Bước tiến vĩ đại của khoa học: Tàu thăm dò Juno tiến thành công vào quỹ đạo Sao Mộc

Thứ Ba, 05/07/2016 16:14  | Anh Duy

|

(CAO) Sáng nay 5-7, giới thiên văn quốc tế chứng kiến một thành tựu vĩ đại của khoa học khi lần đầu tiên tàu thăm dò Juno của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiến thành công vào quỹ đạo Sao Mộc – hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt Trời.

BBC đưa tin tàu thăm dò Juno thực chất là một vệ tinh đã được phóng lên không gian cách đây 5 năm. Khi được phóng lên, Juno tách ra khỏi tên lửa đẩy, chu du trong không gian trước khi đến được quỹ đạo Sao Mộc.

Chuỗi âm truyền từ tàu Juno về Trái Đất đã được các thiết bị của NASA bắt được đã xác nhận nó đã đi vào quỹ đạo Sao Mộc. Geoff Yoder - một quan chức cấp cao của NASA nhận định: "Đây là một kỳ tích". Việc tiếp cận quỹ đạo sao Mộc giúp NASA nghiên cứu rõ hơn về cấu trúc của hành tinh khí này. Đồng thời NASA cũng tin rằng việc phân tích Sao Mộc có thể giúp họ khám phá sâu thêm những gì đã xảy ra vào thời điểm Big Bang hình thành nên vũ trụ.

Trước nay, không có bất kỳ tàu thăm dò nào trước Juno “dám” tiến gần đến Sao Mộc vì nếu tiến quá gần đến bề mặt hành tinh này thì vành đai bức xạ xung quanh sao Mộc có thể phá hỏng các thiết bị điện tử gắn trên tàu thăm dò .Tuy nhiên Juno được thiết kế đặc biệt để có thể chịu được các tia phóng xạ xuyên qua.

Tàu Juno bay quanh Sao Mộc - Ảnh: NASA 

Tiếp cận được quỹ đạo của Sao Mộc, nhiệm vụ sắp tới của tàu Juno sẽ “nặng nề” khi phải tiến sâu  hơn về phía bề mặt hành tinh này. Với 8 thiết bị viễn thám đặc biệt cùng với camera, Juno sẽ đi xuyên các lớp khí của Sao Mộc (Sao Mộc được cấu tạo chủ yếu từ khí Hidro và Heli) để đo đạc thành phần, nhiệt độ và các dấu hiệu khác của sự sống như sự hiện diện của khí ô xi.

Tàu Juno còn có nhiệm vụ giải đáp tranh luận xưa nay rằng khi xuyên qua các lớp khí theo trình tự từ bề mặt vào trong lõi của Sao Mộc thì lõi của hành tinh này là lõi rắn hay lõi khí ?. Từ trước đến nay, giới khoa học biết rằng Sao Mộc là một hành tinh khí với Hidro và Heli là chủ yếu. Nhưng liệu còn nguyên tố nào nặng hơn hay không?. Ngoài ra, nghi vấn Sao Mộc tồn tại đại dương cũng đang chờ tàu Juno giải đáp.

Cấu tạo của Sao Mộc - Ảnh: đồ họa của BBC

NASA đang dự tính vận hành Juno đến tháng 2-2018 trong trường hợp nó không bị thiệt hại do  bị bức xạ chiếu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang