Vụ 54 căn nhà xây trái phép tại "làng biệt thự": Quản lý địa bàn yếu kém

Thứ Hai, 02/11/2020 19:57

|

(CAO) Để xảy ra tình trạng xuất hiện cả một "ngôi làng" với 54 căn nhà kiên cố, kiểu biệt thự ngay dưới chân núi Voi, gần Khu du lịch Quốc gia (KDLQG) hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt nổi tiếng, những người có liên quan đều có trách nhiệm, đặc biệt là chính quyền H.Đức Trọng trong vai trò quản lý nhà nước đã lơ là, "lơ" những lời "kêu cứu", báo cáo của doanh nghiệp được giao đất rừng; không có biện pháp xử lý dứt điểm ngay từ đầu để sau hơn 1 năm, nhà "mọc" lên như nấm mới... vào cuộc xử lý.

Chiều 2-11-2020, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở thông tin - Truyền thông tỉnh tổ chức buổi họp báo định kỳ, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những vấn đề báo chí, dư luận quan tâm, phản ánh trong thời gian qua.

Ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo Sở kế hoạch - Đầu tư, UBND các huyện Đức Trọng, Lạc Dương tham dự.

Quang cảnh buổi họp báo
Mới xác định được 1 chủ có 3 căn/54 căn nhà vi phạm

Vấn đề được các nhà báo quan tâm, đặt nhiều câu hỏi là 54 căn nhà dạng biệt thự xây trái phép tại Tiểu khu 268 thuộc địa phận xã Định An, H.Đức Trọng (Lâm Đồng), giáp KDLQG hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND H.Đức Trọng cho biết, trong số 54 công trình nhà trái phép tại "làng biệt thự", đến nay, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, lập hồ sơ cưỡng chế 13 căn; trong đó, hộ ông Đào Văn Quyền (trú tổ 3, thôn Hiệp An, xã Định An) có 3 căn, còn lại đều chưa xác định được chủ nhân. "Việc không phát hiện được chủ các công trình vi phạm cũng là một khó khăn với chúng tôi", ông này cho biết.

Trước đó, các cơ quan chức năng của H.Đức Trọng và xã Định An đã nhiều lần đến kiểm tra, nhưng không phát hiện chủ của hầu hết những căn nhà này. Do đó, huyện giao xã dán thông báo truy tìm chủ nhân những công trình vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

"Tỉnh đã chỉ đạo. Quan điểm của huyện là cương quyết giải toả, buộc phá dỡ toàn bộ các công trình vi phạm. Với các trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thì lập tức tiến hành thực hiện. Hiện huyện đã giao UBND xã Định An và Công ty Phương Nam (đơn vị chủ rừng) lập phương án giải toả, hỗ trợ giải toả, gửi về UBND huyện để xem xét, phê duyệt, chỉ đạo thực hiện.

Những ngày qua, huyện đã tổ chức các lực lượng chức năng phối hợp lập các chốt 24/24h tại khu vực này, nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng các đối tượng tiếp tục xây dựng các công trình trái pháp luật trên đất rừng, đất lâm nghiệp tại đây. Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm vì để xảy ra việc này. Tôi khẳng định không có biểu hiện "lợi ích nhóm", chống lưng, bao che ở đây.

Việc xử lý sẽ theo đúng các quy định pháp luật, kể cả việc sẽ làm rõ những cá nhân, đơn vị sai phạm, báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh. Khi đó, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo địa phương, cung cấp thông tin với báo chí", ông Hoàng cho hay.

"Làng biệt thự" mọc lên giữa thung lũng của một cánh rừng thuộc Tiểu khu 268

Việc trên 50 căn nhà không phép, trái luật "mọc" lên tại đây được thực hiện rầm rộ, cấp tập, chỉ sau hơn 1 năm, một phần do có hệ thống đường điện do Điện lực Đà Lạt cấp cho hộ ông T.H.H. Ông H. xin kéo điện để phục vụ nông nghiệp: tưới tiêu, chăn nuôi. Sau đó, hộ ông T.H.H. thuê 1 công ty tư nhân kéo đường điện trung thế và trạm biến áp 75kVA với trên 2.600m dây từ TP. Đà Lạt vào đây; đường điện được đấu nối tứ tán, phục vụ cho cả khu vực.

Các công trình nhà tại đây vật liệu chủ yếu là sắt, gỗ. Có điện để lắp ráp, hàn xì, hoạt động liên tục vào ban đêm nên không khó hiểu vì sao trên 50 ngôi nhà "mọc" nhanh đến thế. Tuy nhiên, đại diện cơ quan điện lực cho rằng, hồ sơ xin cấp điện của chủ hộ và việc cấp điện của ngành điện là "đúng, đảm bảo các thủ tục"; chỉ cấp cho hộ cá nhân ông T.H.H. để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo nội dung đơn trình bày. Còn việc họ xây nhà trái phép, ngành điện không thể quản lý (?!).

Phải cương quyết xử lý những sai phạm

Khi báo chí phản ánh, ngày 27-10, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, Giám đốc Sở điện lực đã yêu cầu cắt điện toàn bộ khu vực này. Ngoài ra, gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng có liên quan đến trên 50 căn nhà này có những biểu hiện doạ nạt, nhắn tin, xua đuổi một số cán bộ ngành chức năng đến kiểm tra, xử lý vi phạm và với cả một số nhà báo đến tác nghiệp. Việc này Công an đang theo dõi, xác minh, làm rõ.

Như Báo Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông tin, những ngày cuối tháng 10-2020, dư luận tại tỉnh Lâm Đồng bất ngờ khi biết thông tin, giữa khu rừng thuộc Tiểu khu 268, ngay dưới chân núi Voi, cạnh KDLQG hồ Tuyền Lâm, xuất hiện một "ngôi làng” với 54 công trình kiến trúc nhà ở, nghỉ dưỡng, kiểu dáng nhà sàn sang trọng. Tất cả đều xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, trên diện tích khoảng 45 ha.

Trước sự việc này, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, UBND H.Đức Trọng kiểm tra, lập phương án xử lý, báo cáo kết quả về UBND tỉnh Lâm Đồng.

Cày xới, san gạt cả khu vực để dựng "làng nhà giàu", triệt tiêu cả khu rừng

Khu vực đất lâm nghiệp, đất rừng bị lấn chiếm nằm trong dự án 355,3ha đất rừng, năm 1992, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty CP du lịch sinh thái Phương Nam quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án định canh cho 30 hộ đồng bào dân tộc làng Đarahoa ổn định cuộc sống. 54 công trình nhà vi phạm nằm trong số 156 ha đất rừng thuộc xã Hiệp An, H.Đức Trọng (phần đất rừng còn lại thuộc TP.Đà Lạt). Sau đó, Công ty Phương Nam viết giấy cho 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số mượn đất; phía công ty cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn các hộ canh tác cà phê ổn định cuộc sống; ngược lại, các hộ này giúp công ty giữ rừng.

Mở rộng đường, kéo điện trung thế vào phục vụ cả khu vực mà những người có trách nhiệm quản lý địa bàn vẫn không hay biết?

Khoảng 2 năm trước, xuất hiện một số người kinh đến dụ dỗ mua đất của đồng bào dân tộc đang canh tác cà phê tại đây, sau đó xuất hiện 54 căn nhà đẹp, trông như "ngôi làng của những nhà giàu".

Phát hiện sự việc, từ tháng 4-2019, Công ty Phương Nam có đơn gửi các cơ quan chức năng H.Đức Trọng, xã Định An báo cáo tình trạng này, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng hỗ trợ công ty ngăn chặn kịp thời sự việc vì công ty không đủ sức, đủ lực xử lý”. Thế nhưng, sự việc sau đó được giao cho xã nên việc xử lý nên không dứt điểm.

Để xảy ra tình trạng này, rõ ràng trách nhiệm rất lớn của chính quyền UBND H.Đức Trọng vì đã không có biện pháp quyết liệt, kịp thời xử lý các công trình vi phạm ngay từ đầu. Dẫn tới các đối tượng coi thường luật pháp, dư luận xã hội; xây dựng hàng loạt các công trình trái luật, chiếm dụng đất rừng.

Vào các ngày 7 và 28-10-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có các văn bản chỉ đạo các sở: KH-ĐT, TN-MT, NN-PTNT, Xây dựng, Công thương Lâm Đồng và UBND H.Đức Trọng kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm hành vi xây dựng trái phép tại TK 268.

Phóng viên báo Công an TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi sự việc, thông tin đến bạn đọc.

Tại buổi họp báo, ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tình trạng phá rừng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua có giảm nhưng chưa như kế hoạch, kỳ vọng. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương (trong tỉnh) nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt vai trò tham mưu liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; tỉnh tiếp tục ra các Nghị quyết quản lý, bảo vệ, trồng rừng; xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng các công trình trái phép trên đất rừng, đất lâm nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang