Khắc phục việc “người chết đi bầu trưởng thôn”

Thứ Hai, 09/11/2020 11:08

|

(CAO) Với đề án liên thông thủ tục hành chính, người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã, nộp một bộ hồ sơ để làm ba thủ tục liên thông.

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng sáng nay (9/11), đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) nêu câu hỏi về thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18-10-2018 phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính thì các thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí có nhiều bất cập được người dân nêu và báo chí quan tâm.

“Trước đây, người dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước phải khai nhiều thông tin trùng lặp, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… và phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục” – ông Mai Tiến Dũng chỉ ra.

Bất cập nữa, theo ông Dũng, khi người dân đến kê khai khai tử có người quên đăng xóa đăng ký thường trú nên từ đó xảy ra việc người đã chết rồi mà vẫn có tên trong cử tri đi bầu trưởng thôn, trưởng xóm.

“Ví dụ như tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội năm 2017, có nhiều người chết nhưng vẫn nằm trong danh sách cử tri đi bầu trưởng thôn” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Sau một thời gian thực hiện Đề án, các địa phương đều đã triển khai thực hiện việc liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) nêu trên. Các Bộ Tư pháp, Công an, Bảo hiểm Xã hội đều đang phối hợp tốt thực hiện tốt. Người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã, chỉ nộp 1 bộ hồ sơ để thực hiện 3 TTHC liên thông.

Hiện nay, theo Bộ trưởng Dũng, trong số 353.846 hồ sơ đã tiếp nhận, cơ quan chức năng đã giải quyết 350.400 hồ sơ (số hồ sơ quá hạn là 2.352 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,67%). Sơ bộ việc triển khai đề án mỗi năm tiết kiệm được 38,8 tỷ đồng/năm.

“Thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm và thúc đẩy việc thực hiện liên thông các TTHC này để triển khai tại địa phương mình” – ông Dũng nêu, đồng thời nhấn mạnh đến việc tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, trong đó, tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Việc đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục mở rộng cơ chế liên thông, nhất là liên thông điện tử trong giải quyết TTHC cũng được ông Dũng đề cập đến.

Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cung cấp nhiều nhóm dịch vụ công liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp cắt giảm nhiều TTHC không cần thiết, đơn giản hoá trình tự, hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang