Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3:

Những bóng hồng yêu màu áo an ninh

Thứ Tư, 08/03/2017 07:59

|

Dịu dàng, mảnh mai nhưng không hề yếu ớt, những nữ học viên tại Trường ĐH An ninh Nhân dân (TPHCM) đã cho chúng tôi thấy được tinh thần "thép" trong một môi trường kỷ luật.

Họ, như những "đóa hoa" e ấp giữa rừng "gươm", qua sự trui rèn khắc nghiệt, đã dựng xây được ý chí kiên trung của một người lính vì nhân dân phục vụ.

Thẹn thùng những “đóa trà mi”

Nữ học viên đầu tiên chúng tôi được “diện kiến” là Lê Thị Tuyết Nhung (lớp T7B), với nét thẹn thùng còn in nguyên trên gò má. Nhung có lẽ là một học viên khá đặc biệt với chúng tôi vì không những là sinh viên có thành tích ấn tượng của trường, trước đây cô gái này từng có thời gian theo học ngành báo chí. Kể về hướng rẽ bất ngờ này, Nhung nói điều mơ ước của cô từ tấm bé. “Hồi nhỏ em luôn mơ ước khi lớn lên, một ngày nào đó sẽ được khoác lên mình bộ quân phục an ninh. Nhưng duyên chưa tới nên học ngành báo chí ở Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 trong vòng 3 năm ròng rã” - Nhung thủ thỉ.

Một trong những động lực khiến Nhung quyết tâm theo đuổi con đường binh nghiệp chính là người cha, một cảnh sát gương mẫu, và cũng là thần tượng của cô. Cuối cùng, ước mơ đã trở thành hiện thực. Năm 2010, ngành an ninh chính thức tuyển nữ sinh. Không để cơ hội vụt mất, Nhung cố gắng rèn luyện, thi đỗ vào Trường Trung cấp An ninh, sau đó về công tác tại Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Ninh Thuận. Đó cũng là bước đệm đầu tiên để cô gái nhỏ nhắn bước tiếp con đường học tập khi chính thức trở thành học viên của Trường Đại học An ninh Nhân dân vào năm 2014.

Khác với hoàn cảnh của Nhung, câu chuyện của Vũ Thị Ánh (lớp D24D1) để lại nhiều nước mắt. Ánh quê ở tận miền núi rừng sơn cước Đắk Nông và là chị cả trong một gia đình khó khăn. Mê màu áo công an, Ánh đã âm thầm ôn luyện để thi vào ngành an ninh. Mọi nỗ lực của cô gái cuối cùng cũng được đền đáp, ngày công an tỉnh thông báo trúng tuyển, ai cũng vỡ òa trong hạnh phúc.

Ấy vậy mà cuộc sống đầy trớ trêu khi năm đầu tiên chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học, Ánh nhận được hung tin: mẹ bị một khối u ác tính. Kể từ đó, Ánh phải tập làm quen với cuộc sống mà ở nơi đó cô luôn phải tự động viên để vượt qua nghịch cảnh.

“Mỗi lần nghe ba gọi vào tâm sự, nghe về những cơn đau của mẹ, em chỉ biết chảy nước mắt. Phải cố gắng, cố gắng hơn nữa để học tập. Chỉ có như vậy mới là niềm vui cho ba mẹ lúc này” - Ánh nói xong, mỉm cười với chúng tôi nhưng tự khi nào, giọt nước mắt của cô đã lăn dài trên gò má.

Ở Trường Đại học An ninh Nhân dân, nữ sinh chiếm chỉ 10% tổng số học viên. Thời điểm hiện tại, trường có 401 học viên nữ; trong đó 69 học viên vừa trúng tuyển trong năm nay. Mỗi “đóa trà mi” là một câu chuyện, một hoàn cảnh. Khi bước vào môi trường mới mang tính rèn luyện đầy khắc nghiệt, hầu hết các nữ sinh đều không tránh khỏi những bỡ ngỡ, thẹn thùng. Nhưng nhờ được sự dạy dỗ, huấn luyện và động viên tận tụỵ từ các thầy cô, các em đều biết cách vượt qua khó khăn.

“Chất thép” ở thao trường

Buổi trưa 7-3, trên thao trường, giữa cái nắng bỏng rát trước mắt chúng tôi là hàng chục học viên đang trong giờ học võ thuật. “Tất cả chuẩn bị thực hiện đòn phản công kẹp cổ” - sau tiếng hô của thầy Trần Kiên (giáo viên bộ môn Quân sự - Võ thuật), tiếng hét chắc nịch được đồng thanh vang lên. Những chàng trai có thân hình rắn chắc bị các cô gái với dáng vẻ “liễu yếu đào tơ” quật ngã một cách nhanh gọn, dứt khoát.

Đó là một màn biểu diễn ấn tượng của lớp DT19. Đây có lẽ là một lớp học đặc biệt, vì 100% học viên đều là con em các dân tộc thiểu số. “Ở đây, các học viên nữ nắm bắt kiến thức võ thuật rất nhanh và không bao giờ ngại va chạm để thi triển một động tác mà thầy giáo yêu cầu” - thầy Trần Kiên nói.

Nhìn những gì đã diễn ra và cả đánh giá của thầy Kiên về “độ lì” của các nữ học viên ở ngôi trường này, có vẻ như một vài người đàn ông trong nhóm chúng tôi có phần nao núng. Ít ai biết được, để trưởng thành trong môi trường an ninh, các nữ sinh đã phải vượt qua nhiều thử thách đầy chông gai, từ học tập đến điều lệnh, võ thuật, bắn súng, ném lựu đạn... Tựu trung lại, đã là một người lính an ninh, ở trong môi trường của lính thì “nam nữ bình quyền”. Và dĩ nhiên, sẽ chẳng có sự ưu ái hay phân biệt đối xử nào, tất cả đều như nhau.

Điều đáng nói là trước những thử thách đó, các học viên nữ ở đây vẫn ung dung đón nhận theo cách sòng phẳng nhất với các nam sinh. “Mấy ngày đầu dang nắng ra thao trường, con gái như tụi em nhăn mặt. Có đứa đêm về thút thít khóc, than nhớ gia đình. Thế mà chỉ ngay buổi sáng hôm sau, các bạn đã dũng mãnh cầm súng nhắm trúng mục tiêu, so kè với các bạn nam khác” - Hoàng Thị Thu Thảo (lớp DT19) tâm sự.

Điều Thảo nói không chỉ là câu chuyện vui, vì trên thực tế, không kém cạnh các học viên nam, nữ sinh tại Trường Đại học An ninh Nhân dân đã gặt hái được khá nhiều thành tích. Không những cứng rắn, sắc bén trên thao trường bụi bặm, tập thể các nữ sinh, cô giáo, Hội Phụ nữ tại Trường Đại học An ninh Nhân dân còn đi đầu trong nhiều phong trào, kế hoạch thi đua, chương trình phúc lợi xã hội đầy bổ ích, nhân văn.

“Nhìn mấy bạn nữ mảnh khảnh vậy thôi chứ khi đã bắt tay vào việc thì đâu ra đó. Ở ngôi trường này, ngoài các bạn nữ nằm trong đội tuyển bắn súng có thành tích ấn tượng thì hội phụ nữ cũng là lực lượng hoạt động rất hiệu quả. Phụ nữ coi vậy chứ khi đã phát huy điều gì rồi thì có lúc nam giới theo không kịp” - thiếu tá Trương Thị Hà Chi, Phó trưởng Phòng Quản lý học viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, nói chắc nịch.

Tình yêu màu áo an ninh

Mặt trời xuống bóng, tiếng kẻng báo hiệu tiết học cuối cùng trong ngày kết thúc. Những chàng trai, cô gái mặc sắc phục, trật tự rời lớp học. Tiếng kẻng, bao năm qua, đã là dấu ấn của biết bao lớp học viên ở ngôi trường truyền thống này, nhất là với các bạn nữ. “Hồi mới vào trường, tất cả đều theo tiếng kẻng, không được chậm trễ, con gái tụi em phải gồng mình tập làm quen với nó. Sợ lắm! Đêm ngủ cũng bị giật mình vì mơ kẻng báo hiệu. Giờ thích nghi được rồi, về thăm nhà có khi lại nhớ nó” - Nguyễn Thảo Vy (lớp D25D2), bộc bạch.

Trong trường, Vy là một học viên giỏi, được nhiều bạn bè, thầy cô yêu quý. Quê ở tận miền Trung nắng gió, nhưng cũng như bao bạn khác ở ngôi trường này, Vy đến đây vì ước mơ trở thành một nữ CAND. “Hồi mới vào chưa được cấp quân phục, nhìn mấy anh chị trong trang phục người lính đi qua, em cứ trầm trồ mãi. Tới ngày khai giảng, lần đầu tiên khoác lên mình bộ quân phục, em hạnh phúc lắm” - Vy thổ lộ.

Chắc hẳn không chỉ riêng Vy mà tất cả những học viên ở ngôi trường này, màu áo an ninh luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng, khó diễn tả hết bằng lời. Và đối với học viên nữ, màu áo đó với họ còn là ý thức về trách nhiệm, về một tình yêu. “Khi đã khoác lên mình bộ quân phục của người CAND, đồng nghĩa với việc chúng em gánh vác trên vai trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân. Hơn ai hết, những con người trẻ như em ý thức được những gì cần phải làm sau này để dựng xây đất nước” - Dương Thị Ngọc Thoa (học viên người Khơ-Me, lớp DT22), tự nhủ.

Chạng vạng tối, chúng tôi chuẩn bị cất bước ra về thì gặp lại Vũ Thị Ánh, cô nữ sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Cầm đóa hoa trên tay, Ánh tiết lộ đây là món quà do người yêu tặng nhân ngày 8-3. “Anh ấy đang thực tập. Em sẽ cố gắng học thật tốt, thật tốt!” - Ánh nở nụ cười tươi, tự hứa với lòng mình. Cổng Trường Đại học An ninh hôm nay rạng ngời những bó hoa tươi thắm. Tình yêu thời đại học và tình yêu màu áo lính, đó là bức ảnh tuyệt đẹp mà chúng tôi có được ngày hôm nay.

Trường Đại học An ninh Nhân dân tiền thân là Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam (thành lập ngày 9-10-1963). Trải qua bao tháng năm, các thế hệ thầy và trò của trường đã nỗ lực, không ngừng vươn lên. Từ ngôi trường thân yêu này, nhiều tấm gương hòa vào nhân dân, bảo vệ bình yên cho nhân dân góp phần giữ vững an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường còn phát huy nhiều phong trào thi đua. Một “nét son” trong công tác này chính là hoạt động hiệu quả của Hội Phụ nữ Trường Đại học An ninh Nhân dân. Trong năm 2015 - 2016, Hội Phụ nữ của trường đã gặt hái được khá nhiều thành công, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Đội tuyển bắn súng nữ của trường luôn đạt thành tích trong các hội thi, khiến cho các sinh viên nam vô cùng ngưỡng mộ. Những cố gắng này đã góp phần đưa Trường Đại học An ninh Nhân dân trở thành ngôi trường đào tạo lực lượng an ninh hàng đầu tại miền Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang