Không đặc xá với tội phản quốc, gián điệp, bạo loạn

Thứ Tư, 07/11/2018 20:11  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Ngày 7/11, các ĐBQH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và thảo luận.

Chỉ đặc xá cho tội phạm tham nhũng khi đã bồi thường xong

Báo cáo giải trình tiếp thu do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày nêu rõ, một số ý kiến đề nghị quy định điều kiện bắt buộc để được xét đặc xá với mọi tội phạm là phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, ý kiến khác cho rằng chỉ quy định phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

UBTVQH cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác nhưng chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này sửa theo hướng bắt buộc phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác đối với mọi tội phạm. Theo bà Lê Thị Nga, quy định này chặt hơn nhưng làm giảm đi phần nào ý nghĩa của chính sách đặc xá và thu hẹp hơn đối tượng được đặc xá.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của Luật hiện hành, chỉ quy định điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không quy định điều kiện phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá.

Về ý kiến này, quan điểm của UBTVQH đồng tình cho rằng nếu quy định chặt như dự thảo Luật sẽ dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định...nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.

Không đặc xá với tội phản quốc, gián điệp, bạo loạn

Một số ý kiến cho rằng không nên đề nghị đặc xá đối với người "trước đó đã được đặc xá" hoặc "có từ hai tiền án trở lên". Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Luật đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với 2 trường hợp này, được cho là phù hợp, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn. Do đó, điều 12 dự thảo luật giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các điều kiện đặc xá là nhằm tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, đồng thời bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung rà soát và bổ sung các tội không đề nghị đặc xá, chủ yếu thuộc chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và chương về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Cụ thể, dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi) quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án về một trong các tội: phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn và khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh, và khủng bố.

Góp ý vào dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, hay nới rộng điều kiện về chấp hành án phí, các khoản tiền phạt để được đặc xá… Về vấn đề này, ĐB Dương Ngọc Hải - TP Hồ Chí Minh cho rằng ngoài 2 đối tượng được đề nghị đặc xá theo Luật Đặc xá hiện hành là người kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và người kết án phạt tù chung thân đã được giảm án xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù.

"Tôi tán thành về việc mở rộng thêm đối tượng đặc xá như dự thảo luật là người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối tượng này là người đang chấp hành án nhưng vì những lý do sức khỏe mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Vì vậy, nếu họ đáp ứng đủ các điều kiện như người đang chấp hành án phạt tù, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được xét đặc xá. Điều này thể hiện được sự công bằng, phù hợp với quy định tại Điều 4 của luật", ĐB Hải nói.

Theo chương trình, dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang