Tiêu điểm:

Thượng đỉnh liên Triều ngày 18-9: Bánh ít đi, bánh quy lại

Thứ Hai, 17/09/2018 19:28  | Anh Duy

|

​(CAO) Ngày 18-9 sẽ trở thành một ngày lịch sử khi lần đầu tiên kể từ sau thời chính sách Ánh dương còn hiệu lực, hai vị tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun bay sang Bình Nhưỡng gặp cố lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il, giờ đây sẽ lại có 1 vị tổng thống Hàn Quốc – ông Moon Jae-in sang Bình Nhưỡng để thực hiện công việc tương tự.

Từ sau thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào cuối tháng 4 rồi đến cuộc gặp mặt tiếp sau nữa ở Bàn Môn Điếm, ngày 18-9 ông Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp chính thức với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngay giữa lòng Bình Nhưỡng.

Nếu trong cuộc gặp hồi tháng 4, ông Kim từng mời ông Moon bước qua giới tuyến DMZ vài bước để sang Triều Tiên thì nay chuyên cơ chở ông Moon bay sâu vào nội địa láng giềng miền Bắc, một hành động vượt lên sự tưởng tượng của những người lạc quan nhất khi mới chỉ 1 năm trước – năm 2017, Bình Nhưỡng còn thử liên tiếp những vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Tháp tùng ông Moon còn có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rường cột của Hàn Quốc – xếp ở hàng các tài phiệt (chaebol) từ Samsung đến LG. Thông điệp rất rõ ràng: Giúp Bình Nhưỡng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Cành ô liu được chìa ra trong bối cảnh ông Kim Jong Un từ sau chuyến đi đến Singapore hồi tháng 6, nhìn thấy sự phát triển của một cường quốc tầm trung khi trở về đã mải miết thực hiện các chuyến thị sát đến những vùng quê: từ thăm nông trại đến đập thuỷ điện. Kinh tế giờ đây là ưu tiên hàng đầu.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in sẽ có chuyến thăm 3 ngày đến Bình Nhưỡng từ 18-9 - Ảnh: Yonhap

Trong lần gặp ông Moon trước đây, ông Kim từng thừa nhận rằng: đường sá, hạ tầng của Triều Tiên không được tốt. Đó chính là bài toán mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tháo gỡ nếu hai miền hoà dịu lại.

Thế khó của tổng thống Hàn Quốc

Dĩ nhiên mọi việc không hề dễ dàng khi hai bên vẫn còn bất đồng sâu sắc, trong đó mắc míu lớn nhất là cách hiểu của cả hai về “phi hạt nhân hoá hoàn toàn”. Trong khi Mỹ - Hàn muốn phi hạt nhân hoá hoàn toàn đồng nghĩa với việc ông Kim phải từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình.

Điều này đã được thể hiện với phát biểu trong chương trình “This Week” của đài ABC hôm 13-5, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng CHDCND Triều Tiên cần chuyển tất cả vũ khí hạt nhân của họ cho một phòng thí nghiệm của Mỹ ở bang Tennessee để Washington “giải trừ” hộ.

Cố vấn có quan điểm “diều hâu” này cho rằng chuyển vũ khí hạt nhân củaTriều Tiên đến phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, đổi lại chính quyền ông Kim Jong Un có khả năng sẽ được nới các lệnh trừng phạt.

Ông Bolton thậm chí còn “đi xa” hơn khi cho rằng: “Thực hiện quyết định này có nghĩa là loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, tháo dỡ chúng, đưa chúng đến Oak Ridge. Nó có nghĩa là loại bỏ khả năng xử lý uranium và plutonium, giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo. Rất nhiều thứ như thế”. Nôm na: Cứ giao sạch cho chúng tôi.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho rằng họ dừng thử hạt nhân, tên lửa gần 1 năm qua đã là một nhượng bộ to lớn. Và rằng phi hạt nhân hoá phải “từ từ”, tức là diễn ra theo một quá trình có từng bước (denuclearization processes), không phải “cái đùng” là dẹp ngay vũ khí của mình. Bình Nhưỡng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng trừ khi Mỹ đảm bảo an ninh cho chế độ của mình, tức không tấn công Triều Tiên khi họ không còn sở hữu hạt nhân thì lúc đó hãy nói đến chữ “phi hạt nhân hoàn toàn”.

Tuy nhiên bài học Libya còn đó. Năm 2003 cố lãnh đạo Lybia - Qaddafi chứng kiến cảnh người Mỹ xâm lược Iraq, bắt Saddam Hussein. Ông nhận ra mình có thể là đối tượng tiếp theo. Qaddafi đã bí mật tiến hành các cuộc đàm phán với Anh và Mỹ, trong đó chính quyền của ông tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân mua từ A.Q. Khan, nhà khoa học dẫn đầu nhóm phát triển chương trình hạt nhân của Pakistan. Cả Triều Tiên và Iran đều là khách hàng của Khan.

Thế là vật liệu hạt nhân được Lybia đồng ý cho chở khỏi đất nước, phần lớn số vật liệu này được chuyển đến phòng thí nghiệm vũ khí Oak Ridge ở bang Tennessee để Washington “giải trừ” hộ. Khi cựu tổng thống Mỹ G.W.Bush thông báo thoả thuận, ông đã lấy Iran và Triều Tiên ra để nhắn nhủ: “Tôi hy vọng những nhà lãnh đạo khác sẽ xem đây là một hình mẫu” thông qua hành động của Lybia.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4 ở DMZ - Ảnh: Getty

Tuy nhiên những gì xảy ra chỉ chưa đến 1 thập kỷ sau là điều khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lo sợ.

Năm 2011, Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu mở chiến dịch quân sự chống lại Lybia trong cơn biến loạn của “Mùa xuân Ả Rập”, lấy cớ ngăn Qaddafi thảm sát thường dân.

Dù chính quyền Obama đã tham vấn các cố vấn, nhưng không ai tranh luận rằng việc đánh Qaddafi có thể gửi đi thông điệp đến các quốc gia khác rằng Mỹ đang cố gắng tước đi vũ khí phòng vệ của họ.

Điểm bất đồng chí tử này khiến trong tuyên bố chung Singapore hồi tháng 6, sau khi kỳ kèo trong hậu trường từng câu chữ, Mỹ - Triều rốt cuộc chỉ tuyên bố chung chung: “Cam kết làm việc cùng nhau để hướng đến phi hạt nhân hoá”. Nghĩa là có mâu thuẫn phát sinh trong lúc “làm việc” có thể hai bên sẽ dừng ngay việc hợp tác.

Bánh ít đi, bánh quy lại

Thế khó ở đây của ông Moon Jae-in là khó có gì mới để nói. 2 cuộc gặp trước chắc cũng đã nói rồi: muốn phi hạt nhân hoá. Còn cuộc gặp ngày mai cần cụ thể hoá: Làm sao để từng bước xoá tan nghi ngờ của Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân, làm sao để giúp Bình Nhưỡng phát triển kinh tế, nối lại hoạt động ở khu công nghiệp chung Kaesong. Làm sao để giúp Bình Nhưỡng phát triển hạ tầng như ông Kim từng than thở “đường sá còn xấu”.

Để cụ thể hoá, hai miền đã khánh thành văn phòng chung hợp tác ở khu công nghiệp Kaesong ngày 14-9, trước thềm chuyến thăm sau khoảng thời gian khu công nghiệp này đóng cửa, doanh nghiệp Hàn Quốc phải cuốn gói về nước do quan hệ xấu đi giữa hai miền thời tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye. Một mối quan hệ lên xuống như đồ thị hình sin.

Tờ Korea Times hôm 17-9, 1 ngày trước chuyến thăm đăng “tâm thư” của ông Moon, chọn vị thế mình là 1 người hoà giải bất đồng giữa Triều Tiên và Mỹ: “Ưu tiên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là việc cụ thể hoá những bước đi cần được thực hiện để tìm ra điểm chung giữa miền Bắc và Mỹ. Chúng ta phải dung hoà yêu cầu của Triều Tiên để họ chấm dứt mối quan hệ thù địch với Mỹ và làm thế nào để có thể đảm bảo an ninh trong điều kiện phi hạt nhân”.

Ông chủ Nhà Xanh nói tiếp: “Tôi có kế hoạch về một cuộc thảo luận toàn diện và cởi mở với ông Kim Jong-un. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Kim tiến hành các cuộc đàm phán giải giáp hạt nhân với Mỹ khi ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định cam kết của họ về việc hạt nhân nhiều lần". Tổng thống Hàn Quốc cũng hy vọng sẽ có một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa ông Kim và Trump, được diễn ra sớm. "Nếu họ gặp lại nhau, điều đó sẽ rất tuyệt vời và sẽ giúp các cuộc đàm phán bị đình trệ tìm kiếm được động lực cho một giải pháp nhanh chóng”.

Liên Triều mở văn phòng liên lạc chung ở khu công nghiệp Kaesong ngày 14-9 - Ảnh: Reuters

Như vậy ông Moon mang theo 2 thứ chủ chốt đến thượng đỉnh ngày mai: Lợi ích kinh tế (sự đồng hành của các doanh nghiệp) cùng “tài năng” thuyết phục của mình. Đã “hết lòng” với bà con phương Bắc, nay quả bóng quyết định được đẩy sang chân Bình Nhưỡng. “Bánh ít đi, bánh quy lại”. Hàn Quốc cũng không hề giấu giếm việc này.

Tờ The Korea Times đưa tin: Moon cho biết các nhà lãnh đạo kinh doanh từ các công ty lớn của miền Nam, trong đó có nhà lãnh đạo thực tế của tập đoàn Samsung Lee Jae-yong sẽ tham gia phái đoàn đến Triều Tiên như một bước để khám phá các cơ hội kinh doanh ở đó. "Việc mở văn phòng liên lạc tại Gaeseong (Kaesong) thể hiện cam kết của miền Nam trong việc đẩy mạnh các dự án kinh doanh liên Triều Tiên", ông Moon nói.

Yên ổn làm ăn

Với một xã hội công nghiệp hoá cao độ như Hàn Quốc, việc người dân với nỗi lo ‘cơm, áo, gạo tiền” của guồng quay cuộc sống đã là mệt mỏi lắm rồi so với tên lửa từ Triều Tiên. Dân Hàn muốn yên ổn làm ăn. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc nằm cách biên giới chỉ hơn 50km, không ai muốn lãnh hàng loạt quả tên lửa từ Triều Tiên dội xuống.

Trong khi đó Triều Tiên cần ngoại tệ để phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng và thôi trở thành tâm điểm “nắn gân” bằng các cuộc tập trận và đe doạ đòi thay đổi chế độ từ Mỹ.

Vì thế Bình Nhưỡng cố sở hữu vũ khí hạt nhân để có được chiếc ô phòng vệ an ninh cho mình, khó có thể từ bỏ hoàn toàn. Khi ông Kim Jong Un thể hiện sự tập trung cho kinh tế, ông muốn gửi đi thông điệp: Hãy để chúng tôi yên ổn làm ăn. Có lẽ ông cũng không tha thiết gì việc bắn tên lửa vào đất Mỹ, chỉ để ICBM cảnh cáo và nhắc Mỹ “cạch mình ra”.

Theo lịch trình, tổng thống Hàn Quốc sẽ bay đến Bình Nhưỡng từ căn cứ không quân Seongnam ở Seoul vào lúc 8h40 (tức 6h40 giờ VN).

Kết quả khó mà nói trước được khi 2 bên vẫn còn bất đồng. Có lẽ các hoạt động kinh tế như ở khu công nghiệp Kaesong sẽ được đẩy mạnh, tổ chức nhiều cuộc đoàn tụ gia đình hơn, doanh nghiệp Hàn sẽ đẩy mạnh đầu tư xây hạ tầng ở Triều Tiên, tham gia khai thác khoáng sản với trữ lượng dồi dào ở đây, triển khai các dự án giao thông thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Cần lưu ý là ngoài Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, Samsung vẫn còn nhiều mảng kinh doanh bao gồm kỹ thuật, xây dựng và đóng tàu. Tháp tùng ông Kim còn có lãnh đạo các chaebol từ LG, Huyndai đến SK, những doanh nghiệp đa ngành. Mùi kinh doanh hiển hiện: "Anh có ngoại tệ, tôi cũng có tiền và yên ổn về an ninh"

Jay Y. Lee, Phó chủ tịch Samsung Electronics tham gia phái đoàn chung đến Bình Nhưỡng tuần này - Ảnh: Getty

Còn phi hạt nhân hoá hoàn toàn? – Nhiều khả năng vẫn sẽ nằm trên giấy, để thực hiện thì còn rất xa tuỳ vào mức độ tin cậy và cải thiện quan hệ tăng hay giảm. Đó là một đường đồ thị hình sin lúc lên lúc xuống khiến các chuyên gia quốc tế cũng phải vò đầu bứt tai ngồi…đoán.

Bình luận (0)

Lên đầu trang