi phí mua vé taxi qua trạm mất 30.000 đồng thì có hợp lý hay không? Sở GTVT đã xếp taxi vào vận tải hành khách công cộng, Hiệp hội đã đề nghị không nên thu phí taxi vào trung tâm hoặc chỉ thu ở mức 50% giá vé là phù hợp nhất', vị đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM cho hay.

Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM - Bùi Văn Quản cho rằng, các doanh nghiệp vận tải đã gánh quá nhiều khoảng chi phí từ Bắc vào Nam. Vô hình chung là 'gánh nặng' của doanh nghiệp và đã đẩy giá vận tải tăng cao, khiến giá thành hàng hoá bị ảnh hưởng.

'Để cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp vận tải đã bù lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Nếu TP.HCM thu thêm 50.000 đồng/xe/lượt vào trung tâm thì doanh nghiệp có xe ra vào nhiều sẽ tốn khoảng chi phí lớn, doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Nhà nước cần tập trung các giải pháp lâu dài về quy hoạch đô thị', ông Quản đánh giá.

Theo chuyên gia về lĩnh vực đô thị, thu phí vào trung tâm có thể giảm ùn tắc giao thông trong nội đô và thành phố sẽ có số tiền mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng. Vậy tiền này đi về đâu và sử dụng cho mục đích gì cần phải thông tin cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ. Ngoài ra, nếu đề án thu phí được thực hiện nhưng trung tâm thành phố vẫn kẹt xe, ùn tắc thì xử lý trách nhiệm về ai?

'Chỉ vài thành phố trên thế giới có thể áp dụng phương án này. Thành phố cần lập bảng so sánh từng khu vực dân cư và phân tích rõ việc nên làm hoặc không nên làm. 36 cổng thu phí phải được bố trí hợp lý tránh ảnh hưởng kiến trúc đô thị. Số tiền thu phí phải được sử dụng 100% cho giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng', vị chuyên gia nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang