Thấy gì qua việc Trung Quốc đưa lực lượng dân quân biển tiến vào Biển Đông?

Thứ Bảy, 27/03/2021 13:02

|

(CATP) Sự kiện Trung Quốc (TQ) tăng cường hiện diện của lực lượng dân quân biển (PAFMM) ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền Việt Nam (VN) tại quần đảo Trường Sa đang làm dấy lên mối quan ngại về khả năng nước này triển khai xây dựng tại các thực thể chưa có người ở trên Biển Đông (BĐ), tương tự như kịch bản TQ chiếm đóng đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) năm 1995 (khi đó đang do Philippines kiểm soát trái phép). Mặc dù phía TQ tuyên bố các tàu đánh cá này đang trú đóng "vô hại" để tránh điều kiện thời tiết xấu và phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc về việc chiếm đóng trái phép, nhưng các thông tin trên thực địa lại hoàn toàn trái ngược với lập luận của Bắc Kinh.

Thông số thực địa bác bỏ lập luận "vô hại" giả hiệu của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh ngày 22-3 đã trả lời báo chí rằng "một số" tàu đánh cá của TQ chỉ "trú tránh gió” ở bãi Oxbow (đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong khu vực quần đảo Trường Sa của VN) mà TQ tự nhận là "một phần quần đảo Nam Sa" và nhấn mạnh đây là điều "khá bình thường". Tuy nhiên, tất cả thông tin này đều trái ngược với thực tế về chủng loại, số lượng tàu và sự bất thường liên quan đến mục tiêu trú đóng.

Về chủng loại, đây không phải tàu cá thông thường, mà là các lớp tàu cá vỏ thép cỡ lớn (hơn 84 tàu giống mẫu FT-16 WAG theo tài liệu của Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ) đóng năm 2016 để giao cho lực lượng dân quân biển của TP.Tam Sa (còn gọi là "các tàu Tam Sa"). Nên nói cách khác, đây không phải tàu cá thông thường dùng để khai thác hải sản, mà là các lớp tàu cá giả trang có thể được vũ trang hạng nhẹ, chuyên phục vụ công tác hộ tống cho các tàu xây dựng, chuyên chở vật liệu trong chiến thuật "tác chiến vùng xám" của TQ.

Về số lượng, các tàu cá vỏ thép cỡ lớn này không chỉ giới hạn ở "một số" mà thực tế lên đến 220 tàu (ngày 21-3) tập trung thành 2 nhóm đóng bên ngoài và ven bờ khu vực đầm phá của bãi đá Ba Đầu. Ảnh vệ tinh còn cho thấy các nhóm tàu này không trú đóng riêng lẻ mà neo đậu gắn kết thành từng chuỗi, thể hiện ý muốn trú đóng lâu dài. Sau khi bị phản đối, số tàu giảm xuống còn 183 vào ngày 22-3, vẫn lớn hơn rất nhiều so với số tàu cá TQ vây đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền VN nhưng Philippines chiếm đóng trái phép) vào quý I - 2019 (hơn 50 tàu) và quý I - 2020 (113 tàu).

Về mục tiêu trú đóng, thời điểm trú đóng của các "tàu cá” TQ được phát hiện từ ngày 7 đến 21-3 trong điều kiện thời tiết ổn định, nhiều nắng ở khu vực biển xung quanh cụm Sinh Tồn. Các tàu này cũng không đánh bắt cá, mà chỉ trú đóng cố định và bật đèn sáng rực vào ban đêm. Do đó, rõ ràng mục tiêu trú đóng không chỉ để "tránh gió” như phía TQ lập luận.

Hình ảnh các tàu dân quân biển Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu Ảnh: NTF-WPS B.H.Đ

Chuỗi hoạt động kiên trì khẳng định chủ quyền của Việt Nam

Trên thực tế, xét về cơ sở pháp lý vững chắc của VN ở cụm Sinh Tồn, vị trí chiến lược của đá Ba Đầu và các hoạt động xâm phạm của TQ ở đá Ba Đầu trước đây, VN đã sớm nhận ra và chủ trương tăng cường theo dõi chặt chẽ các động thái bất thường của TQ ở rạn san hô này.

Thứ nhất, VN đã quản lý liên tục trên cụm đảo Sinh Tồn từ năm 1974 (đối với đảo Sinh Tồn) và năm 1978 (đối với đảo Sinh Tồn Đông), 2 đảo này đều là các thực thể nổi được phép mở lãnh hải 12 hải lý bao gồm toàn bộ cụm đảo Sinh Tồn. Do đó, đá Ba Đầu là rạn san hô - thực thể nửa chìm nằm trong phạm vi 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông nên có căn cứ pháp lý thuộc chủ quyền cụm Sinh Tồn của VN hơn là lập luận từ phía TQ (thuộc 12 hải lý của đá Huy Gơ do TQ chiếm đóng trái phép từ năm 1988 sau khi VN kiểm soát hòa bình đảo Sinh Tồn và đảo Sinh Tồn Đông). Do đó, VN hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các thực thể trong cụm đảo Sinh Tồn.

Thứ hai, đá Ba Đầu là rạn san hô có vị trí chiến lược quan trọng nằm trong cụm đảo Sinh Tồn của khu vực trung tâm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Với diện tích đầm phá khoảng 10,89km2, đá Ba Đầu là rạn san hô có góc nhọn hướng về phía Đông Bắc là đê chắn sóng tự nhiên, có thể bảo vệ tốt trước gió mùa Đông Bắc mạnh ở BĐ vào mùa đông và là nơi trú ẩn tự nhiên tốt nhất tại cụm đảo Sinh Tồn. Đây cũng là thực thể không có người ở mà phía TQ có thể tiếp cận được dễ hơn vì đang kiểm soát trái phép đá Huy Gơ gần đó và dù đá Ba Đầu nằm trong tầm kiểm soát của 2 thực thể do VN quản lý là đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông nhưng so với đá Én Đất và bãi Bàn Than ở cụm Nam Yết hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của đá Núi Thị, đảo Sơn Ca và đảo Nam Yết của VN thì vẫn hơn.

Thứ ba, TQ đã thực hiện nhiều hoạt động xâm phạm đá Ba Đầu từ các năm 1992 (dự định đổ bộ) cho đến 2014 (thả vật thể lạ đóng vai trò phao chủ quyền), 2016 (neo đậu tàu lớn và thả các tốp ngư dân đi thuyền nhỏ vào đánh bắt hải sản) nhưng đều bị Hải quân VN cử các xuồng chủ quyền ra xua đuổi, thu hồi vật thể lạ. Việt Nam còn duy trì động thái chống tiếp cận các đảo không người như vậy ở đá Én Đất, bãi Bàn Than..., qua đó thấy rõ các thủ đoạn tái diễn từ phía TQ.

Tiếp tục công cuộc "trường kỳ kháng chiến" trên Biển Đông

Trong bối cảnh cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) đang bước vào giai đoạn nước rút 2021, việc TQ tăng cường tối đa nỗ lực để thay đổi thực địa thông qua 3 chuỗi hoạt động: dùng "chiến thuật vùng xám" chiếm đóng các thực thể không người ở; đơn phương áp đặt luật pháp hàng hải quốc nội của TQ lên thực địa ở BĐ và tăng cường hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo mà TQ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa sẽ tạo thêm loạt động thái nguy hiểm, mang tính quyết đoán và ảnh hưởng đến nguyên trạng ở vùng biển chiến lược này.

Do đó, động thái bao vây đá Ba Đầu bằng tàu cá vỏ sắt của TQ lúc này chỉ là một trong số nhóm động thái mà Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai quy mô đồng thời mở rộng ra nhiều mục tiêu khác trong giai đoạn từ đây đến hết năm 2021. Tuy nhiên, càng triển khai, TQ càng thể hiện sự túng thế, mất uy tín và vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như bị phản ứng dư luận khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt. Việt Nam với chủ trương vững chắc về pháp lý, chủ động trên thực địa và đa phương hóa, đa dạng hóa các phương án ứng phó chủ động với TQ, sẽ tiếp tục duy trì thế chính nghĩa để phát huy tối đa công cuộc trường kỳ khẳng định chủ quyền của mình trên BĐ.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang