“Người nam châm” dưới góc nhìn khoa học

Chủ Nhật, 17/05/2015 15:01  | TS Đỗ Kiên Cường

|

(CATP) “Người nam châm” hút đồ vật dựa trên ba khả năng: dính ướt do mồ hôi; làn da khá xù xì nên tạo các giác hút nhỏ; nghiêng người sang một bên để trọng tâm của vật nằm trong “mặt phẳng ổn định” (thường giữa hai chân khi ta đứng trên mặt đất).

Báo Công an TPHCM ra ngày 5-5-2015 có đăng bài “Người đàn ông “chơi” với dòng điện 220V”. Bài báo nói về ông Huỳnh Văn Khải (59 tuổi, ngụ tại thôn Phú Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) có khả năng hút các đồ vật kim loại (như dao, thìa, nĩa...) và không kim loại (như màn hình phẳng, ly uống nước, điện thoại...).

Khả năng đó của ông xuất hiện năm 2007 sau một cơn bệnh nặng, với những cơn sốt cao tưởng chừng mất mạng. Và tuy không dùng thuốc men gì, nhưng ông vẫn khỏi bệnh, đi đứng như thường. Lúc đó ông thấy người nóng ran và rất khát nước. Nhưng kỳ lạ thay, khi uống xong nước thì ly nước dính chặt vào tay, không rơi!

Học viên cảm xạ biến thành “người nam châm” sau 30 phút tập luyện - Ảnh: Báo CATP

Sau khi thử hút được nhiều loại đồ vật khác nhau, kể cả vật không làm bằng kim loại, mọi người liền gọi ông là “người nam châm”. Và theo đại diện Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng, ở Việt Nam cũng như thế giới, trường hợp cơ thể người hút được nhiều vật xuất hiện rất nhiều, kể cả do tự nhiên hoặc do luyện tập mà có. Nhưng trường hợp ông Khải rất đặc biệt, vì ông còn có thể sờ vào điện 220V mà không bị giật. Nên ngoài biệt danh “người nam châm”, ông còn được gọi là “người điện”.

Với tư cách người đã hơn 30 năm nghiên cứu các hiện tượng lạ, tôi khẳng định rằng, khả năng của ông Khải tuy lạ thường dưới con mắt bạn đọc đại chúng, nhưng không hề hiếm và hoàn toàn dễ hiểu dưới quan điểm khoa học. Có thể nói không ngoa rằng, về nguyên tắc, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể hút đồ vật như thìa nĩa, điện thoại...

Tại sao hút được vật?

Với vật kim loại, chúng ta nghĩ ngay tới nam châm hút sắt. Để hút được vật nặng như con dao hay bàn ủi, “người nam châm” phải có cường độ từ trường khá mạnh. Tuy nhiên, khi đo đạc thì các nhà khoa học thấy rằng, cường độ từ trường của họ không hề khác biệt so với người thường. Ngay cả khi khác biệt thì giá trị đó cũng quá nhỏ nên không thể hút các vật dù nhẹ như thìa hay nĩa.

Với vật phi kim loại, sức hút chỉ có thể là lực hấp dẫn. Tuy nhiên, sức hút trên người ông Khải thua xa với trọng lực của đồ vật (sức hút của trái đất lớn hơn hàng tỷ tỷ lần!). Vì vậy mà một số người cho rằng đó chính là “hấp dẫn sinh học”, một lực phi vật lý mà khoa học chưa biết (!). Tuy nhiên, lời giải thích của khoa học có thể làm họ buồn lòng.

Về thực chất, “người nam châm” hút đồ vật dựa trên ba khả năng: dính ướt do mồ hôi; làn da khá xù xì nên tạo các giác hút nhỏ; nghiêng người sang một bên để trọng tâm của vật nằm trong “mặt phẳng ổn định” (thường giữa hai chân khi ta đứng trên mặt đất).

Khá thú vị là tại nước ta, vào tháng 5-2007, phóng viên Hồ Trung Tú (Sài Gòn tiếp thị) lại là người đầu tiên phát hiện sự dính ướt do mồ hôi là nguyên nhân giúp “người nam châm” hút được thìa, nĩa, điện thoại, thậm chí cả đĩa đựng thức ăn (không quá lớn). Đó là lý do sau 30 phút tập luyện, các học viên cảm xạ học của BS Dư Quang Châu ai cũng biến thành “người nam châm”. Đưa vào phòng máy lạnh mươi phút, các “siêu nhân” sẽ trở về kiếp người trần!

Để hút được các vật nặng hơn (có học viên cảm xạ hút được khối sắt hơn 40kg) thì cần hai điều kiện: làn da của người hút càng xù xì càng tốt để lực ma sát lớn; và “người nam châm” cần nghiêng người sang một bên (nếu “hút” bằng một bên) hoặc ngửa người ra sau (nếu “hút” bằng bụng hay ngực). Vật càng nặng thì góc nghiêng càng phải lớn. Khi đó sự ma sát giữa da và đồ vật chính là yếu tố hút và giữ vật trên cơ thể.

Thử nghiệm các giả thiết trên như thế nào?

Có thể các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người hoặc Trung tâm UIA (các cơ quan ủng hộ Phan Thị Bích Hằng và giới ngoại cảm) không đồng ý với giả thuyết trên. Do đó tôi đề nghị thử nghiệm bất cứ “người nam châm” nào theo cách như sau: 1- Thử nghiệm trong phòng máy lạnh để tránh sự dính ướt do mồ hôi; 2- Bôi chút dầu ăn lên da để loại bỏ sự ma sát; 3- Đề nghị “người nam châm” không nghiêng hoặc ngửa người khi hút vật nặng. Khi đó không chỉ ông Khải, mà bất cứ “người nam châm” cũng mất khả năng siêu phàm ngay lập tức!

Theo tôi, để chứng tỏ hút đồ vật là một khả năng có thật, lý tưởng nhất là đặt “người nam châm” nằm trên mặt bàn có khoét một lỗ thủng. Và qua lỗ thủng đó, vật cần hút được đưa lên để dính vào da bụng, da ngực hoặc da lưng “người nam châm”. Nếu vật không rơi, khả năng của “người nam châm” sẽ được khẳng định; còn nếu không, khả năng “siêu phàm” chỉ là kết quả của ba khả năng vừa nói ở trên.

Riêng về việc không bị điện 220V giật, cần cảnh báo ông Khải rằng, phải cẩn thận kẻo có ngày chết oan. Và đó là nội dung của bài viết sau.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang