Nguyễn Anh Linh - người đặt viên gạch đầu tiên của Báo Công an TPHCM

Thứ Ba, 15/06/2021 07:14

|

(CATP) Từ bản tin nội bộ của Công an TPHCM, Báo CATP được phát hành rộng rãi và dần chiếm được lòng tin yêu của độc giả trong và ngoài nước với số lượng phát hành có số đạt kỷ lục của báo chí tại Việt Nam với 700.000 tờ/kỳ.

Để có được thành quả và nền móng vững chắc ấy, nhiều thế hệ Báo CATP vẫn luôn nhớ về người “đặt viên gạch” tiên phong, đó là cố đại tá Nguyễn Anh Linh - Tổng biên tập đầu tiên của Báo CATP. Ông sinh ngày 12-9-1929 tại Quảng Nam. Giữ chức vụ Tổng biên tập từ năm 1979 đến tháng 1-1992.

Để có được góc nhìn chân thật hơn về “người anh cả” của tờ báo, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của thượng tá Lê Thị Nam Bình - nguyên Trưởng ban Phóng viên 1, Trưởng ban Công tác bạn đọc Báo CATP, một trong những phóng viên kỳ cựu, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho mái nhà 110 Nguyễn Du thân yêu.

Đảng ủy - Ban biên tập cùng cán bộ chiến sĩ Báo Công an TPHCM trogn một dịp chụp hình tập thể. Ảnh: Bùi Văn Nghiệp

NHỚ VỀ NGƯỜI TỔNG BIÊN TẬP ĐẦU TIÊN

4 giờ sáng ngày 2-9-1986, Ban Biên tập và phóng viên có mặt đông đủ trước sân tòa soạn. Sáng ấy, Báo CATP phát hành công khai số báo đầu tiên. Các anh chị làm nhiệm vụ phát hành suốt đêm không ngủ để chuẩn bị cho tờ báo đến tay bạn đọc. Mọi người như nín thở chờ đợi giây phút hạnh phúc đến. Niềm vui vỡ òa khi những chiếc xe chở báo vào ra tấp nập, chỉ thoáng chốc, 30.000 tờ báo đã bán sạch.

Nếp nhăn trên mặt Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh giãn ra, dường như nỗi lo âu đè nặng từ nhiều tháng đã biến mất. Ông bắt tay các cộng sự của mình: “Tuyệt”. Ông nói với một nụ cười, niềm vui sáng lên trong ánh mắt. Ông giục chúng tôi đến các sạp báo để xem dư luận nói gì về tờ báo, rồi phóng xe ra cổng, nơi có rất đông người bán báo đang rao: “Báo mới đây, báo mới đây”. Chúng tôi cũng tỏa ra theo những người bán báo khắp thành phố, niềm vui của phóng viên được đăng trên số báo đầu tiên ấy càng nhân lên gấp bội. Tôi được đăng một mẩu tin nhỏ mà cũng thấy lâng lâng mãi.

Thấm thoát đã 45 năm kể từ khi Báo CATP góp mặt với đời, hơn 30 năm Báo ra công khai đến nay đã có 5 đời Tổng biên tập. Tôi ghi nhận được khá nhiều ấn tượng về họ, nhưng phải nói thật rằng, hình ảnh vị Tổng biên tập đầu tiên, đại tá Nguyễn Anh Linh (Tổng biên tập từ năm 1979 đến năm 1992) để lại trong tôi sự trân trọng và yêu quý.

Tôi vào làm tại Báo CATP khi báo chỉ là tờ tin nội bộ. Tòa soạn lúc bấy giờ trên lầu 3, trụ sở 278 Trần Hưng Đạo, quận 1, khoảng 20 người. Mọi phương tiện đều nghèo nàn, chỉ có vài cái bàn gỗ và hai cái máy đánh chữ. Bước vào nghề từ khi còn chân ướt chân ráo từ trường đại học, tôi bị tác động sau vài tuần không viết được vì sự khác biệt giữa thực tế so với những gì tôi mong đợi trong sách vở. Bài viết thường bị biên tập đỏ lòm do có nhiều chi tiết “lộ nghiệp vụ”. Có lẽ biết được âu lo của tôi, Tổng biên tập gọi lên nhắc nhở: “Không có việc gì khó, cháu đừng lo lắng, chỉ cần chăm chỉ, đam mê nghề là được. Có gì không hiểu cứ hỏi mấy chú, mấy anh nha”.

Được động viên, tôi lao vào làm việc, không bao lâu tinh thần trở nên lạc quan, tự tin hơn. Có một lần, tôi viết “Trinh sát kể chuyện” bị ông phê chưa đạt, sau này tôi mới hiểu, nếu không có tình tiết khám phá thì tác phẩm báo chí thật nhạt nhẽo. Đó là yếu tố hóc hiểm nhất, vì có được điều này nhà báo vừa phải có tố chất, vừa phải có kiến thức rộng, để đủ phân tích, đánh giá sự kiện. Tôi tự răn mình, muốn làm báo được, bản thân phải trau dồi kiến thức thường xuyên. Đồng nghiệp của tôi cũng được Tổng biên tập thường xuyên nhắc nhở, khi nghiêm khắc lúc nhẹ nhàng.

Ông cũng luôn thăm hỏi chúng tôi lúc khó khăn hay khi đau yếu bệnh tật, đặc biệt là những phóng viên nữ. Tôi nhớ những bữa ăn tập thể có ông và anh Huỳnh Bá Thành, những bữa cơm thành bữa tiệc vì chúng tôi được cười hả hê bởi những câu chuyện tiếu lâm. Và càng ngày chúng tôi nhận ra đằng sau sự nghiêm túc của ông là sự độ lượng ân cần. Ai cũng tìm thấy ở ông sự tin cậy và nếu cần khi chia sẻ, ông sẵn sàng lắng nghe.

Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc phơ, giọng nói trầm ấm, nụ cười sảng khoái, đôi mắt nhỏ sâu và trong veo, tinh anh trìu mến cho chúng tôi sự gần gũi, tin cậy. Cảm nhận được tình cảm của ông, tôi lý giải được điều lạ lùng là vì sao ở cơ quan Báo thuộc lực lượng vũ trang, các anh chị đồng nghiệp của tôi ngoài các cuộc họp thường gọi ông bằng bố. Tiếng gọi bố ấm áp chân tình, rồi tới tôi rất tự nhiên, tôi cũng gọi ông bằng bố.

Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh (thứ 3 từ trái sang) trong những ngày đầu thành lập báo. Ảnh: Tư liệu

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG GÓP PHẦN TẠO THÀNH CÔNG CHO TỜ BÁO

Ngoài việc đứng mũi chịu sào, ông còn viết rất nhiều chuyện vụ án với bút danh Minh Kiên. Ông làm việc ngày đêm quên mình và mở đường cho tờ báo ra công khai. Từ những khó khăn, thách thức tưởng chừng khó vượt qua, ít ai biết được rằng trước ngày ra tờ báo công khai, trong khó khăn chung của Công an TPHCM lúc đó, theo quy định, tờ báo phải tự cân đối thu chi. Giấy phép ra báo kèm theo một phiếu phân phối 5 tấn giấy, nhưng tòa soạn không có tiền mua. Ban Biên tập phải đề xuất Phòng Hậu cần CATP tạm ứng 85 ngàn đồng mua số giấy trên, rồi còn bao ý kiến xung quanh việc ra tờ báo, những tranh luận chưa ngã ngũ, nhân sự còn thiếu...

Vậy mà với sự hỗ trợ của Ban giám đốc CATP, sự cố gắng của cả một tập thể mà đứng đầu là Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh, mọi khó khăn đã vượt qua. Ông có vai trò như một nhạc trưởng. Nội dung tờ báo dần được nâng lên, hình thức được cải tiến. Số lượng báo phát hành tăng vọt, có số báo đạt trên 700.000 tờ một kỳ. Tờ báo mang nhiều nội dung gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân, mang đậm tính nhân văn đã được đông đảo bạn đọc nhiệt tình ủng hộ.

Nhờ có tấm lòng và bản lĩnh nghề nghiệp, Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của Báo và tập hợp được rất nhiều cây viết của những đồng chí cán bộ lão thành, những nhà nghiên cứu như: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Hoàng Như Mai, Thanh Lê, Huỳnh Văn Tòng...; những nhà văn, nhà thơ, nhà báo như: Vũ Hạnh, Thép Mới, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xích Điểu, Huy Cận, Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Mai Văn Tạo, Sơn Nam. Những nhạc sĩ như: Lư Nhất Vũ, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập... Các họa sĩ như: Nguyễn Hải Chí - bút danh Chóe, Trần Minh Dũng - bút danh Nhốp, Hà Xuân Hồng - bút danh Nop, cộng tác nhiệt tình, tạo nên nội dung phong phú đa dạng có chiều sâu, góp phần tạo nên thành công của tờ báo. Những cộng tác viên được Tổng biên tập rất trân trọng và cho rằng đó là sự giúp đỡ ân tình.

Ông luôn nhắc nhở Ban Biên tập và các trưởng ban phải kiến tạo, định hướng tiếp cận khai thác đề tài để đi đúng mục đích của tờ báo; tạo hành lang thông thoáng để phóng viên chủ động sáng tạo, khuyến khích phóng viên phát hiện đề tài, viết theo phong cách riêng nhằm tạo nên thương hiệu cho cây bút của họ.

Công tác xã hội - từ thiện cũng được ông cùng Ban Biên tập đặc biệt quan tâm. Sự hỗ trợ cho đồng bào khốn khó luôn được thực hiện một cách tích cực với bàn tay nhân ái vươn xa đến nhiều miền đất nước. Ông cũng là người cùng anh em xông pha đến những vùng khó khăn gian khổ. Còn nhớ, chiều 9-1-1991, Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh trực tiếp dẫn đầu đoàn cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung. Đây cũng là chuyến cứu trợ “mở hàng” cho hành trình xã hội - từ thiện của Báo CATP suốt những chặng đường tiếp theo. Khi tờ báo đang bước vào giai đoạn phát triển nhất.

Năm 1992, Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh về hưu theo quy định của ngành, nhưng ông vẫn viết bài và làm cố vấn cho báo. Dường như ông không nghỉ hưu mà vẫn đam mê với nghề cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Bây giờ, lớp phóng viên ngày ấy đã về hưu gần hết. Tôi cũng may mắn được tròn trịa với nghề. Nhắc lại chặng đường đã qua để mà nhớ, mà thương buổi đầu gian khổ và nghĩa tình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang