Nhớ người cộng sản trung kiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng: Trần Trọng Tân

Thứ Bảy, 05/08/2017 09:41

|

Ngày 4-8-2017 là ngày kỷ niệm 3 năm chú Hai Tân - đồng chí Trần Trọng Tân mãi mãi đi xa. Nhiều đồng chí, đồng đội, các cán bộ, ngành Tuyên giáo cả nước nói chung, Ban Tuyên giáo Thành ủy nói riêng vẫn luôn nhớ về chú Hai mến thương-người cộng sản trung kiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng!

Báo Công an TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Đồng chí Trần Trọng Tân phát biểu trong dịp Họp mặt cán bộ ngành Tuyên giáo năm 2010. Ảnh: T. Linh

Để viết, để hiểu sâu sắc về chú Hai Tân- đồng chí Trần Trọng Tân, có lẽ cần phải có nhiều công trình nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo khoa học của hậu thế, bởi sự nghiệp của ông đã vượt lên trên giới hạn bình thường và đạt đến tầm cao của trí tuệ, bản lĩnh, đức độ và niềm tin! Ông không chỉ là nhà cách mạng kiên định, kiên cường, bất khuất mà còn là nhà lý luận xuất sắc, một cây bút sắc bén, có tầm nhìn xa, trông rộng; là người Anh, người Thầy xuất sắc của nhiều thế hệ cán bộ, chuyên viên ngành Tuyên giáo. Trong cuộc sống đời thường, ông là người chồng mẫu mực, người cha nghiêm khắc nhưng bao dung, người đồng đội, đồng chí thủy chung, trong sáng…

Ông Trần Trọng Tân tên thật là Trần Trọng Hoãn, sinh năm 1926 tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong các phong trào cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới tròn 20 tuổi. 4 năm sau, với nhiều thành tích xuất sắc, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông luôn luôn là nhà cách mạng kiên trung, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, phần lớn thời gian ông gắn bó với công tác Tuyên giáo. Từ năm 1955 đến 1959, ông giữ chức vụ Vụ phó Vụ Huấn học thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư-Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng lý luận cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng. Do yêu cầu mới của cách mạng, ông được Đảng điều động vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1961 đến 1967, ông là Ủy viên Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp hoạt động bí mật tại Sài Gòn với nhiệm vụ Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, Bí thư Đảng ủy cơ sở cánh tuyên huấn nội thành, Bí thư Ban cán sự văn nghệ sĩ, Bí thư Ban cán sự báo chí ký giả nội thành. Năm 1969, ông bị địch bắt giam, tra tấn rất dã man và đày qua nhiều nhà tù-trong đó có “địa ngục trần gian Côn Đảo” với đủ mọi gian lao, cực khổ cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó, ông vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công tác Tuyên giáo với nhiều trọng trách: Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ biên Bộ sách “Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1930-1975”.

Trong lĩnh vực Tuyên giáo, ông thật sự là một người Anh, một người Thầy xuất sắc và đáng kính. Nhiều cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi không quên lời ông dạy: Nhiệm vụ chính của Tuyên giáo là tham mưu về công tác tư tưởng cho cấp ủy. Muốn tham mưu tốt phải biết nắm và nắm được tình hình tư tưởng. Có nắm đúng tình hình tư tưởng mới báo động, báo yên đúng cho cấp ủy Đảng trong lãnh đạo công tác tư tưởng. Làm công tác tư tưởng phải biết xây dựng lòng tin cho đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Có lòng tin trực giác, lòng tin trách nhiệm, lòng tin khoa học. Do vậy, ngành Tuyên giáo phải xây dựng lòng tin, trong đó xây dựng lòng tin khoa học phải được coi trọng hàng đầu. Giải quyết các vấn đề tư tưởng phải bằng phương pháp thuyết phục. Tư tưởng là điều suy nghĩ trong đầu óc người ta. Bằng mệnh lệnh hành chính cấm đoán, dựa vào pháp luật để xử phạt, bằng sức mạnh bạo lực cưỡng chế, có thể ngăn chặn được hành vi không đúng, nhưng không thể làm thay đổi được tư tưởng sai. Chính vì vậy công tác tư tưởng phải có tính thuyết phục, cả lý luận, tâm phục, khẩu phục, đức phục. Những lời tâm sự, chỉ bảo đó của chú Hai Tân quả thật vô cùng sâu sắc, vừa có Tâm, vừa có Tầm; là kim chỉ nam cho những người làm công tác Tuyên giáo hôm nay và cả mai sau!

Đồng chí Thân Thị Thư thăm đồng chí Trần Trọng Tân tại Bệnh viện Thống Nhất, ngày 28/11/2013. Ảnh: Trúc Giang

Với cán bộ, chuyên viên ngành Tuyên giáo, chú Hai Tân không chỉ là một trí tuệ lớn mà còn là một nhân cách lớn; một tượng đài để ngưỡng vọng và noi theo. Khi được phân công phụ trách công tác tuyên giáo của Thành phố Hồ Chí Minh, người đầu tiên tôi nghĩ đến là chú. Tôi liền tìm đến chú, báo cáo với chú và ngay lập tức được chú bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp tôi động lực vươn lên trong nhiệm vụ!

“Chú Hai”, “chú Hai Tân”…là những tên gọi trìu mến, thân thương mà các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung dành cho người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc Trần Trọng Tân. Điều đó không chỉ thể hiện tình cảm thân thương, yêu quý, kính trọng của thế hệ trẻ đối với ông, mà còn thể hiện cốt cách, tình cảm của ông dành cho mọi người, nhất là các chuyên viên, cán bộ trẻ của ngành Tuyên giáo.

Trong công tác chuyên môn cũng như sinh hoạt chi bộ, chú Hai Tân luôn nhẹ nhàng, thân ái, lý giải một cách khoa học, bài bản, có lý có tình. Vì thế, các vấn đề dù khó khăn, phức tạp đến mấy cũng đều được chú Hai giải quyết một cách nhanh chóng, rốt ráo. Không chỉ có các chuyên viên trẻ mà nhiều cán bộ lớn tuổi đời, nhiều tuổi Đảng cũng đã tìm đến chú để được nghe chú chỉ bảo, hướng dẫn một cách chân tình, chu đáo như đó là việc của chính chú!

Ngày 4-8-2014, đúng 3 ngày sau Ngày Truyền thống Ngành Tuyên giáo, chú Hai Tân đã vĩnh viễn ra đi. Hàng ngàn người đã đến viếng chú, trong đó có nhiều đồng chí, đồng đội đã “nếm mật, nằm gai” cùng chú, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM, các văn-nghệ sĩ…và cả những người chưa từng quen biết chú, họ đến thắp hương kính viếng chú vì: “nghe nói ông này là cộng sản kiên trung, có công với dân, với nước!”…

Toàn bộ tiền phúng viếng chú Hai đã được gia đình chú trao tặng lại cho các chương trình từ thiện-xã hội, giúp đỡ đồng đội, hỗ trợ quê hương…Nghĩa cử ấy của gia đình chú thật đẹp, đáng trân trọng biết bao. Chú Hai đã sống trọn vẹn với đất nước, quê hương, với gia đình, họ tộc, với đồng đội, đồng chí và với cả những người chú chưa từng quen biết đang có hoàn cảnh khó khăn; những học trò nghèo hiếu học ở quê hương Quảng Trị yêu thương của chú! Ở một nơi nào đó xa lắm, chắc chú Hai mỉm cười mãn nguyện, bởi gia đình chú đã làm đúng những điều chú tâm nguyện và phấn đấu suốt cả cuộc đời vì Nước, vì Dân-sáng trong trọn vẹn!

Đại tá Trần Trọng Dũng, con trai út của chú Hai Tân kể: Tối 31-7-2014, 5 ngày trước lúc vĩnh viễn đi xa, bệnh trở nặng, nửa đêm, trong cơn mê ông như muốn nói gì đó. Dũng hỏi: “Ba nói gì vậy, ba?” và ghé tai thì nghe ông thì thào, giọng rất yếu: “Ba đang suy nghĩ làm thế nào để phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền”. Anh Trần Trọng Châu-con trai đầu lo cho sức khỏe của ông nên can: “Thôi ba ơi, nghỉ ngơi, nghỉ ngơi thôi!”. Lát sau, lại nghe ông thì thào gì đó, Dũng ghé tai thì nghe ông nói rất nhỏ: “Ba đang suy nghĩ làm thế nào để đảng viên phát huy được việc tự ứng cử trong các đại hội Đảng”. Sau đó, ông lại nói về việc phải tìm giải pháp chống cho được chủ nghĩa cá nhân…

Chú Hai Tân- đồng chí Trần Trọng Tân là vậy! Suốt cả cuộc đời chú Hai đã cống hiến, hy sinh cho cách mạng, cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Cho đến những ngày cuối của cuộc đời, chú vẫn không ngừng trăn trở cho việc chung, cho Đảng, cho dân. Tấm lòng trong sáng, đức độ, trí tuệ và bản lĩnh cách mạng kiên cường của chú Hai là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập, noi theo!

https://www.thanhuytphcm.vn/tin-tuc/nho-nguoi-cong-san-trung-kien-nha-ly-luan-xuat-sac-c-791-1491835991

Bình luận (0)

Lên đầu trang