Giáo sư Donald Rothwell: Để có bước đi phù hợp, Việt Nam cần theo dõi diễn biến sau phán quyết

Thứ Bảy, 23/07/2016 13:41

|

(CAO) Đó là khẳng định của Giáo sư Donald Rothwell – Trưởng Khoa luật (Đại học Quốc gia Úc) - một chuyên gia nổi tiếng về luật biển quốc tế với các phóng viên bên lề Hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982” do Đại học Luật TP.HCM tổ chức sáng ngày 23-7.

Giáo sư Rothwell khẳng định Tòa quốc tế được thành lập dựa trên những mâu thuẫn nảy sinh từ cách thức giải thích UNCLOS là một cơ chế giải quyết tranh chấp uy tín và ổn định, đang được quốc tế chấp nhận và lựa chọn rộng rãi. Vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông là một vụ việc điển hình mà Việt Nam cần tham chiếu, nghiên cứu kỹ để có bước đi phù hợp tiếp theo vì sau phán quyết ngày 12-7, nhiều khả năng sẽ diễn ra những vòng đàm phán giữa các bên liên quan. Quan sát cách thức xử lý sau phán quyết sẽ là kinh nghiệm đáng giá cho Việt Nam tham khảo.

Đề cập đến việc Trung Quốc từ chối “không tham gia phiên xử và không công nhận kết quả phán quyết”, giáo sư Rothwell khẳng định đây là một sự từ chối, bác bỏ không có cơ sở của Bắc Kinh. Là thành viên đã ký UNCLOS, Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân thủ phán quyết của tòa án được thành lập từ phụ lục quy định của công ước này.

Ông cũng nhấn mạnh Philippines hoàn toàn có thể đưa vụ việc tranh chấp trên Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc để giải quyết, thậm chí trình đến Hội đồng Bảo an (HĐBA) phân xử. Tuy nhiên có một khó khăn đó là Trung Quốc hiện đang là 1 trong 5 thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết tại đây. Vì thế ưu tiên giải quyết tranh chấp trên hết vẫn là bằng biện pháp ngoại giao.

Giáo sư Donald Rothwell – Trưởng Khoa luật ( Đại học Quốc gia Úc) trả lời phóng viên - Ảnh: Anh Duy - Ảnh: Anh Duy

Đồng ý với nhận định trên, PGS.TS Jay Batongbacal – Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS hôm 12-7 bác chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc có tác động tích cực trong việc các nước nhỏ trong khu vực tìm ra hướng giải quyết tranh chấp trên biển .

Phán quyết của Tòa không nhằm phân định kẻ thua – người thắng theo hướng cực đoan mà đó là phán quyết của luật pháp nhằm tạo ra môi trường đàm phán rõ ràng giúp các bên khi không tìm được tiếng nói chung thì sẽ dựa vào phán quyết đó như một nguồn tham khảo để giải quyết tranh chấp.

Về phía Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phán quyết của Tòa là cơ sở tham chiếu để ASEAN dựa vào đó nghiên cứu các lập luận của Tòa, đồng thời trong tương lai sẽ có những đánh giá về việc quản lý biển, phân định biển và xác định các phương thức để đàm phán nếu xảy ra những vụ việc tương tự. Phán quyết của Tòa cũng giúp các nước thành viên ASEAN hiểu tường tận về bản chất tranh chấp trên Biển Đông.

Về Việt Nam, ông Jay Batongbacal cho rằng trong thời gian qua Hà Nội đã có một chiến lược giải quyết tranh chấp rất hiệu quả với Trung Quốc. Phán quyết của Tòa sẽ tạo ra cán cân cân bằng khi Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán (có thể là đa phương) với Trung Quốc ở những điểm mà trước nay Bắc Kinh luôn áp đặt yêu sách “chủ quyền” của mình.

Phán quyết của Tòa về vụ kiện Philippines tạo cơ sở rõ ràng hơn trong lập luận để Việt Nam đàm phán với Trung Quốc. Nếu như đàm phán đi vào ngõ cụt như trường hợp của Philippines thì Việt Nam có thể cân nhắc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng những thủ tục tài phán (kiện ra tòa) như Philippines từng làm.

Trao đổi với phóng viên báo CATP về chủ nghĩa cực đoan đang gia tăng gần đây sau phán quyết của Tòa khi một số người dân nước này tẩy chay hàng hóa Mỹ như biểu tình trước chuỗi cửa hàng gà rán KFC hay đập điện thoại iPhone vì cho rằng Mỹ đứng sau tác động đến phán quyết, PGS. Jay Batongbacal cho rằng những hành động cực đoan này không khác gì việc tự vung tay đánh chính mình.

Trong một xã hội toàn cầu, các sản phẩm trên không chỉ có vốn đầu tư của riêng Mỹ mà còn của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào đầu tư . Đó là những sản phẩm hợp tác giữa các đối tác toàn cầu (trong đó có Trung Quốc). Việc sử dụng nhân công , nhân lực điều hành v..v cũng liên quan đến nguồn nhân lực lao động của Trung Quốc đã và đang tham gia vào chuỗi các sản phẩm này – ông Batongbacal nhấn mạnh.

PGS. Jay Batongbacal trả lời phóng viên về phán quyết của Tòa - Ảnh: Linh Vũ

Trong khi đó, phát biểu tại Hội thảo GS. Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Úc nhấn mạnh việc Bắc Kinh thời gian gần đây liên tiếp bồi đắp, xây các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở Biển Đông hoàn toàn không giúp nước này tạo ra “chủ quyền” trên biển.

Theo ông Thayer, các bãi đá ngầm khi chìm, khi nổi trên Biển Đông ( như ở quần đảo Trường Sa – Việt Nam) quá nhỏ để sinh sống, sinh hoạt, trồng trọt, kể cả đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm giữ và gọi là Thái Bình). Vì thế không thể lấy chúng làm vị trí để từ đó đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế xung quanh.

Theo ông,Trung Quốc cần nghiêm túc thực hiện phán quyết. Cộng đồng quốc tế cũng cần tiếp tục gia tăng sức ép khiến Bắc Kinh thực thi. Giải quyết tranh chấp trên biển theo Thayer cần đảm bảo quyền tự do hàng hải thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao, đàm phán trực tiếp và hoàn toàn không nên dùng biện pháp quân sự để phân định tranh chấp.

GS. Carl Thayer  phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Linh Vũ 

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Ngô Hữu Phước – Phó trưởng khoa Luật Quốc tế - Đại học luật TP.HCM nhấn mạnh Tòa Trọng tài Quốc tế thành lập từ Phụ lục VII của UNCLOS là cơ chế uy tín, linh hoạt được nhiều nước sử dụng trong thời gian gần đây, điển hình là 12 vụ đã được xét xử thông qua cơ chế này như vụ Bangladesh kiện Ấn Độ về việc phân định biên giới biển giữa hai nước vào tháng 10-2009 hay vụ Malaysia kiện Singapore liên quan đến khai thác và sử dụng biển vào tháng 7-2003. Trong đó nổi bật nhất là vụ Philippines kiện Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông vừa tuyên án hôm 12-7.

Đặc điểm của Tòa Trọng tài Quốc tế thành lập từ Phụ lục VII của UNCLOS là cơ chế xử lý linh hoạt khi nếu bên bị cáo như Trung Quốc không tham gia Tòa vẫn xử theo quy định của UNCLOS. Phán quyết của Tòa này mang tính “nhẹ nhàng” nhất khi mang mục đích bác bỏ các yêu sách, giải thích UNCLOS theo hướng đúng đắn nhất để sau phán quyết của Tòa sẽ tạo ra một không gian đàm phán rõ ràng hơn giúp các nước nhằm giải quyết mâu thuẫn.

Theo TS. Phước, Tòa sẽ là cơ chế để ngỏ trong giải quyết tranh chấp giữa các nước, không ngoại trừ Việt Nam . Theo đó, tùy vào mức độ tình hình ta có thể xem xét để sử dụng công cụ này.

Quang cảnh Hội thảo do trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Hội Luật gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: Linh Vũ 

Trong Hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982” do Đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 23-7, các vị học giả khác cũng đã đem đến nhiều bài tham luận có giá trị khẳng định Tòa quốc tế là cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu nhất hiện nay. Tất cả đều khẳng định giải quyết tranh chấp qua Tòa là một biện pháp văn minh, đồng thời phản đối những hành động cưỡng ép xây dựng trái phép và dùng vũ lực trong tranh chấp trên biển.

GS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM cho biết Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán linh hoạt ngày càng được các quốc gia lựa chọn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng UNCLOS.

Đến nay đã có 12 vụ tranh chấp được xử qua cơ chế này, nổi bật nhất được dư luận Việt Nam quan tâm là vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.Hôm 12-7, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 thông qua PCA đã ra phán quyết bác yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là cột mốc quan trọng để các nước lấy làm cơ sở xử lý tranh chấp trên biển.

GS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Linh Vũ 

Buổi hội thảo có hơn 200 đại biểu tham dự, trong đó có 20 diễn giả nổi tiếng, có uy tín về luật quốc tế và luật biển từ các trung tâm nghiên cứu hay trường đại học lớn của Nga, Bỉ, Úc, Nhật... Có thể kể đến sự tham gia của GS. Carl Thayer – giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc), Giáo sư Donald Rothwell – Trưởng Khoa luật ĐHQG Úc, GS. Erik Franckx – Thành viên của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA),PGS. TS Jay Batongbacal – Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines…và nhiều học giả tên tuổi khác trong và ngoài nước tham dự.

Ba trong số các học giả quốc tế có mặt tại hội thảo - Ảnh: Linh Vũ 

Đây là lần thứ 3 Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông. Các tham luận và kiến nghị trong hội thảo sẽ được trường cho xuất bản, phân phát đến các học viện, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhân dịp này, Đại học Luật TP.HCM cũng thành lập một trung tâm nghiên cứu và đào tạo về Luật biển quốc tế đặt tại đây nhằm đào tạo các chuyên gia cho lĩnh vực cấp thiết này.

GS. Erik Franckx – Thành viên của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (Hà Lan) phát biểu tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Linh Vũ 

Bình luận (0)

Lên đầu trang