Đại lễ cầu siêu liệt sĩ Gạc Ma thiêng liêng, nghẹn ngào

Thứ Ba, 13/03/2018 16:49  | Hoàng Quân

|

(CAO) Lễ cầu siêu tâm linh cho 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma 30 năm trước diễn ra không khí trang nghiêm, xúc động. Đó là những giọt nước mắt của sự nhớ thương, tri ân các liệt sĩ, hội ngộ các cựu binh,…

Sáng 13-3, tại TP.Đà Nẵng, Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984 – 1988 tổ chức Lễ cầu siêu tâm linh cho 64 liệt sĩ hy sinh tại bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Đại lễ cầu siêu diễn ra vào dịp 30 năm tưởng niệm trận chiến bảo vệ Trường Sa (14-3-1988 – 14-3-2018).

Lễ cầu siêu diễn ra với không khí trang nghiêm, thiêng liêng trong khu đất của Công ty TNHH Nguyên Tiến (125 Đặng Ngữ Lâm, P.Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) ngay bên cạnh cảng cá Thọ Quang, có sự tham dự của các cựu chiến binh là các cán bộ chiến sĩ (CBCS) của Trung đoàn 83 Công binh (E83), thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam, Bộ Quốc phòng. Trong đó có nhiều người đã công tác, chiến đấu trên vùng biển Trường Sa, thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma, cựu binh Gạc Ma, nhân dân địa phương...

Một bàn thờ lớn được lập trên khu đất cạnh cảng cá, có bài vị, danh sách 64 anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó là các bàn dài được bố trí các bàn thờ bày biện lễ vật.

Các nhà sư thực hiện nghi thức cầu siêu các anh hùng liệt sĩ. Mọi người cùng chắp tay, vái lạy cầu khấn cho vong linh các anh hùng được siêu thoát, đất nước thanh bình, an lạc, người dân ấm no, hạnh phúc,...

Các cựu binh Gạc Ma từ các tỉnh, thành xa xôi đã đến đây cầu siêu cho đồng đội mình. Các anh nghẹn ngào kể lại giây phút bi thương nhưng cũng đầy anh dũng của đơn vị khi chiến đấu chống lại sự cưỡng chiếm của Trung Quốc tại các bãi đá của quần đảo Trường Sa.

Anh Lê Văn Đông (SN 1966, ngụ thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ngày ấy là chiến sĩ trên tàu HQ 604, là 1 trong 9 người bị bắt. Mặc dù vũ khí thô sơ nhưng anh cùng các đồng đội đã anh dũng chiến đấu tự vệ để quyết tâm giữ đảo, giữ cờ Tổ quốc. Chỉ đến khi tàu bị chìm, anh Đông và các đồng đội khác phải nhảy xuống biển để bơi vào các đảo. Tàu Trung Quốc đuổi theo bắt giữ đưa về Trung Quốc.

“30 năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in cái thời khắc lịch sử ấy. Đồng đội tôi hiên ngang, anh dũng lắm! Tôi và các đồng chí khác sống sót là điều thật may mắn nhưng chúng tôi cứ day dứt mãi khi các anh nằm lại trên biển khơi, lạnh lẽo không tìm thấy thân xác.

Xin cầu cho linh hồn đồng đội siêu thoát, có linh thiêng để phù hộ cho các lực lượng tiếp tục bảo vệ, xây dựng các đảo, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi những người còn sống sau trận chiến hứa với nhau sẽ sống tốt, có ích, tiếp tục san sẻ, hỗ trợ gia đình các đồng đội cho đến lúc không còn trên cõi đỡi”, anh Đông nghẹn ngào.

Nhiều người cha, người mẹ, anh, em,… của các liệt sĩ đem theo những di vật, kỷ niệm và những cảm xúc dồn nén trong dịp lễ tưởng niệm này. Cụ bà Lê Thị Lan (ngụ Đà Nẵng) đã khóc gần như ngất đi khi tìm thấy bài vị của con trai - liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc (SN 1968). Suốt 30 năm qua bà luôn khóc vì con. Đó là nước mắt của sự đau thương nhưng cũng đầy tự hào.

Sau lễ cầu siêu, chiều tối 13-3, mọi người lên thuyền đi trên sông Hàn, theo hướng ra cửa biển để cầu nguyện, thả đèn, hoa ngưỡng vọng linh hồn của 64 liệt sĩ Gạc Ma.

Một số hình ảnh tại Đại lễ cầu siêu liệt sĩ Gạc Ma thiêng liêng, nghẹn ngào:

Bình luận (0)

Lên đầu trang