Nuôi cho sống hay bỏ cho chết?

Thứ Bảy, 06/06/2015 15:14  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Sự cố bắt đầu vào một ngày đầu thu, thường có nhiều mưa, gió, lá thu úa vàng rơi rụng mỗi ngày, lạnh và ẩm ướt, đường xá trơn tuốt luốt. Sáng sớm ngày 29 - 08 - 2008, ông Vincent Lambert, 32 tuổi, cha của một đứa bé gái 3 tháng tuổi, lái xe máy hai bánh lên đường đi làm việc cách nhà ở 17 cây số, một quãng đường đi làm còn là "ngắn" ở châu Âu. 

Nhiều người phải đi làm sáng đi tối về xa đến cả trăm cây số. Vincent Lambert là phụ tá điều dưỡng săn sóc những người bị bệnh tâm thần trong nhà thương của khu vực.

Ông bị trượt xe máy, bị thương nặng ở đầu.

Tại nhà thương thuộc đại học của thành phố Reims, Lambert được các bác sĩ cho vào trạng thái ngủ vô thức sâu.

Vincent Lambert trên giường bệnh.
Sau đó tình trạng sức khỏe của Lambert đạt được mức độ "ý thức tối thiểu", có nghĩa là ông mở mắt nhìn vào chân không, hay có cử động mắt, hay phản ứng nhanh khi có tiếng động. Cơ thể ông biết cảm nhận đau, và ông khóc. Nhưng sau cùng, các bác sĩ kết luận là Lambert không còn khả năng sống một đời sống con người bình thường được nữa.
Vào ngày thứ sáu 05-06-2015, mạng sống của Vincent Lambert được quyết định, tòa án châu Âu về quyền con người (Nhân quyền) EMGR, đã tuyên bố là, sự kiện ngưng nuôi dưỡng ông Lambert bằng ống không đi ngược lại quyền sống của con người theo Hiến pháp về Nhân quyền của châu Âu, tương tự như quyết định của tòa hành chánh tối cao Pháp, có nghĩa là các bác sĩ được quyền cắt, ngưng việc nuôi dưỡng bằng ống của ông Vincent Lambert để cho ông chết, chống lại sự phản đối của cha mẹ ông.

Trường hợp đáng thương của Vincent Lambert trở thành một tranh cãi quyết liệt trong gia đình giữa hai ý kiến hoàn toàn khác biệt nhau. Vợ ông, bà Rachel Lambert, cũng là một nữ y tá, đồng ý với bác sĩ chữa trị, ông Eric Kariger, là cắt đường nuôi dưỡng bằng ống để cho ông chết. Sáu người em của ông Vincent Lambert cũng đồng ý "để cho chết". Cha, mẹ và hai người em khác muốn tiếp tục nuôi ông Vincent Lambert sống.

Các vụ kiện tụng của hai phe trong gia đình lên các cấp tòa án và hành chánh nổ ra thành một vấn đề lớn của xã hội, vừa trên mặt tinh thần đạo đức và tôn giáo, vừa trên mặt chuyên ngành y khoa, vừa trên mặt tài chánh của các quỹ bảo hiểm sức khỏe, tai nạn, tàn tật, hưu trí.

Một hội đồng y khoa và bác sĩ Kariger cho rằng một sự tiếp tục nuôi sống ông Lambert bằng mọi giá là thiếu sáng suốt và hợp lý và họ chống lại điều đó.

Tòa án hành chánh nơi cha mẹ ông Lambert nộp đơn chống lại quyết định trên, tuyên án sự tiếp tục nuôi sống "không phải là vô ích và quá mức".

Năm người em của ông Lambert gửi đơn đến bà bộ trưởng bộ Y tế sức khỏe Marisol Touraine kêu gọi một quyết định không nên để cho ông Lambert sống lây lất với những đau đớn thể xác và tinh thần.

Sau khi đã tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa về chấn thương não, tòa án hành chánh tối cao nước Pháp (Conseil d'Etat) cho là đơn yêu cầu của năm người em là có lý và kết luận rằng sự việc chấm dứt nuôi dưỡng ông Lambert bằng ống không phải là "bất hợp pháp".

Cha mẹ ông Lambert nộp đơn kêu gọi khẩn cấp tòa án châu Âu ở Strasbourg, đồng thời khởi động một chiến dịch kêu gọi „Cứu Vincent“ trên mạng Internet. Sau quyết định của tòa án châu Âu, họ rất cay đắng, cương quyết tranh đấu đến cùng, luật sư của họ, ông Jean Paillot, tuyên bố sẽ dùng những biện pháp pháp luật khác để nuôi ông Lambert sống.

Câu chuyện nói trên đặt ra rất nhiều câu hỏi hầu như không thể trả lời một cách thỏa đáng 100% được: ai là người có quyền quyết định một sự kiện rất thiêng liêng là cho sống hay để chết ? bác sĩ ? thân nhân ? quan tòa ?
Ngay trong vòng gia đình còn có nhiều cách nhìn từ nhiều thế đứng khác nhau.
Cha mẹ đẻ ra con, nuôi con khôn lớn, mong muốn con được hạnh phúc, thành danh nên người, lẽ nào nỡ để cho nó chết ?
Người vợ còn trẻ, không muốn đèo thêm gánh nặng mấy mươi năm nữa, muốn còn có một tương lai làm lại cuộc đời ?
Anh chị em, trên thực tế có mất thì giờ và tiền bạc để lo lắng, săn sóc gì cho nhau không, hay chỉ tuyên bố vô thưởng vô phạt, còn ra thì mạnh ai nấy sống?

Đứng về phía các quan chức hành chánh thì họ muốn giảm chi phí săn sóc người bệnh, nên mọi quyết định rút ngắn thời gian điều trị tất nhiên sẽ vừa ý họ, những người chỉ suy luận bằng tiền.

Đã từ nhiều năm nay, những người bị mổ không còn được săn sóc nhiều ngày trong bệnh viện nữa, mà khi vừa tỉnh thuốc mê, có dấu hiệu tỉnh táo bình thường là bị bác sĩ đuổi về nhà để cho thân nhân tiếp tục săn sóc.

Các hãng bảo hiểm sức khỏe tại Pháp bán hợp đồng cao giá để cho người bệnh được quyền có một phòng đơn trong bệnh viện, nhưng khi cần có một phòng đơn thì bị y tá mắng té tát vào mặt, đây là nhà thương, không phải là khách sạn, không có chỗ!

Theo luật lệ xã hội thì những người có của cải phải tự trả mọi phí tổn săn sóc bệnh tật vượt quá các hợp đồng bảo hiểm mà họ đã ký kết. Nên nhiều gia đình tại Pháp, vì phải nuôi dưỡng cha mẹ già yếu, hay người bệnh tật, tàn tật, tê liệt cả hơn 10 năm trời, phải bán hết nhà cửa, ruộng vườn để nuôi người thân, mà những kẻ ác miệng gọi là "nuôi bệnh tốn tiền".

Có khi túng quẫn quá, con cái bỏ trốn, dọn nhà không để lại địa chỉ, để cho quỹ xã hội công phải trả mọi phí tổn nuôi cha, mẹ già.

Đây cũng là một câu hỏi về đạo đức và lương tâm, tính tương trợ và bác ái của cả một xã hội: vứt bỏ người già đi đâu sau khi họ đã cống hiến hết cả một đời cho xã hội và cho gia đình, người thân của họ ?

Hiện nay trên nước Pháp có 1.700 trường hợp tương tự như ông Vincent Lambert, nên các quyết định về trường hợp của ông, sống hay chết, sẽ là sự kiện phát tín hiệu đánh giá một sự chuyển hướng quan trọng về đạo đức và luân lý của xã hội Pháp, nếu không còn kể đến các giá trị tôn giáo tích cực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang