“Sự cố” sách giáo khoa: Đã sai thì bắt buộc phải sửa

Thứ Ba, 03/11/2020 22:46

|

(CAO) “Bất luận thế nào, sách để dạy cho trẻ phải được cân nhắc một cách thận trọng” – đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu quan điểm.

Tại phiên thảo luận trên diễn đàn Quốc hội hôm nay (3/11), “sự cố” về sách giáo khoa (SGK) đã được đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề cập đến.

Nhắc lại lộ trình xây dựng, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới do Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra cuối năm 2018, đại biểu Hải lo ngại khi ngay giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau, đa phần là phản ánh những hạt sạn ngay chính trong SGK, tài liệu để thực hiện giáo dục mà một số trường lựa chọn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu ý kiến tại phiên thảo luânj

“Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này đến từ việc quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung SGK của Hội đồng thẩm định quốc gia, vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong việc thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn SGK của các địa phương để thực hiện lộ trình Bộ Giáo dục đề ra” - đại biểu Hải nhìn nhận.

Từ góc nhìn của một đại biểu công tác trong ngành giáo dục, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cảm thấy rất tiếc về sự cố này.

“Quan điểm của tôi là SGK đã sai thì bắt buộc phải sửa, không thể để thế một hệ học sinh trẻ của chúng ta phải học SGK sai sót như vậy” - bà Thảo nhấn mạnh.

Đối với các bộ SGK lớp 1 đang lưu hành trên thị trường, đại biểu Thảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục – đào tạo tạm dừng thực hiện, khẩn trương rà soát toàn bộ. Đối với từng môn học cần thành lập một hội đồng thẩm định cấp quốc gia với tất cả các thành viên mới hoàn toàn, thẩm định lại khách quan, minh bạch, từng bài học, từng nội dung.

“Chỉ khi nào được xác định chính xác thì mới cho SGK vào sử dụng nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội” – bà Thảo nhấn mạnh.

Vẫn theo đại biểu Thảo, để thực hiện thẩm định lại cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ biên soạn, thẩm định, đến phê duyệt để ban hành. Việc quy trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền cần xem xét từng khâu để làm rõ mức độ sai sót, vì pháp luật đã có đầy đủ quy định để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân khi có dấu hiệu sai phạm.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị tổng rà soát lại toàn bộ SGK

“Khi một bộ SGK chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn, không còn là nội bộ trong ngành giáo dục. Nó có đối tượng chịu trác động rất rộng, từng học sinh, phụ huynh, tới nhà trường, địa phương và kéo theo sự vào cuộc của nhiều cơ quan” - bà Thảo nhận định.

Do đó, để khắc phục, đại biểu của Nam Định dự kiến sẽ tốn kém về tiền của, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản, cá nhân, tổ chức, tới tài sản của nhà nước. Vì thế, để tránh gây bức xúc trong nhân dân, đại biểu cho rằng cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.

“Trẻ lứa tuổi bắt đầu học tiểu học như một tờ giấy trắng, thầy cô, cha mẹ đang tô vẽ những nét đầu đời sơ khai trên tờ giấy ấy. Bất luận thế nào, sách để dạy cho trẻ phải được cân nhắc một cách thận trọng” – nữ đại biểu lưu ý và hy vọng trong khả năng có thể, nên tập trung tổng rà soát các bộ SGK này nhằm rút kinh nghiệm để thực hiện tốt trong năm học này và cho các năm học tiếp theo.

Cũng liên quan đến việc này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá, SGK là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, bất an, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường, học sinh và phụ huynh.

“Chúng ta sẽ làm gì và phải làm gì để xử lý vấn đề này?” – ông Thưởng nêu câu hỏi và cho biết, nhiều phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục - Đào tạo hãy biên soạn một bộ SGK chuẩn vì SGK là tài liệu dạy và học của quốc gia, phải thống nhất toàn quốc.

“Nếu mở rộng xã hội hóa biên soạn SGK như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết được” – ông Thưởng lo ngại.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình tại phiên họp

Được mời giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, qua kiểm tra, Bộ GDĐT nhận thấy nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 là một trong 46 sách có những ngữ liệu chưa thật phù hợp.

“Chúng tôi đã yêu cầu ngay Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và hiện đang chỉnh sửa cho phù hợp với ngữ liệu và tâm lý lứa tuổi lớp 1” - ông Nhạ thông tin.

“Tư lệnh” ngành giáo dục chia sẻ, kinh nghiệm các lần thay sách trước cũng như kinh nghiệm thế giới thì SGK được hiệu đính và chỉnh sửa thường xuyên, phù hợp với thực tiễn chứ không phải ban hành xong là thôi.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả phải rà soát lại và căn cứ vào thực tiễn 1 năm thì Bộ GDĐT cho tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện SGK” – ông Nhạ nói, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy tiến hành rà soát để SGK được hoàn thiện hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang