Ăn lương do dân trả, đừng chỉ chọn việc dễ để làm

Thứ Năm, 24/05/2018 11:25  | Thanh Hoà

|

(CAO) Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, nên để người dân được thực hiện quyền hiến định của mình khi được tố cáo bằng nhiều hình thức khác nhau, đừng vì khó khăn mà cơ quan nhà nước chỉ chọn việc dễ để làm.

Sáng nay (24/5), ngày làm việc thứ tư của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều đại biểu lo ngại, việc mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại dễ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, vu khống gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị cần đảm bảo quyền được tố cáo của công dân

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chính là hình thức tố cáo (Điều 22). Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo như sau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Việc mở rộng hình thức tố cáo như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.

Thực tế thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh các việc làm sai phạm của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hoặc ngay cả qua mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và vi phạm pháp luật nói chung.

Do đó, cùng với việc bổ sung hình thức tố cáo mới, cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận, xác minh thông tin ban đầu về tố cáo để bảo đảm tính khả thi và tránh việc lạm dụng.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp bởi việc quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật.

Theo kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có 216 vị đại biểu tán thành quy định mở rộng hình thức tố cáo (đạt 62,2% các vị đại biểu có gửi lại ý kiến và đạt 44% tổng số đại biểu); có 120 vị đại biểu tán thành quy định như Luật hiện hành (đạt 34,6% các vị đại biểu có gửi lại ý kiến và đạt 24,5% tổng số đại biểu). Như vậy, cả 2 loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến phát biểu lại đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Cho rằng việc tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại phù hợp với điều kiện hiện nay, nhưng các đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông), Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cho rằng rất khó xác định người tố cáo qua điện thoại, mail, fax là ai vì nhiều người có thể sử dụng dịch vụ công cộng, sim rác... nên dễ bị lợi dụng vu khống, vu cáo, bôi nhọ cán bộ, làm ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm, thậm chí sinh mạng chính trị của người bị tố cáo, khi xác minh xong rồi thì rất khó khôi phục lại danh dự cho họ bởi theo thống kê chỉ có 10% tố cáo đúng.

Vì vậy, đại biểu Đào đề nghị chưa nên mở rộng hình thức tố cáo, trước mắt nên giải quyết tốt những tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm được tố cáo qua fax, email thì các cơ quan chức năng cũng cần tiếp nhận như một kênh thông tin để xử lý.

Đại biểu Lê Thị Yến, Phú Thọ cũng đồng tình trong bối cảnh cách mạng 4.0 mạnh mẽ hiện nay thì nên tính tới việc quy định hình thức tố cáo phù hợp. Tuy nhiên, nếu như mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử thì đòi hỏi trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hiện nay phải đạt đến mức độ 3, mức độ 4, nhưng hiện nay thì trình độ này vẫn còn rất thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo qua bản fax, thư điện tử hiện nay chưa có; đồng thời việc bảo vệ bí mật người tố cáo cũng rất khó, do vậy cần phải có quy định chặt chẽ những vấn đề này trong Luật.

Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung quy định người tố cáo sẽ bị xử lý nếu tố cáo sai, vu cáo, cũng như quy định xử lý đối với cơ quan chậm trễ không giải quyết tố cáo.

Còn đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) nhấn mạnh mọi người có quyền được tố cáo, nhưng đề nghị nên bỏ hình thức cáo bằng lời nói qua điện thoại vì hình thức tố cáo này rất khó ghi nhận nội dung thông tin, khi tiếp nhận tố cáo qua điện thoại thì người tiếp nhận vẫn phải yêu cầu người tố cáo viết lại bằng văn bản, dẫn đến mất nhiều thời gian xác minh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến này, cho rằng chỉ một cú điện thoại, một tin nhắn mà phải huy động cả một hệ thống các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, không thể có người giải quyết hết được trong khi chưa rõ thông tin của người tố cáo. Ngoài ra, cũng không có căn cứ để xử lý những người này nếu tố cáo sai; người bị vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm cũng không có căn cứ để đòi bồi thường.

Tranh luận lại ý kiến đề nghị bỏ tố cáo qua điện thoại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An cho rằng, 13 năm trước, Quốc hội đã chấp thuận hình thức tố cáo này.

“Công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay còn khó khăn, tại sao lại bỏ hình thức tố cáo này đi?”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói và cũng khẳng định tố cáo là quyền hiến định, chúng ta tạo điều kiện cho công dân tố cáo và chúng ta có trách nhiệm trả lời đầy đủ. Trong nhiều trường hợp, người dân không kịp tố cáo hoặc không có điều kiện gửi bằng văn bản, trong ngành Công an, gọi đây là “tin báo về tội phạm”, thì đây chính là một kênh thông tin quan trọng.

“Chúng ta ăn lương nhà nước, lương ấy là do dân góp thì chúng ta phải giải quyết mọi yêu cầu của dân”, đại tá Cầu nói.

Còn việc băn khoăn không thể xác định được thông tin của người tố cáo thì vị Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc này rất đơn giản: “Cảnh sát 113 hằng ngày nhận được rất nhiều thông tin, nhưng trong đó thông tin nào là thông tin chính xác họ lọc được rất nhanh. Chúng ta có công nghệ để làm việc này chứ không phải chúng ta bảo tố cáo qua điện thoại khó quá chúng ta không làm.

Theo tôi, nên quy định như vậy để người dân được thực hiện quyền hiến định của họ, đừng vì khó khăn của cơ quan nhà nước mà chúng ta chọn việc dễ chúng ta làm, còn việc khó chúng ta thôi”, đại biểu Cầu đề nghị.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, cùng với điện thoại thông minh nếu chúng ta không chấp nhận việc tố cáo qua điện thoại thì chúng ta quay trở về thời kỳ 0.4 rồi.

“Dùng điện thoại để tố cáo tức là trực tiếp rồi chứ không phải là gián tiếp. Hơn nữa chúng ta đang tiến hành xóa bỏ sim rác thì tôi tin việc này chúng ta xử lý được”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Dự kiến, Luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang