Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt mức cao nhất trong 4 năm

Thứ Hai, 17/10/2016 17:21

|

(CAO) Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM ngày 17-10.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 9-2016, tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,26% so với cuối năm 2015. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đây. Theo đó, cùng kỳ năm 2015 tín dụng tăng 8,37%, năm 2014 tăng 6,02% và năm 2013 tăng 4,53%.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nguyên nhân khiến tín dụng 9-2016 tăng cao do nền kinh tế nói chung và của TP.HCM nói riêng tiếp tục tăng trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh khả quan.

Chính sách tiền tệ và lãi suất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã triển khai cho vay lượng lớn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về nợ xấu, tính đến 31-8, tổng nợ xấu chiếm 3,8% tổng dư nợ trên địa bàn, giảm nhẹ so với mức 3,92% hồi cuối năm 2015.

Trong 8 tháng năm 2016, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã xử lý được 35.073 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền đạt 16.312 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đạt 4.365 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo để thu nợ đạt 223 tỷ đồng, bán nợ xấu cho VAMC đạt 9.634 tỷ đồng và xử lý khác đạt 4.359 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2013 đến hết tháng 7-2016, số nợ xấu trên địa bàn TP.HCM đã bán cho VAMC là 70.766 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014 xử lý nợ xấu qua việc bán cho VAMC là 23.573 tỷ đồng, năm 2015 bán nợ xấu cho VAMC là 17.303 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong 9 tháng năm 2016, nợ xấu trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, mức độ phức tạp và tác động ảnh hưởng của nợ xấu đã được kiểm soát, các tổ chức tín dụng có nợ xấu cao đã hoạt động ổn định, giảm lỗ và từng bước tăng trưởng, có lãi.

Cùng với đó, sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế đã có tác động tích cực đến nợ xấu, giúp các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Theo đó, thu nợ xấu bằng tiền tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước, chiếm 47% tổng số tiền thu nợ và cao nhất trong với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Cụ thể, cùng kỳ năm 2015, thu nợ bằng tiền chỉ đạt 5.431 tỷ đồng, năm 2014 là 3.541 tỷ đồng.

Ngoài ra, số nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2016 có xu hướng giảm so với cùng kỳ các năm trước. Nếu 8 tháng năm 2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn bán nợ xấu cho VAMC là 21.385 tỷ đồng thì 8 tháng năm nay, số nợ xấu bán cho VAMC chỉ còn 9.634 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đánh giá nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rủi ro và chưa bền vững. Việc xử lý nợ xấu vẫn còn những khó khăn.

Cụ thể, nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao, chiếm 48,8% trong tổng nợ xấu. Đây là những khoản nợ khó xử lý, trong thời gian qua phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được nợ.

Ngoài ra, việc xử lý tài sản đảm bảo nợ qua đấu giá, phát mãi, qua tòa án và thi hành án mất rất nhiều thời gian và trong nhiều trường hợp khó xử lý để thu hồi nợ, nhất là khi khách hàng cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu vẫn phụ thuộc nhiều vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Đồng thời hiệu quả xử lý nợ xấu gắn liền với hiệu quả hoạt động của VAMC, vì một bộ phận nợ xấu của một số tổ chức tín dụng giảm trong thời gian qua do bán cho VAMC. Do vậy, việc thu nợ bằng tiền và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả là giải pháp căn bản và bản chất, các tổ chức tín dụng cần quan tâm trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang