4 đề án đưa TPHCM thành trung tâm y khoa hàng đầu Đông Nam Á

Thứ Sáu, 11/12/2020 21:23  | Đức An

|

(CAO) Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chiều 11/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, Thành phố cần xây dựng, phát triển để trở thành trung tâm y khoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xử lý dịch COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị thực hiện tốt việc xử lý phòng dịch bằng các biện pháp quyết liệt và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cần rút ra bài học trong thực hiện cách ly người nghi nhiễm, tăng tốc xét nghiệm để sớm đưa ra kết quả khẳng định mắc bệnh nhằm phục vụ tốt hơn cho việc khoanh vùng, điều tra dịch tễ, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả đúng như "mục tiêu kép" mà Chính phủ đã đề ra.

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại buổi làm việc, đó là thành phố tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, chất lượng cao ngang tầm khu vực, định hướng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á; thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, phát triển mạnh du lịch y tế; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hội chẩn trực tuyến, hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy…

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng hình thành, phát triển các trung tâm chuyên sâu của khu vực phía Nam như xây dựng Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực phía Nam…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố hiện có 125 bệnh viện và 38.712 giường bệnh, đạt 42,8 giường bệnh/10.000 dân. Những năm qua, ngành Y tế Thành phố đã có bước phát triển vượt bậc, có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, cả các cơ sở công lập và ngoài công lập; đóng vai trò là Trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của không những người dân Thành phố mà còn các tỉnh phía Nam; bên cạnh đó còn phát triển du lịch y tế.

Trong công tác khám chữa bệnh, ngành Y tế Thành phố đã không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển kỹ thuật kỹ thuật cao, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo như quy trình báo động đỏ, đã cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng, diễn biến bệnh phức tạp…

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1 năm nay, đến nay, Thành phố đã ghi nhận 143 ca mắc COVID-19 trên địa bàn; trong đó 114 trường hợp điều trị khỏi, 29 bệnh nhân đang điều trị.

“Ngành Y tế Thành phố đã triển khai và luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó trong các tình huống dịch bệnh như xây dựng quy trình, công cụ, lực lượng điều tra, truy vết, xử lý dập dịch; thiết lập hệ thống 5 bệnh viện chuyên trách điều trị COVID-19 với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực chuyên môn, đồng thời vẫn sẵn sàng huy động tất cả khu cách ly của các bệnh viện trên địa bàn thành phố để thu dung điều trị trường hợp mắc COVID-19 khi dịch lan rộng; tăng cường năng lực thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2,” ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã nêu rõ: Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm y khoa hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện Thành phố đang triển khai 4 đề án có liên quan (gồm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, phát triển y tế cộng đồng, y tế thông minh và đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn). Do đó, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển ngành Y tế theo hướng chuyên sâu, đồng bộ, không phân biệt giữa bệnh viện Trung ương hay bệnh viện địa phương.

“Chúng tôi xem tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn là nơi chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân Thành phố. Do đó, Thành phố luôn sẵn sàng phối hợp với các trường đại học trực thuộc Bộ trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quốc gia và cho Thành phố.

Về các ý kiến của Bộ Y tế về xây dựng mới các bệnh viện, Trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực phía Nam (CDC)… Thành phố luôn sẵn sàng nghiên cứu và ủng hộ,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang