Ẩn ý nào trong phán quyết 12-7 của tòa?

Thứ Sáu, 15/07/2016 09:40

|

(CATP) Ngày 12-7 đã trở thành dấu mốc không chỉ với tiến trình xử lý tranh chấp trên vùng biển này mà còn khởi đầu cho những diễn biến khó lường tới đây đối với môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á.

Nội dung quan trọng nhất trong Phán quyết

Trng Quốc đòi theo “đường lưỡi bò” là phi pháp. “... Tòa kết luận rằng nếu Bắc Kinh đã từng có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng ở Biển Đông, quyền này đã bị xóa bỏ do không phù hợp với quy chế vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS 1982... Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn”.

Điểm thứ hai là các cấu trúc tại Trường Sa không được hưởng quy chế thềm lục địa/đặc quyền kinh tế, trong đó có cấu trúc/đảo nhân tạo hiện do Trung Quốc kiểm soát. Văn bản viết “... Tòa kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng” và “các đảo tại Trường Sa không thể cùng tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất”, “không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế...”.

Điểm thứ ba, các hoạt động của Trung Quốc trong tôn tạo đảo/đá/bãi ngầm, hoạt động quân sự, hải giám, đánh bắt cá trong phạm vi thềm lục địa, đặc khu kinh tế của Philippines tại Biển Đông là phi pháp. Văn bản viết: “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này”, đồng thời khẳng định rằng ngư dân Philippines có quyền đánh cá truyền thống ở bãi cạn Scarborough và Trung Quốc đã ngăn chặn quyền này.

Ngoài ra, tòa còn đưa ra phán quyết trên hai vấn đề quan trọng khác, là hoạt động bồi đắp nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa “làm trầm trọng thêm tranh chấp” đồng thời “gây ra những tác hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển”.

Trung Quốc bồi đắp và xây trái phép các công trình phục vụ mục đích quân sự tại bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Thông điệp nào từ phán quyết?

Vẫn còn sớm để kết luận chính xác ý nghĩa sâu xa nằm trong phán quyết của tòa, tuy nhiên sơ bộ có thể nêu vài suy luận:

Trước hết và ý nghĩa nhất là cộng đồng quốc tế dứt khoát nói “không” với tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, kể cả với “chủ quyền đường lưỡi bò” lẫn “chủ quyền” với quần đảo Trường Sa. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của cộng đồng quốc tế về Biển Đông từ xưa tới nay và là tiếng nói chính thức đầu tiên của cả cộng đồng, bác bỏ tính pháp lý của “chủ quyền đường lưỡi bò”; đồng thời khẳng định các cấu trúc mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Trường Sa không có được “khu vực đặc quyền kinh tế” nào.

Điều này giáng cho Trung Quốc một đòn hết sức nặng nề. Về mặt chính trị, nếu tiếp tục các hành động phi pháp như hiện nay có nghĩa là Trung Quốc đã đi ngược lại luật chơi chung của thế giới và bị cô lập hơn bao giờ hết. Các chiến lược lớn của nước này vì thế có thể phá sản, bởi không được sự ủng hộ của quốc tế.

Thứ hai, ẩn ý của tòa là kể từ ngày 12-7-2016, về pháp lý “các đảo Trường Sa không thể cùng tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất” và “không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng”, đồng thời không một cấu trúc nào tại đây có được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Thông điệp này có nghĩa là tự do hàng hải trên Biển Đông của tất cả các nước từ ngày 12-7 được bảo đảm bằng luật pháp quốc tế; bất cứ hành vi ngăn cản của nước nào đối với hoạt động qua lại vô hại của nước khác ngoài phạm vi 12 hải lý của mỗi cấu trúc nổi họ đang kiểm soát đều phi pháp.

Thứ ba, phán quyết của tòa mở ra những điều kiện và không gian mới cho việc xử lý tranh chấp Biển Đông. Một là, các cấu trúc tại Trường Sa có thể không tạo thành quần đảo hợp nhất, mà là những cấu trúc riêng rẽ. Điều này ẩn giấu ý nghĩa nước nào đang kiểm soát cấu trúc nào thì có thể tiếp tục kiểm soát “hợp pháp” cấu trúc đó; và suy diễn ra, nếu tất cả các bên đều chấp nhận điều này thì coi như vấn đề “chủ quyền” được giải quyết trên cơ sở chiếm hữu thực tế tính đến ngày 12-7.

Hai là, phán quyết của tòa với bãi cạn Scarborough có thể được suy diễn rằng các cấu trúc thuộc Trường Sa nằm trong phạm vi 200 hải lý từ đường cơ sở nước nào thì có thể được xem là thuộc quyền của nước đó; như thế các nước tranh chấp sẽ phải khoanh vùng lại để phân quyền đối với các cấu trúc hiện có.

Ba là, phán quyết của tòa đã trở thành cơ sở pháp lý mới cho các hình thức đàm phán mới cho dù là hai hay nhiều bên. Trước ngày 12-7, Philippines tuyên bố sẵn sàng “đàm phán song phương” với Trung Quốc sau khi có phán quyết của tòa; có lẽ là họ sẽ đàm phán trên cơ sở điều kiện mới được phán quyết tạo ra. Như thế, về bản chất, đàm phán dù là song phương nhưng với điều kiện Trung Quốc chấp nhận phán quyết của tòa và (tất nhiên) nếu từ chối thì Trung Quốc là bên không chịu đàm phán song phương.

Với những ẩn ý đó, câu chuyện Biển Đông, kể từ ngày 12-7, đã chuyển sang giai đoạn mới. Tuy các nước liên quan cần nhiều thời gian để phân tích vấn đề và cân nhắc chính sách của mình, song tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông đã bước sang trang mới, mà ở đó luật pháp là cơ sở chi phối quyết định đối với mọi giải pháp. Hành xử của mỗi bên liên quan đến phán quyết sẽ tác động lớn đến hình ảnh, uy tín của chính mình và cả số phận của mình trong tương lai. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang