Ngày 2-9-1945 qua tường thuật của Báo Cứu quốc

Thứ Hai, 02/09/2019 09:18

|

(CATP) Mỗi khi tới ngày Quốc khánh 2-9, nhân dân cả nước lại được nghỉ mừng ngày vui của toàn dân tộc.

74 năm kể từ ngày Độc lập đầu tiên, thời gian gần ¾ thế kỷ có thể xóa nhòa nhiều dấu vết của quá khứ, nhưng những mảnh tư liệu về ngày lịch sử của năm 1945, vẫn mãi được thế hệ sau trân trọng, gìn giữ.

Ký ức về ngày Quốc khánh 2/9/1945 cũng vậy. Qua tường thuật của báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5/9/1945 dạo ấy với bài viết “Cuộc mít-tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ “Ngày Độc lập”", diễn biến của lễ Độc lập tại Hà Nội đã diễn ra chân thực, sống động. Trên bước đường lần về quá khứ, chúng tôi xin lược thuật lại lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc, để độc giả hôm nay, được rõ.

Báo Cứu quốc số 36

1. Một ngày trước lễ Độc lập, Sắc lệnh số 03-SL được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyễn Giáp ký quyết định thiết quân luật tại Hà Nội “Từ mười hai giờ đêm đến sáu giờ sáng”, hẳn để bảo vệ ngày lễ hôm sau được diễn ra an toàn.

Theo chương trình, lễ Độc lập diễn ra vào lúc 14 giờ. Tuy nhiên, không khí trước lễ đã vô cùng tấp nập. Ngày từ 12 giờ trưa, khắp các ngả đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình “đã thấy cuồn cuộn những dòng người chảy đến”. Họ là ai? Đủ các giới, các thành phần. Đó là công nhân, nhân viên các sở, cụ già, trẻ em, phụ nữ, thanh niên, và ngay cả nhà tu hành cũng hiện diện.

Vườn hoa Ba Đình, nơi tiến hành lễ Độc lập, một lễ đài được dựng lên, căng vải đỏ và trắng. Ở giữa là cột cờ sơn trắng. Máy truyền thanh được đặt trên đài. Các đoàn thể, các giới tham dự buổi lễ đứng ngay hàng thẳng lối theo những khu vực đã được ban tổ chức quy định.

Bảo vệ buổi lễ là giải phóng quân dàn thành hàng sau lễ đài, tay cầm súng gắn lưỡi lê. Lính bồng súng đứng dài cho đến đường Cột cờ. Một đội tự vệ với súng lục trong tay đứng chen khít nhau quanh lễ đài. Bao quanh vườn hoa là một biển người tưởng như không nhìn thấy điểm kết thúc.

2. 14 giờ. Đội âm nhạc giải phóng quân thổi một bài kèn, đoàn xe của Chính phủ với sự hộ tống của đội cảnh sát, từ từ tiến vào vườn hoa và dừng lại gần lễ đài. Các thành viên Chính phủ lần lượt bước lên. Sự chú ý được dồn về phía lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi đây là lần đầu tiên người ra mắt toàn thể quốc dân. Trang phục của Người gây ấn tượng mạnh với công chúng qua bộ ka-ki bạc màu, chân mang đôi dép cao su.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội

Buổi lễ bắt đầu, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh từ từ được kéo lên giữa tiếng nhạc bài Tiến quân ca, muôn người như một nghiêm trang giơ tay chào quốc kỳ. Sau đó, đại biểu tổ chức ngày lễ Độc lập – Nguyễn Hữu Đang đọc chương trình buổi lễ, giới thiệu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hồ Chủ tịch bước lên đọc Tuyên ngôn độc lập “bằng một giọng rành mạch, giản dị, thỉnh thoảng lại hỏi xuống: “Tôi nói thế này đồng bào nghe có rõ không?”. Lời kết thúc bản Tuyên ngôn của Hồ Chủ tịch vừa dứt, ở dưới quốc dân đồng thanh cất tiếng hoan hô như sấm dậy.

Tiếp theo chương trình là cuộc tuyên thệ của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ bỏ mũ, đứng thẳng người trước quốc kỳ, quốc dân và tuyên thệ “sẽ kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc; trong lúc giữ nền độc lập, sẽ quyết vượt qua mọi nỗi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Lời tuyên thệ này, ngày 9/9/1945 được đăng trên báo Trung Bắc tân văn, số 261. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình trong nước cùng những chính sách của Chính phủ trong sự hưởng ứng, vỗ tay của đồng bào.

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu tiếp tục chương trình với phần tường trình trước Chính phủ và quốc dân về việc đại diện Chính phủ (gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận) vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Ấn quốc bảo, kiếm vàng của vua Bảo Đại được đưa ra để chứng tỏ vua “từ nay đã trao chủ quyền trong nước vào tay Chính phủ của nhân dân”.

Biển người đổ về nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình

Chương trình lễ Độc lập tiếp diễn với phần phát biểu của đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng lược thuật cuộc đấu tranh gian lao của Việt Minh để giải phóng dân tộc, “kêu gọi toàn thể đồng bào thống nhất, đoàn kết lại để ủng hộ Chính phủ để Chính phủ có thể thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh”.

Phần phát biểu của các thành viên Chính phủ trong chương trình lễ Độc lập kết thúc. Lúc này đồng hồ điểm 15 giờ 30. Đến phần tuyên thệ của quốc dân, một người trong ban tổ chức đọc to những lời thề. Mỗi lần đọc xong một lời, đồng bào lại nhất loạt đồng thanh hô to “xin thề”, biểu thị ý chí quyết tâm không thể lay chuyển của cả dân tộc quyết giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc bằng bất cứ giá nào. Lời thề độc lập của quốc dân tại lễ Độc lập, theo hồi ức Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, có nội dung như sau:

- Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: “Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

- Chúng tôi xin thề: “Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng”.

- Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:

“Không đi lính cho Pháp,

Không làm việc cho Pháp,

Không bán lương thực cho Pháp,

Không đưa đường cho Pháp”.

Trước khi kết thúc buổi lễ Độc lập, một lần nữa, Hồ Chủ tịch lại bước ra phát biểu với quốc dân bằng lời tâm huyết, dặn dò rằng: “Độc lập là một của báu quý giá vô ngần, nay ta đã khổ sở đau đớn trong bao nhiêu lâu mới giành được nó, cần phải cố gắng dù phải hy sinh đến bậc nào đi cũng quyết giữ lấy nó”. Không khí lúc đó trang nghiêm, thiêng liêng khi quốc dân im phăng phắc nghe từng lời căn dặn.

Lễ Độc lập kết thúc, bài Tiến quân ca do đội âm nhạc cử lên, toàn thể quốc dân đồng thanh hát vang. Sau đó, cuộc mít tinh tại Ba Đình biến thành cuộc biểu tình lớn, các đoàn thể lần lượt biểu tình qua kỳ đài rồi tỏa ra các ngả đường như những đợt sóng đến 2 giờ sau vẫn chưa tan hết.

3. Dẫu mới giành chính quyền trong một thời gian ngắn, công việc còn bộn bề, thù trong giặc ngoài chống phá, Chính phủ mới lập chưa có kinh nghiệm hoạt động, nhưng như tường thuật của báo Cứu quốc được khái lược ở trên, ta thấy, lễ Độc lập – ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam mới, đã được tổ chức chỉn chu, khoa học và ý nghĩa.

Kể từ thời điểm ngày 2/9/1945, một nước Việt Nam mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hiện hữu trên bản đồ thế giới với tư cách một nước độc lập, tự do. Và ngày 2/9/1945, mãi mãi trở thành một mốc son trong trang sử nước Việt thời hiện đại.

Ngày Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang