Không để lọt vào bộ máy "người có biểu hiện giàu nhanh"

Chủ Nhật, 26/04/2020 20:10

|

(CAO) Đây là một trong 6 khuyết điểm mà theo Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nếu cán bộ vi phạm thì sẽ kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy.

Cán bộ đông nhưng chưa thật mạnh

Trong bài viết phát hành hôm nay, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước (TBT-CTN) Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý một số vấn đề cần được đặc biệt qua tâm trong công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác nhân sự quan trọng không chỉ đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Theo TBT-CTN, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

“Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao” - ông Trọng nhấn mạnh và cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Đánh giá về đội ngũ cán bộ hiện nay, TBT-CTN cho rằng, cơ bản có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện.

Trình độ, năng lực của đội ngũ này cũng đã được nâng lên, nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Kiên quyết loại bỏ người vi phạm 1 trong 6 khuyết điểm sau:
1. Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.
3. Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút.
5. Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
6. Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay. 

Tuy nhiên, TBT-CTN cũng chỉ ra, đội ngũ cán bộ hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi, sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế.

Ngoài việc chưa đạt tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, hệ thống còn thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.

Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

TBT-CTN cũng lo lắng khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng.

Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật.

Tái khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, song TBT-CTN thừa nhận, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

“Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề” – TBT-CTN nhấn mạnh.

Đánh giá chính xác để không chọn nhầm người

Để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, theo ông TBT-CTN, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khoá XIII, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý là nỗi trăn trở lớn của TBT-CTN nhiệm kỳ 12

“Đây là công việc vô cùng quan trọng. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân. Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng” – ông Trọng cho biết.

Đối với chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu, theo TBT-CTN, là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Ngoài các tiêu chí theo quy định, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện. Tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu, đồng thời bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.

Việc giới thiệu nhân sự, TBT-CTN khẳng định, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự. Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc.

Bên cạnh các tiêu chuẩn cụ thể với các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng.

“Rút kinh nghiệm từ các khoá trước, việc xác định số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần căn cứ chủ yếu vào yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình, căn cứ vào yêu cầu lãnh đạo toàn diện đối với các địa bàn, lĩnh vực công tác, đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần tuý chạy theo số lượng” – TBT-CTN nói.

Dù vậy, trong quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự cụ thể, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho rằng cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hoá. Điều quan trọng, theo ông Trọng, là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu để không chọn nhầm người.

Nhấn mạnh “nguyên tắc của chúng ta là "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể", ông Trọng lưu ý “chúng ta phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để mỗi người tự hoàn thiện mình, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu; để khi mỗi cá nhân đứng trong cùng một tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, toàn diện, vững mạnh hơn, và mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều hơn phẩm chất và năng lực của mình”.

“Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình” – TBT-CTN nói.

Trọng trách đó, theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang