Tính nhân dân của Công an nhân dân

Thứ Tư, 18/01/2023 20:41

|

(CATP) Đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND), lúc sinh thời Bác Hồ đã dày công chăm lo, giáo dục, rèn luyện và để lại hệ thống tư tưởng chỉ đạo quý báu, giàu tính giáo dục, mãi mãi là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động, công tác, chiến đấu cho lực lượng CAND. Trong đó, Người luôn luôn nhấn mạnh tính nhân dân của người chiến sĩ công an.

Năm 2023, là thời điểm lực lượng CAND kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ có 6 điều dạy tư cách người Công an cách mạng. Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, sau đó lan rộng, giành thắng lợi trong cả nước, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng CAND được thành lập ở cả ba miền, có chung nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cách mạng Tháng 8 thành công, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, ngày 11-3-1948, cùng với 6 điều dạy về tư cách người Công an cách mạng, Người đã nhấn mạnh: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Khi đến thăm và nói chuyện tại Trường Công an Trung cấp khóa II, năm 1951, Người chỉ dạy: “CAND hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp, áp bức đa số nhân dân... CAND phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân”. Tất cả, Người đều chú trọng đến tính nhân dân của người chiến sĩ công an, vì dân chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ.

6 điều Bác Hồ dạy CAND trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ học tập suốt đời

6 điều dạy về tư cách người Công an cách mạng mà cho đến hôm nay và cả mai sau vẫn vẹn nguyên giá trị: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/ Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Đó cũng chính là tư tưởng, là kim chỉ nam, là mạch nguồn xuyên suốt để lực lượng CAND phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Những chuẩn mực đạo đức đó của người Công an cách mạng cho đến nay càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt.

Suốt chiều dài lịch sử của lực lượng CAND, dưới sự lãnh đạo của Đảng, CAND đã thực sự là “lá chắn” và “thanh bảo kiếm” bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tổ quốc và trong xây dựng chế độ mới, phát triển kinh tế sau này.

“Lá chắn” và “thanh bảo kiếm” ấy được thể hiện trong công tác đặc biệt phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Năm 2021, TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam đã trải qua dịch Covid-19 lần thứ 4, có thể xem là trận đại dịch lớn nhất chưa có tiền lệ mà nước ta phải gánh chịu.

Vì thế, cả nền kinh tế, xã hội phải chật vật để đối phó, đặc biệt ở TPHCM và các tỉnh phía Nam “Chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ nhất, trong đó lực lượng CAND đóng vai trò nòng cốt, huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lao vào các hoạt động chống dịch ngay ở những tuyến đầu khốc liệt nhất, chấp nhận hy sinh để góp phần cả nước đẩy lùi được đại dịch, đem lại cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Trong cuộc chiến không tiếng súng này đã có nhiều chiến sĩ công an hy sinh nhưng không làm chùn bước chân người chiến sĩ công an.

Hình ảnh người chiến sĩ công an trong những ngày TPHCM bị phong tỏa, đường phố không một bóng người, chỉ có bóng ma Covid-19 đang đe dọa cả tính mạng của chính những người chiến sĩ, nhưng họ vẫn đến với nhân dân, mang từng ký gạo, thực phẩm đến với dân; đưa người dân đi cấp cứu; canh phòng từng con hẻm để giữ gìn an ninh trật tự… Những hình ảnh đó đã làm yên lòng người dân, thể hiện tính nhân dân cao độ của từng chiến sĩ, dù trong đại dịch đã có ít nhất 17 chiến sĩ công an hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Ở mặt trận nào người chiến sĩ CAND cũng chấp nhận hy sinh. Trong cuộc đấu tranh gian khổ, nguy hiểm với tội phạm ma túy chẳng hạn, cho đến nay đã có 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng CAND, bộ đội biên phòng, người dân đã hy sinh, hơn 700 đồng chí bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Họ chấp nhận hy sinh vì thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ: “CAND phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của mình”.

Chấp nhận hy sinh thôi chưa đủ, người chiến sĩ công an phải tự rèn mình trước mọi cám dỗ. Tại lớp nghiên cứu khóa I và lớp bổ túc khóa VI Trường Công an Trung ương, ngày 25-02-1958, Người nhấn mạnh: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong còn khó khăn hơn. Vì vậy, phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy”.

“Đánh địch bên trong” không chỉ với địch, mà với ngay trong con người của chiến sĩ công an, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh chưa từng có, kéo theo là những cám dỗ vật chất mà nếu không tự rèn luyện, hậu quả sẽ rất lớn.

Đó là một ý tưởng sâu sắc trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND. Người yêu cầu chiến sĩ công an phải cống hiến, tu dưỡng, rèn luyện, chuẩn mực đạo đức, lối sống, đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời cũng là “đạo đức Hồ Chí Minh, là đạo đức cách mạng, phẩm chất cao quý của người cách mạng. Đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của dân”.

Với lực lượng Công an nhân dân TPHCM, học tập tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là làm tốt nhiệm vụ “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; là thực hiện tốt nhất huấn thị 6 điều tư cách người Công an cách mạng mà cho đến hôm nay và cả mai sau vẫn vẹn nguyên giá trị.

Đó cũng là yêu cầu thực hiện tính nhân dân trong lực lượng CAND. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang