TPHCM: Cho ý kiến Đề án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường

Thứ Sáu, 24/07/2020 20:18  | Lê Ngân

|

(CAO) Ngày 24-7,Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 43.  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hội nghị lần này đánh giá lại kết quả 5 năm qua và đề ra những công việc tổ chức thực hiện cho 5 năm tới. Một trong những nội dung của hội nghị là cho ý kiến về Đề án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường trên địa bàn TP.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu dự hội nghị

Nhiều công việc sẽ nhanh hơn nếu không có HĐND cấp quận, phường

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2019 qua trao đổi, Bộ Chính trị đã cho phép với Luật tổ chức, chính quyền địa phương mới, quy định cấp quận, phường có thể không tổ chức HĐND nhưng phải có đề án để Quốc hội xem xét thông qua. Quốc hội đã cho phép TP.Hà Nội ở cấp phường không có HĐND và cũng đã thông qua TP. Đà Nẵng cho phép không có HĐND cấp quận, phường.

Theo chương trình TPHCM đã chuẩn bị từ trước, hướng đến chính quyền đô thị, trên cơ sở đã trao đổi với một số cơ quan trung ương như Bộ Nội vụ, UBND TP đã trình Thường vụ và Thường vụ cho ý kiến hôm nay để nghe đề án. Nội dung này TP đã làm 7 năm trước (từ năm 2009 đến năm 2016 theo chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường của Quốc hội) và cũng đã có kết quả.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ưu điểm khi không tổ chức HĐND ở các quận, phường là nếu chỉ có HĐND cấp TP những Nghị quyết của HĐND về phát triển TP cả về quy hoạch và ngân sách phải định hướng sát tới quận và hình thành dự án có yếu tố phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính địa phương sẽ thực hiện Nghị quyết HĐND cấp TP và chỉ đạo của UBND TP; đòi hỏi trong quá trình chuẩn bị các quyết định cấp TP phải sát cơ sở và khi quyết định không phải qua khâu trung gian. Như vậy, việc chuẩn bị từ trước sẽ thực hiện nhanh hơn.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân thông tin, hiện ở TPHCM, tất cả các dự án hạ tầng đều được cấp quận, phường thực hiện. Nếu chia từng khúc đường ra cho quận quyết định đoạn của mình, quận khác cũng phải có quyết định nối đầu ra, đầu vào với đường giao thông đó… Với những loại vấn đề này, thì cấp TP quyết định một lần và làm một lúc sẽ đồng bộ, và triển khai nhanh hơn.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh cơ quan quyết định về chính sách của TP chỉ có 1 cấp quyết định ngay; đồng thời, việc sửa, làm mới các tuyến đường được quyết định ở cấp TP thì ở dưới sẽ làm ngay, không phải bàn lần lượt từ cấp phường, quận rồi trình lên TP.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Liên quan vai trò giám sát của người dân với chính quyền khi thực hiện mô hình trên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, với tinh thần đại biểu HĐND cấp TP sẽ giám sát tới từng phường. Còn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện quyền giám sát quyết liệt hơn và có cơ hội khẳng định vị trí tốt hơn. Vai trò đại diện của người dân và quyền giám sát của nhân dân thông qua mặt trận. Như vậy, dù bỏ 2 cấp HĐND quận, phường nhưng dân chủ vẫn được duy trì, thậm chí còn tốt hơn, quyết định hành chính nhanh hơn, hiệu quả, toàn diện hơn. Đồng chí yêu cầu, nội dung này phải được làm quyết liệt để tháng 10 trình Quốc hội.

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành ủy đã có hội nghị chuyên đề sơ kết kết quả thực hiện chương trình, qua đó, nhiều nội dung chính của chương trình được tăng tốc quyết liệt nhưng đến tháng 12/2020, TPHCM vẫn còn có nguy cơ không hoàn thành hết chương trình.

Đồng chí cho rằng, sau năm 2020, TPHCM tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới nhưng phải được cải tiến. Hiện TPHCM còn 5 huyện, nhưng tổng số người làm nông nghiệp chỉ 52.000 người (trong tổng số gần 10 triệu dân TP). Trong xu hướng trong 10 năm tới, nhiều huyện có triển vọng sớm lên quận, thậm chí sớm là 5 năm. “Chúng ta phải xây dựng nông thôn mới nhưng phải là hướng tới là đô thị văn minh” – Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tìm động lực mới cho TPHCM phát triển

Về đề án thành lập TP phía Đông, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 quận: Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức được tách ra từ huyện Thủ Đức trước đây. Chỉ số tăng trưởng 3 đơn vị thời gian qua rất tốt nhưng vẫn không có liên kết tốt giữa 3 quận. Ba năm qua với góc độ tìm động lực mới cho phát triển TP, nơi có trọng tâm cho cách mạng công nghệ 4.0.

Thường vụ đã báo cáo Ban Chấp hành về chủ trương và đã tổ chức thi quốc tế về ý tưởng về khu thị sáng tạo phía Đông TP. Ở đây có các yếu tố khác nhau nhưng có tác động hình thành các động lực tăng trưởng mới của TP. Đây là nơi có cường độ ứng dụng công nghệ cao nhất cả nước; cường độ đào tạo, nghiên cứu cao nhất cả nước; có Khu Đô thị mới, Trung tâm tài chính tại Quận 2. Ba yếu tố này tác động lại, tạo nên vùng tăng trưởng mới. Từ yêu cầu hình thành khu động lực thống nhất tương tác cao phải hình thành 1 đơn vị mới không thể 3 đơn vị như hiện nay.

Với quy mô diện tích đất rất lớn là 22.000 ha, bằng 1/10 diện tích TP; dân số khoảng trên 1 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế TP, đơn vị mới phải là TP không thể là quận và TP này sẽ có HĐND theo quy định của pháp luật.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, một nội dung quan trọng khác được thảo luận tại hội nghị là việc xem xét thông qua Nghị quyết tiếp tục đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Liên quan vấn đề này, năm 2002, HĐND TP đã có Nghị quyết nhưng từ đó đến nay, cấp ủy chưa có nghị quyết về vấn đề này. Tình hình bây giờ cho thấy cần có nghị quyết để tập trung giải quyết các bất cập xuất hiện trong thời gian vừa qua và xác định hướng đi hợp lý trong thời gian tới.

Về Thủ Thiêm, TP đã bồi thường, giải tỏa được gần 14.000 hộ dân, cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng; đồng thời triển khai xây dựng một số cơ sở hạ tầng, như 4 con đường cùng một số hạ tầng khác. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xử lý các tồn tại, như qua kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cần có nghị quyết tập trung khoanh những vấn đề cũ, tập trung giải quyết tồn tại, đồng thời xác định lộ trình thực hiện trong giai đoạn sắp tới.

Tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã trình bày tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP về đề án không tổ chức HĐND ở các quận, phường trên địa bàn TP; Đề án thành lập TP phía Đông; báo cáo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP giai đoạn 2016- 2020 và phương hướng nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 2021 -2025.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trình bày tờ trình của Ban cán sự đảng UBND TP về dự thảo Nghị quyết tiếp tục đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang trình bày tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy về tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 -2025

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban vận Thành ủy TP Nguyễn Hữu Hiệp trình bày tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy về dự thảo báo cáo tổng kết chương trình hành động số 10 ngày 17/8/2016 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về công tác dân vận.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải trình bày tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy về dự thảo báo cáo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy khóa X, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Bình luận (0)

Lên đầu trang