Kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2018):

Lực lượng Cảnh vệ bảo vệ Hồ Chủ tịch về tiếp quản Thủ đô

Thứ Tư, 10/10/2018 12:10

|

(CAO) Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh đi đến thống nhất Tổ quốc.

Kế hoạch bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản thủ đô được Trung ương chỉ đạo thống nhất và hết sức chặt chẽ. Trung ương giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng, thành lập một tổ công tác tiền trạm để gấp rút tiến hành những công việc chuẩn bị đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ­ương, Chính phủ về Hà Nội.

Đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ định những đồng chí trong tổ công tác tiền trạm gồm: đồng chí Phan Văn Xoàn, đồng chí Quách Quý Hợi (Cục Cảnh vệ), đồng chí Nông Đức Chiến (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), đồng chí Tạ Đình Hiểu - Chính uỷ Trung đoàn 600 thuộc Đại đoàn 350, Bộ Quốc phòng và và giao cho đồng chí Tạ Quang Chiến công tác tại Văn phòng Phủ Thủ tướng, làm tổ trưởng.

Tổ công tác tiền trạm nhanh chóng xây dựng kế hoạch bảo vệ trên đường về, tính toán từng trạm nghỉ dừng chân trên đường, phối hợp với Ban Tài chính Quản trị Trung ương lo địa điểm nơi ở và làm việc của Bác, bố trí lực lượng trinh sát và phối hợp với lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương có liên quan phối hợp bảo vệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân dân Hà Nội mừng Chính phủ về thủ đô (Bắc bộ phủ ngày 16/10/1954). Ảnh tư liệu

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tổ công tác tiền trạm được lệnh quay lại chiến khu Việt Bắc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đoàn bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số đồng chí Thường vụ Trung ư­ơng Đảng ngay từ đầu tháng 8/1954 đã chuyển địa điểm từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo đường mà tổ công tác tiền trạm đã chuẩn bị trước.

Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập toàn bộ CBCS bảo vệ và phục vụ để căn dặn trước khi về thủ đô Hà Nội. Như người cha già dặn dò con cháu khi đến công tác tại một môi trường, địa bàn mới.

Người nói: "Bác cháu ta cùng quen chịu đựng gian khổ, nay về Hà Nội địch chiếm đóng lâu năm đầy rẫy cảnh sống xa hoa, truỵ lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các cô các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước "viên đạn bọc đường”. Lời dạy của Bác có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn với lực lượng công an và quân đội về tiếp quản thủ đô.

Trong những ngày lưu lại ở Vai Cầy, lực lượng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đền Hùng tại xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong (tức Sư đoàn 308 - lực lượng chủ lực về tiếp quản thủ đô); Người đã căn dặn CBCS: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Sau Buổi nói chuyện, Người trở lại Vai Cầy, nơi dừng chân cuối cùng ở căn cứ địa Việt Bắc trước khi trở về tiếp quản thủ đô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Hùng. Ảnh tư liệu

Ngày 12/10/1954, lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Đại Từ (Thái Nguyên) về thị xã Sơn Tây. Tại thị xã Sơn Tây, Người ở và làm việc tại một trạm thuỷ lợi ngay chân đê thuộc thôn Phù Xa, xã Viên Sơn. Địa điểm này là ngôi nhà cấp bốn nhưng rất thoáng mát, bảo vệ tiếp cận nơi nghỉ của Người gồm đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Long Văn Nhất, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Nền kiêm lái xe.

Ngày 14/10/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thị xã Sơn Tây về Hà Nội. Không khí những ngày thủ đô mới được tiếp quản thật náo nhiệt, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ đỏ rực các đường phố.

Những ngày đầu về thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Trung ư­ơng Quân đội 108). Người ở và làm việc tại một gian đầu hồi trên tầng hai có cửa sổ nhìn xuống cổng phía đường Trần Khánh Dư, ở vị trí này rất dễ quan sát khi có động tĩnh lại thoáng mát.

Vì là địa điểm được Tổ công tác tiêng trạm chuẩn bị trước nên công tác bảo vệ không những đảm bảo chặt chẽ mà còn có nhiều thuận lợi. Lực lượng vũ trang của Trung đoàn 600 có một trung đội bảo vệ vòng ngoài, các lối đi, cổng ra vào đều bố trí trạm gác, tuần tra, bên trong do lực lượng bảo vệ tiếp cận của Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) canh gác thường xuyên 24/24 giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà thương Đồn Thuỷ đến ngày 19/12/1954, đúng 8 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung ương mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại ngôi nhà Phủ Chủ tịch được sửa sang tu bổ lại sạch sẽ để tiện chủ trì các cuộc họp Chính phủ, tiếp khách trong nước và nước ngoài.

Khi nghe Trung ương báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem, Người khen ngôi nhà to và đẹp và đề nghị tu sửa lại căn nhà ba gian gần bờ ao cách Phủ Chủ tịch khoảng 300 mét để ở. Căn nhà này vốn là nơi ở của người thợ điện làm việc cho chế độ cũ nay bỏ không.

Người nói: "Một mình Bác ở như vậy là vừa rồi, lại gần Phủ Chủ tịch khi hội họp tiếp khách đi bộ sang cũng tiện". Công tác bảo vệ Bác tại đây có nhiều thuận lợi, lực lượng vũ trang của Trung đoàn 600, Binh đoàn 32, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang bảo vệ vòng ngoài; vòng trong Cục Cảnh vệ lập các trạm gác hóa trang ngày đêm bảo vệ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc.

Mặc dù tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở thủ đô Hà Nội những ngày mới giải phóng hết sức phức tạp, bọn phản động tay sai đế quốc Mỹ và Pháp như Việt Nam quốc dân đảng, Phục quốc... ra sức chống phá cách mạng, tìm cách cài lại bọn tay sai để thực hiện âm mưu phá hoại, nhất là tìm cách ám hại lãnh tụ.

Các tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện hút, trộm cắp, tàn dư của chế độ cũ để lại rất nặng nề. Điều kiện cuộc sống ở thủ đô hoàn toàn khác với môi trường rừng núi. Tổ chức công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước hoàn toàn khác với địa bàn rừng núi...

Nhưng với sự chỉ đạo thống nhất và chặt chẽ của Trung ư­ơng và trực tiếp là Bộ Công an, lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp với lực lượng quân đội và các lực lượng có liên quan triển khai đồng bộ các mặt công tác, ổn định nơi ăn ở, kiện toàn tổ chưc, xây dựng phương án bảo vệ theo từng khu vực với phương châm, bố trí lực lượng bảo vệ khép kín bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước những ngày về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang