Anh dùng “ngoại giao chiến hạm” răn đe Trung Quốc

Thứ Bảy, 29/05/2021 11:17  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 29-5, Reuters đưa tin chuyến đi đầu tiên của một tàu sân bay mới của Anh là cách London cho các đồng minh thấy nước Anh sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu sẽ sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Phương Tây và mong muốn thấy Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế, chỉ huy tàu cho biết.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã tham gia các cuộc tập trận của NATO ở Địa Trung Hải trong tuần này, trước chuyến hành trình kéo dài 8 tháng sẽ đi qua Biển Đông nhằm gửi đi thông điệp cảnh báo Bắc Kinh rằng các tuyến đường biển phải được “tự do và mở”.

Tàu sân bay là "một tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ" - Steve Moorhouse, sĩ quan chỉ huy và là thuyền trưởng của con tàu nói với Reuters trên boong ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha khi máy bay chiến đấu F-35B cất cánh xung quanh ông.

Ông nói: “Nó cho thấy chúng tôi là một lực lượng hải quân toàn cầu và muốn trở lại vị thế của mình. Mục đích của chúng tôi là qua việc triển khai này sẽ là một phần của sự hiện diện lâu dài hơn của Vương quốc Anh trong khu vực đó", ông nói thêm, đề cập đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm Ấn Độ và Úc.

Anh là đồng minh chiến trường chính của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, cùng với Pháp, cường quốc quân sự chính trong Liên minh châu Âu. Nhưng cuộc bỏ phiếu rời EU năm 2016 đã đặt ra câu hỏi về vai trò toàn cầu của khối này.

Để đối phó với những lo ngại đó, London đã công bố mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh vào cuối năm ngoái và đang chào đón sức mạnh của tàu sân bay, được chế tạo với chi phí hơn 3 tỷ bảng Anh (4,26 tỷ USD).

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tập trận với các tàu hải quân của Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, dọc theo tuyến đường, chỉ huy Moorhouse cho biết hôm 28-5.

Những chiếc chiến đấu cơ F-35B trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh - Ảnh: Reuters

Anh, cũng như Trung Quốc, hiện có hai hàng không mẫu hạm, cả hai nước đều bị Mỹ bỏ xa. 11. Con tàu 65.000 tấn mới mang theo 8 chiếc F-35B của Anh và 10 chiếc F-35 của Mỹ cũng như 250 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Đội tàu tác chiến tàu sân bay được Anh điều đi lần này đến Châu Á sẽ dẫn đầu hai tàu khu trục, hai khinh hạm, một tàu ngầm và hai tàu hỗ trợ trên hành trình dài 26.000 hải lý, cùng với một tàu khu trục của Mỹ và một tàu khu trục nhỏ của hải quân Hà Lan. Khi được hỏi về nỗ lực của Anh nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc - một chiến lược cũng được Liên minh châu Âu tuân theo và được NATO hỗ trợ - chỉ huy Moorhouse nói: "Chúng tôi muốn duy trì các chuẩn mực quốc tế ... sự hiện diện của chúng tôi ở đó là rất quan trọng".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với 90% diện tích Biển Đông, vùng biển giàu năng lượng và có tuyến hàng hải huyết mạch của Thế giới đi qua.

Trước khi đến Biển Đông để đưa ra thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc, tại Địa Trung Hải, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh là một phần trong cuộc tập trận lớn nhất trong năm của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm một cuộc tập trận trực tiếp trên biển với khoảng 5.000 lực lượng và 18 tàu.

Con tàu sau khi tập trận ở Địa Trung Hải sẽ đến Biển Đông - Ảnh: Reuters

"Nó gửi một thông điệp về quyết tâm của NATO" - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trên tàu sân bay.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phải đối mặt với các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, bao gồm cả sự thay đổi cán cân quyền lực với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang