An ninh mạng: Vấn đề không của riêng ai

Chủ Nhật, 07/02/2021 11:13

|

(CATP) Việt Nam hiện xếp thứ 20 trên thế giới về nguy cơ bị tấn công bởi các phần mềm độc hại, đứng thứ 8 trên thế giới về nguy cơ bị tấn công bởi các mã độc và vẫn luôn phải đối mặt với tình trạng thông tin người dùng Internet bị chiếm đoạt, các thông tin tuyên truyền xuyên tạc, kích động trên Internet với mục đích chống phá, gây bất ổn xã hội tràn lan.

Ngày nay, không gian mạng đã trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển đảo, vùng trời, vũ trụ, là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh mạng của nước ta luôn là vấn đề trọng tâm, được Đảng, Chính phủ và ngành Công an liên tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội... Trong khi đó, công tác đảm bảo an ninh mạng, bảo mật thông tin cho các hoạt động trực tuyến này hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng và nhận thức của người sử dụng Internet ở nước ta còn hạn chế.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nền tảng, tạo cơ sở cho nước ta tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phát triển kinh tế số thông qua quá trình trao đổi số hiệu quả, an toàn. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực triển khai “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức

Để làm được điều này, Bộ Công an là đơn vị nắm vai trò tiên phong, có nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm hoàn thiện hơn nữa Luật An ninh mạng. Nhiệm vụ này được đánh giá là hết sức quan trọng và cấp bách, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển, ứng dụng Internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng (chiếm khoảng 70% dân số), hơn 145 triệu thiết bị di động kết nối Internet.

Không thể phủ nhận là ngày nay, Internet và mạng xã hội (MXH) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam, nhất là khi nhu cầu kết nối, chia sẻ trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Điều này không nằm ngoài xu thế phát triển của thế giới khi hiện nay, một số MXH lớn đã có lượng người sử dụng lên đến hàng tỷ như: Facebook (khoảng 2,2 tỷ), YouTube (1,9 tỷ), WhatsApp (1,5 tỷ), WeChat (1,4 tỷ), Instagram (1 tỷ)… Số lượng người sử dụng MXH ngày càng gia tăng trên toàn cầu cho thấy sự phổ biến cũng như tầm ảnh hưởng của nó đối với xã hội.

Bên cạnh những lợi ích đem lại, Internet và MXH hiện đang phát triển quá “nóng” và được ví như một “con dao hai lưỡi” tiềm ẩn hiểm họa khó lường khi người sử dụng không có đủ kiến thức, kỹ năng thẩm định thông tin, đồng thời chưa có nhận thức đầy đủ về các vấn đề chính trị - xã hội…. Chính vì vậy, nhiều người khi sử dụng Internet đã bị choáng ngợp bởi các thông tin giả, tin xấu - độc được lan truyền một cách vô tội vạ, không có kiểm chứng trên MXH.

Trước tình hình mới này, Luật An ninh mạng được Quốc hội nhất trí thông qua nhanh chóng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, được xem là một thành công lớn khi có thể sẵn sàng bảo vệ người dân khỏi các thông tin giả, tin xấu - độc, góp phần tạo nên một không gian mạng “sạch sẽ”, an toàn hơn cho người dân. Ngoài ra, Luật An ninh mạng còn có điểm sáng khi đã bao gồm việc yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm loại bỏ những nguồn phát tán thông tin xấu, thông qua việc không hoặc ngừng cung cấp dịch vụ cho những đối tượng này.

Quy định “Lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” tại điểm d khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng cũng được xem là một đi bước tiến bộ, phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế. Theo thống kê, hiện có 18 quốc gia trên thế giới đặt quy định lưu trữ dữ liệu ở trong nước gồm Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Australia... Như vậy, đây là thông lệ quốc tế đã có và chúng ta đang là một trong những quốc gia áp dụng quy định này rất sớm. Trên thực tiễn, việc không quản lý được dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng quốc gia đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích, an ninh quốc gia.

Về an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, chống đối và tội phạm đang tăng cường sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, gây rối trật tự an toàn xã hội, trong khi cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong điều tra, xác minh, truy tìm, xử lý các trường hợp vi phạm này, vì toàn bộ dữ liệu đều được đặt ở nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài thường thiếu thiện chí, không hợp tác, không cung cấp hoặc cung cấp chậm các thông tin liên quan, dẫn tới việc xử lý theo pháp luật không được bảo đảm.

Về lợi ích quốc gia, dữ liệu người dùng là tài sản có giá trị khai thác vô hạn, là nguyên liệu đầu vào của nhiều hoạt động kinh tế mang lại giá trị lợi nhuận cao. Trong khi các cơ quan, tổ chức nước ngoài kiếm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ dữ liệu người dùng Việt Nam thì nước ta đang bị thất thu một lượng ngân sách khổng lồ. Việc quy định về lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng đại diện sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trên khi buộc các công ty lớn như Facebook, Google... phải có trụ sở tại nước ta, lưu trữ dữ liệu người dùng tại chỗ và tuân thủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong năm mới Tân Sửu 2021, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào việc đất nước ta sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và thành công quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng sẽ tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt và được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới. Chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh mạng, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, xây dựng tiềm lực bảo đảm an ninh mạng và lực lượng chuyên trách đảm bảo an ninh mạng, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và tăng cường áp dụng công nghệ số trước tác động của dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh mạng cho mọi đối tượng; đồng thời mong muốn người sử dụng MXH luôn tỉnh táo, thông minh, văn hóa và đúng pháp luật là góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0.

Bình luận (0)

Lên đầu trang