Người dân tiếc thương vị lãnh đạo nhiệt huyết và gần gũi

Thứ Bảy, 17/03/2018 16:49

|

(CAO) Hàng trăm người dân Củ Chi hôm nay đến từ sớm để được một lần từ biệt bác Sáu Khải. Trong ký ức của nhiều người, cố Thủ tướng là người mẫn cán, nhiệt huyết, thân tình và gần gũi. Chuyện về người con ưu tú của đất thép” Củ Chi được kể lại trong vô vàn tiếc thương…

Sáng 17-3, lễ nhập quan nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức tại nhà Bảo tàng lưu niệm Phan Văn Khải - nhà riêng của ông ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM có mặt tại lễ nhập quan để chuẩn bị tang lễ.

Tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại nhà riêng

Có mặt tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) - quê nhà của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi cảm nhận không khí trầm buồn. Trong ánh mắt người dân dâng lên niềm tiếc thương.

Bên ngoài, những câu chuyện về nhân cách sống, về những đóng góp lớn lao của cố Thủ tướng Phan Văn Khải được người dân kể lại trong vô vàn tiếc thương…

Rất đông người dân có mặt từ sớm để tỏ lòng thương tiếc một vị lãnh đạo thấu hiểu, nhiệt huyết, gần dân

Ông Nguyễn Văn Bum, Bí thư Chi bộ ấp Chánh, xã Tân Thông Hội cho biết, ông vừa từ đám tang cố Thủ tướng về, ai cũng tiếc thương. “Mới thứ 3 tuần trước thôi, tôi với mấy anh em trong ấp có xuống bệnh viện thăm chú Sáu (cố Thủ tướng Phan Văn Khải), tụi tui chỉ được đứng ngoài nhìn vô, thấy chú Sáu yếu quá, ai cũng chảy nước mắt. Hồi chú mới về hưu, cứ rảnh là chú lại cùng anh em đi thăm khắp ấp. Thấy chỗ nào hạ tầng còn kém, nhân dân còn khổ là chú nhắc nhở xã, huyện quan tâm chăm lo. Thấy người dân nào hiểu sai, làm sai chủ trương, chính sách chú liền thân tình giải thích, nhắc nhở”.

Ông Nguyễn Văn Bum

Theo ông Bum, cán bộ và nhân dân xã Tân Thông Hội, ai cũng kính trọng, yêu mến cố Thủ tướng Phan Văn Khải. “Cũng nhờ chú mà giờ bà con trong xã cải tạo được ngôi đình Tân Thông từ một ngôi đình làng trở thành Di tích lịch sử cấp thành phố, người dân có thêm địa điểm để tham quan, sinh hoạt văn hóa truyền thống” – ông Bum tự hào nói.

Bà Đoàn Thị Tho (72 tuổi), nhà ở gần nhà cố Thủ tướng kể, trước khi bác Sáu Khải qua đời, sáng nào bà cũng thấy ông tập thể dục đi ngang qua nhà. Khi chúng tôi hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ về cố Thủ tướng, ánh mắt bà sáng lên, nhớ lại: “Hồi đó cũng lâu rồi, lúc chú Sáu mới làm nhà xong. Hồi đó tôi cũng tham gia công tác hội của ấp nên được gọi ra đình Tân Thông để phụ việc đưa ảnh Bác Hồ từ đình về nhà chú Sáu. Lúc chuẩn bị, chú Sáu dặn là đừng ai làm thay, để tự tay chú mang ảnh Bác về nhà đặt lên bàn thờ. Sự kính trọng của chú Sáu với Bác Hồ khiến chúng tôi thêm khâm phục và tin yêu chú nhiều hơn”.

Bà Đoàn Thị Tho

Đến thăm trường Tiểu học Tân Thông, ngôi trường được xây dựng vào năm 2010 nhờ tâm huyết của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi mới thấy được những thành tựu để lại của cố Thủ tướng trên mảnh đất Củ Chi này, đang giúp cho địa phương ngày một khởi sắc.

Thầy Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hay tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, tập thể nhà trường rất đau buồn. Ông Lê tâm sự: “Ngày trước, ngôi trường này lụp sụp, xuống cấp. Bác Khải nghỉ hưu về thấy tụi nhỏ học tập trong điều kiện khó khăn quá nên vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng nên ngôi trường khang trang như hiện nay. Những lúc khỏe, cứ 2 đến 3 tuần bác lại vào thăm trường, trò chuyện với các em học sinh. Từ khi trường đạt chuẩn quốc gia, bác Sáu Khải càng nhắc nhở chúng tôi phải không ngừng cố gắng trong việc dạy và học, mà nhất là rèn luyện đạo đức, nhân cách con người cho các em học sinh để các em trở thành người có tài và có đức”.

Cứ thế, những câu chuyện đẹp về vị Thủ tướng gần dân, chân chất thay phiên truyền tai nhau, để nhắc nhớ về một người con “đất thép” anh hùng!

Di tích lịch sử đình Tân Thông và trường Tiểu học Tân Thông được xây dựng khang trang, kiên cố nhờ tâm huyết của bác Sáu Khải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang