Áp lực từ thực phẩm tăng giá

Thứ Hai, 08/03/2021 09:23  | Nam Anh

|

(CATP) Khác với hệ thống các siêu thị được bình ổn giá, thị trường hàng hóa, thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc...những ngày đầu năm Tân Sửu 2021 có nhiều biến động, giá cả tăng cao đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Theo ghi nhận của phóng viên, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá, đặc biệt là các loại hàng thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá... và có những mặt hàng giá đã tăng gấp đôi so với dịp trước Tết Nguyên đán.

Cung giảm, cầu tăng

Tại các chợ truyền thống, chợ cóc, giá rau xanh tăng từ 3.000-10.000 đồng, tùy theo từng loại rau. Thịt bò, thịt lợn, cá, gia súc, gia cầm cũng tăng giá từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Điển hình như cá trắm cỏ có trọng lượng từ 3kg trở lên, trước tết Nguyên đán có giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng sau Tết Nguyên đán đã tăng lên 85.000 - 90.000 đồng/kg, thậm chí có những chợ bán với giá từ 95.000 - 100.000 đồng/kg. Do bị thiếu hụt nguồn cung, hiện giá các loại thực phẩm tươi sống, các loại rau củ quả tại thị trường TPHCM đã tăng cao gấp 2-3 lần so với trước Tết Nguyên đán và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến người tiêu dùng lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Thu, tiểu thương bán rau củ tại chợ Nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết, do lượng hàng hóa về các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Nông sản thực phẩm Thủ Đức... do lượng hàng hóa về chợ sụt giảm nghiêm trọng, trong khi lượng cầu tăng cao nên giá các mặt hàng nông sản tại các chợ truyền thống bị đẩy lên cao. Ghi nhận tại một số chợ lẻ như: Chợ Bà Chiểu, Tân Định, Minh Phụng, Phước Long, Tân Mỹ... chúng tôi nhận thấy các mặt hàng rau củ tăng mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Các mặt hàng có giá tăng cao như cải xanh, cải bẹ, mồng tơi, bầu, bí, mướp...có giá 12.000 đồng/kg, sau Tết Nguyên đán tăng lên 25.000 đồng/kg; rau muống, đậu bắp, cải xanh, cải ngọt từ 12.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; xà lách búp từ 25.000/kg tăng lên 60.000 đồng/kg, hạt sen từ 140.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg...

Ngoài các mặt hàng rau, củ, quả...tăng cao, giá thực phẩm tươi sống cũng tăng giá. Cụ thể, giá thịt bò, thịt heo, thịt gà...đều tăng khoảng 20-30% so với trước tết. Trong khi đó, thời tiết rét đậm, rét hại ở Đà Lạt cũng kìm hãm sự phát triển của rau xanh cũng là nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn cung và đẩy giá các loại rau, củ tăng. Hiện giá thịt bò được bán tại các chợ truyền thống ở mức giá 320-335 nghìn/kg; Thịt trâu, 280 nghìn đồng/kg; Thịt heo 225 nghìn/kg; rau muống 25 nghìn/kg; rau cần 28-35 nghìn/kg; cải xoong 17 nghìn/kg; su hào 5 nghìn đồng/củ; bắp cải Đà Lạt giá 15 nghìn/kg; cải chíp 6.000-8.000 đồng/kg và cà chua tăng từ 8 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng/kg...

Cục Thống kê TPHCM cho biết, tháng 1-2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống của các gia đình tăng; giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2021 tăng 0,06% so với tháng 12-2020. Chỉ số nhóm thực phẩm tăng mạnh chủ yếu là: nhóm hàng thịt gia súc, gia cầm tươi sống; thịt chế biến; thủy sản tươi sống; rau tươi, khô và chế biến.

Nguyên nhân khiến chỉ số giá thực phẩm tăng cao trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, bởi số lượng heo bị mang đi tiêu hủy quá lớn. Trong khi đó, việc tái đàn của các hộ chăn nuôi liên tục bị gián đoạn gây nên nguồn cung giảm mạnh đã đẩy giá thịt heo lên cao. Bên cạnh do diễn biến phức tạp của thời tiết cũng là nguyên nhân khiến các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả tăng mạnh.

Việc tăng giá thực phẩm trong những ngày đầu năm 2021 thực sự là áp lực rất lớn đối với những bà nội trợ. Chị Nguyễn Thị Loan, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh cho rằng, những mặt hàng tăng quá cao nên chị đành phải chuyển qua những mặt hàng có giá tăng ít hơn hoặc phải giảm khẩu phần để không thâm hụt vào nguồn tài chính. Hàng ngày chị Loan phải bảo đảm bữa ăn tươm tất cho 6 người trong một gia đình nhưng chị phải tính toán chi ly để nguồn tài chính không bị thâm hụt. Với việc tăng giá như hiện nay thì các loại thịt bò, thịt heo, cá tầm, cá trình, cá thu...đã bị các bà nội trợ loại ra khỏi danh sách thực phẩm cần thiết hàng ngày. Thay vào đó là các loại thực phẩm có giá rẻ hơn như: tôm, cua, cá đồng, cá biển...

Theo chị Loan, một bữa ăn cho 6 người sống trong cùng một gia đình ăn bình thường cũng hết từ 200-250 nghìn đồng/bữa ăn. Nếu muốn mua thịt ngon, rau ngon... phải mất từ 300-350 nghìn đồng cho một bữa ăn.

Dù thịt heo về chợ đầu mối Bình Điền rất nhiều nhưng giá vẫn cao

Phát sốt với giá thịt heo

Tăng nhất trong nhóm thực phẩm phải kể đến giá thịt heo tăng đến 80% so với cùng kỳ năm 2020. Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết, thời gian qua giá thịt heo tăng giá rất mạnh, nhất là Tết Canh Tý đến nay.

Theo chị Hằng, giá thịt heo hơi bán tại hộ gia đình có mức giá 85-90 nghìn đồng/kg, sau khi giết mổ được bán ở chợ đầu mối có giá từ 110-125kg nên buộc các các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống phải điều chỉnh giá bán cho phù hợp. Hiện tại giá thịt heo ba rọi, chân giò khoảng 160- 175 nghìn đồng/1kg; thịt mông có giá từ 180-200 nghìn đồng/1kg; thịt cotlet, nạc thăn khoảng 200-220 nghìn đồng/1kg.

Trong khi đó, các tiểu thương buôn bán thịt heo tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền cho biết, giá các loại thịt heo bán lẻ trong 1 tháng gần đây không ngừng tăng. Giá mua tại các lò mổ hay ở chợ đầu mối được báo giá tăng hàng ngày. Cụ thể, giá thịt heo nạc tại chợ đầu mối Hóc Môn vào những ngày đầu tháng 1 có giá từ 100-110 nghìn đồng/kg thì nay có giá 125-135 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 30 nghìn đồng/kg; thịt heo ba rọi và các loại thịt khác cũng có mức giá tăng tương tự từ 135-150 ngàn đồng/kg; ba rọi rút xương hơn 170 nghìn đồng/kg; thịt heo đùi từ 110-120 ngàn đồng/kg; thịt cotlet có giá 165-175 nghìn đồng/kg.

Giá thịt heo được bán với giá bình ổn tại các siêu thị

Trong khi đó, một con heo 100kg xuất chuồng vào năm 2019, chỉ có giá 3,5-4 triệu đồng/con thì nay con heo có cùng trọng lượng có giá 7-8 triệu đồng/con. Trong khi việc tái đàn heo nuôi trong các hộ gia đình lại rất khan hiếm nên đẩy giá thịt heo ngoài thị trường tăng cao. Ông Nguyễn Văn Đực, chủ một lò mổ ở huyện Hóc Môn cho biết, bình quân mỗi ngày ông lấy 30 con heo về làm thịt, bỏ mối cho các tiểu thương ở các chợ. Trước đây, heo đủ trọng lượng từ 90-110kg mới được giết mổ thì nay loại heo có trọng lượng 70-80 kg/con cũng được đưa về lò mổ.

Chị Vũ Thị Thu Thủy, ngụ quận 7 vẫn không khỏi giật mình trước mức tăng giá của các mặt hàng thực phẩm. Theo chị Thủy, trong bữa cơm của gia đình, rau và thịt là hai thành phần không thể thiếu. Giá hai mặt hàng này tăng cao khiến những người nội trợ như chị phải đắn đo rất nhiều cho mỗi bữa ăn của gia đình. Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi giá cả ổn định hơn. Đại diện một số siêu thị cho biết, giá các loại rau củ, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị ổn định là do có chương trình bình ổn thị trường của một số doanh nghiệp. Ngoài ra, siêu thị thường ký hợp đồng với các nhà cung cấp về sản lượng, giá cả trong thời gian dài nên giá cả ổn định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang