Mỹ kêu gọi Hàn Quốc bỏ thế trung lập ở biển Đông

Thứ Năm, 25/06/2015 13:32  | Minh Phương

|

(CATP) Gần đây, Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc đóng một vai trò trên biển Đông với nhiều lý do. Là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, Hàn Quốc có lợi ích, cơ hội và bổn phận phải giúp giữ vững sự ổn định khu vực.

Điều đó có nghĩa là họ phải lên tiếng phản đối lối tiếp cận cưỡng chế đối với những tranh chấp khu vực ở bất kỳ nơi nào chúng phát sinh, đặc biệt ở biển Đông.

Hàn Quốc có một lịch sử lâu dài là nạn nhân của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn. Bản thân nước này tự thấy mình trở thành con tốt trong cuộc tranh giành quyền lực chính trị lớn, dẫn đến một câu ngạn ngữ nổi tiếng ở đây tạm dịch là: “Trong một cuộc chiến giữa bầy cá voi, lưng con tôm bị vỡ vụn (teojinda)”.

Trong tiếng Hàn, từ teojinda là một sự bày tỏ cảm xúc dữ dội (na ná như vỡ hoặc nổ tung). Khái niệm nặng cảm xúc về sự tồn tại của một con tôm giữa bầy cá voi là một phần trong thế giới quan của người Hàn và hình thành nền văn hóa chiến lược của họ.

Biển Đông - tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới

Vì lẽ đó, Hàn Quốc thường tìm cách tránh mọi nhiễu loạn ảnh hưởng lớn đến các quan hệ đối ngoại của mình, đặc biệt là đối với Bắc Kinh và Washington.

Bất cứ khi nào có hai đối tác nước ngoài lớn nhất cạnh tranh sự ưu tiên, Hàn Quốc đều mắc kẹt ở giữa. Và vì lịch sử dựa nặng vào văn hóa chiến lược, nên bất cứ điều gì được xem là một lựa chọn về chính sách đối ngoại chiến lược, đều có nguy cơ trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi, căng thẳng và cuối cùng tê liệt.

Tuy nhiên, Hàn Quốc ngày nay không thể đứng ngoài địa chính trị ở châu Á. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Danny Russel gần đây thúc giục Hàn Quốc từ bỏ tình trạng trung lập của mình, bằng cách phá bỏ sự im lặng về biển Đông. Nhiều nhà phân tích đồng ý với ý kiến của ông Russel.

Tiến sĩ Van Jackson, thỉnh giảng viên tại Trung tâm An ninh New American, khẳng định Hàn Quốc phải đóng một vai trò ở biển Đông vì đó không chỉ là thân thế hay trách nhiệm của Seoul, mà nó còn vì lợi ích của chính họ về việc tránh lặp lại một lịch sử.

Hàn Quốc chưa bao giờ được lợi từ một trật tự khu vực trong đó sức mạnh chi phối công bằng, nơi sự cưỡng chế là một phương tiện giải quyết tranh chấp có thể được chấp nhận được.

Theo Jackson, nếu các quốc gia không đoàn kết chống lại sự ép buộc ở biển Đông và lên án điều này khi nó xảy ra, một trật tự như vậy cuối cùng chắc chắn sẽ xuất hiện. Một trật tự khu vực nơi Trung Quốc được phép hăm dọa nước khác cuối cùng sẽ quay trở lại ám ảnh Hàn Quốc, nước ngấm ngầm có những vấn đề lãnh thổ thực sự của riêng mình với Trung Quốc.

Tuy có nhiều điểm khác biệt so với phần còn lại của châu Á, nhưng cũng giống như phần còn lại trong khu vực, kinh tế Hàn Quốc sẽ hứng chịu tổn thất nếu tuyến đường biển chiến lược của Đông Nam Á đóng cửa vì xung đột. Và giống như phần còn lại của khu vực, Seoul hưởng lợi từ một trật tự khu vực ổn định được chi phối bởi sự đồng thuận, các quy tắc và không có ép buộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang