Cần làm rõ nhiều nội dung trong Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi)

Thứ Sáu, 24/05/2019 10:37  | Mai Loan

|

(CAO) Bước sang ngày 5 kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV. Sáng 24-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật này.

Dự thảo Luật trình QH xem xét, thông qua gồm 17 chương, 151 điều, quy định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Những nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: tính cụ thể của dự thảo luật; phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; đồng tiền khai thuế, nộp thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; quản lý rủi ro trong quản lý thuế; xây dựng lực lượng quản lý thuế; hợp tác quốc tế; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; đăng ký thuế; khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; nộp thuế; khoanh nợ, xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; cung cấp dịch vụ đại lý thuế; kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; xử phạt vi phạm hành chính; điều khoản chuyển tiếp.

Ông Uông Chu Lưu điều hành buổi làm việc

Theo đó, đối với giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (Điều 8), một số ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử” tại Khoản 1; đồng thời xây dựng lộ trình từ giai đoạn chuyển tiếp rồi dần đến tiến hành điện tử hóa trong lĩnh vực thuế và quy định đối tượng bắt buộc phải điện tử hóa.

Quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Điều 9), một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc chính về các tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế, trên cơ sở đó giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định cụ thể.

Về khai thuế, tính thuế (Chương IV), một số ý kiến cho rằng, để hoàn thành Tờ khai Giao dịch liên kết cần phải có Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ, trong khi đó, thông thường phải mất 1 năm để hoàn thành Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Do đó, việc quy định nộp Tờ khai giao dịch liên kết cùng với báo cáo quyết toán thuế năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính là chưa phù hợp với thực tế và không khả thi.

Các ĐBQH tại buổi làm việc 

Còn Về ấn định thuế (Chương V): Về xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế (Điều 51). Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể việc xác định mức thuế khoán đối với các trường hợp kinh doanh thời vụ...

Buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH tiếp tục nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật đã trình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang