Có người đứng đầu còn bao che cho tham nhũng

Thứ Sáu, 04/09/2020 22:38

|

(CAO) Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu hiện tượng trên trong phát biểu khai mạc toạ đàm khoa học "Người đứng đầu với công tác phòng chống tham nhũng" diễn ra hôm 4/9 tại Hà Nội.

Cấp trưởng đổ cho cấp phó

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu thực tế khi nói về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Theo ông Thực, qua các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy có việc cấp trưởng đổ chp cấp phó, còn cấp phó đổ cho làm theo chỉ đạo của cấp trưởng. Từ hiện tượng này, ông Thực cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà mình quản lý.

“Người đứng đầu được giao nhiệm vụ quyền hạn vậy kiểm soát việc sử dụng chức vụ quyền hạn đó như thế nào? Chức vụ quyền hạn là được Đảng, nhân dân giao cho thì phải sử dụng cho đúng, chống lợi dụng và lạm dụng” - ông Thực nói.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Cũng theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người đứng đầu là người cầm cờ thì phải đi đầu và đi liền với đó là gương mẫu, nói đi đôi với làm. Do đó, theo nhìn nhận của ông Thực, người đứng đầu phải làm sao chống được lợi ích nhóm, tham nhũng. Khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương thì cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu.

Cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của người đứng đầu trong công tác PCTN, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN. Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra, ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với là thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

Tuy nhiên, theo ông Học, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực.

Dẫn chứng, ông Học cho biết, qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, từ 2016 đến nay đã phát hiện 1.121 vụ án với 2.473 bị can tham nhũng. Trong số này chỉ có 38 vụ với 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ.

Ông Nguyễn Thái Học phát biểu

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức đơn vị cũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện, xử lý. Trong 5 năm, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người.

Đổi mới khâu tuyển cử, bổ nhiệm

Cho rằng người đứng đầu quyết định mọi thành bại, gương mẫu và là tấm gương cho cấp dưới noi theo Chánh thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phản ánh, thực tế nơi nào nội bộ có vấn đề nhưng bố trí người đứng đầu có tài đức về thì mọi việc êm xuôi. Còn sắp xếp người đứng đầu không xứng đáng thì cơ quan không bao giờ ổn định mà còn xấu thêm.

“Cần đổi mới công tác bổ nhiệm, thi tuyển chức danh lãnh đạo, bổ sung trách nhiệm của người giới thiệu bổ nhiệm người đứng đầu. Nó giống như trong “thời gian bảo hành” khi mua hàng hóa vậy. Nếu người đứng đầu trong một thời hạn nào đó mà vi phạm kỷ luật thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm liên đới” – ông Khương nêu quan điểm.

Chung góc nhìn, GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định, muốn chọn được đúng người đứng đầu thì cần đổi mới khâu tuyển cử, bổ nhiệm cán bộ làm người đứng đầu.

“Khi đã trao quyền thì cần tạo điều kiện để họ thực hiện quyền của mình. Phải bảo vệ họ thì họ mới dám thực hiện quyền của mình. Vì thực tế có khi chọn đúng người rồi nhưng không bảo vệ họ thì họ không dám làm” - ông Phú lưu ý.

Ông Phùng Hữu Phú tại buổi toạ đàm

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực HĐLL Trung ương, khi giao quyền cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực, không để lạm dụng tha hóa quyền lực và có chế tài đủ mạnh để sàng lọc, xử lý nghiêm minh. Khi chọn đứng người thì cần kiểm soát chặt chẽ để không bị tha hóa quyền lực.

Lấy ví dụ trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, ông Phú buồn rầu: “Khi tôi đang công tác ở Hà Nội (lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - PV) thì anh Chung đang là một cán bộ điều tra viên hình sự có trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất giỏi, vậy mà giờ như thế này…”.

Do đó, ông Phú nhắc lại yêu cầu, cần kiểm soát chặt chẽ để cán bộ khi có quyền thì không bị tha hóa.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng thì đề nghị chọn 10 người từng là người đứng đầu "đang bóc lịch" để xem họ trưởng thành như thế nào, xem việc chọn người đứng đầu như thế nào.

"Nghe các đồng chí nói có trường hợp không đầy 2 tháng thay đổi 3 bí thư thành ủy thì kỳ lạ quá" - ông Hùng ngạc nhiên.

Cũng đề cập đến trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, ông Hùng nói: "Đến bây giờ sự việc xảy ra không muộn tí nào cả. Cái đau chung là mất một con người, một anh hùng nhưng cái đau hơn là tổ chức làm sao lại để như thế. Bây giờ phải xem lại".

Bình luận (0)

Lên đầu trang