Về nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”

Thứ Hai, 18/07/2016 09:22

|

(CATP) Chuyến hành trình “Về với Đại ngàn Trường Sơn” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức (từ ngày 7 đến 10-7-2016) đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với 81 thành viên tham gia, trong đó có hơn 50 nhà báo xuất sắc của làng báo chí thành phố. Trong chuyến về nguồn lần này, đoàn còn có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa, đáng nhớ tại vùng đất ngã ba Đông Dương - nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”.

CHIÊM NGƯỠNG CỘT MỐC NGÃ BA BIÊN GIỚI

Đến ngã ba Đông Dương vào sáng 9-7-2016, Đoàn hành trình “Về với Đại ngàn Trường Sơn”, do Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư dẫn đầu, đã có buổi giao lưu với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Bờ Y đóng tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Tại buổi giao lưu, đại diện Đồn BPCKQT Bờ Y giới thiệu với đoàn đôi nét về đơn vị. Đồn BPCKQT Bờ Y được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 19,5km tiếp giáp với Lào và Campuchia (CPC) gồm 9 mốc quốc giới. Trong đó, tuyến Việt Nam (VN) - Lào có cửa khẩu quốc tế Bờ Y; bên kia là cửa khẩu Phu Cưa có cụm bản Khệt Xẩm Bun (thuộc huyện Phu Vông, tỉnh A Tô Pư). Lực lượng bảo vệ biên giới (BVBG) của Lào có một đại đội biên phòng và Đồn Công an cửa khẩu Phu Cưa. Tuyến VN - CPC có Cửa khẩu phụ Đăk Kôi; phía bạn không có cư dân sinh sống, BVBG có đồn Kon Tui Nẹo.

Lực lượng BVBG của ba nước luôn phối hợp chặt chẽ, tuần tra song phương bảo vệ đường biên, cột mốc, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu cũng như tổ chức thăm hỏi, chúc mừng dịp lễ, tết...

Trên lĩnh vực phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, từ đầu năm 2016 đến nay, Đồn BPCKQT Bờ Y đã bắt, phát hiện, xử lý 16 vụ vi phạm với 19 đối tượng, phạt hơn 120 triệu đồng, tịch thu 23,761m3 gỗ và 46,8kg pháo; khởi tố một vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt, ngày 22-4-2016 đơn vị cùng lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum phối hợp với Công an tỉnh A Tô Pư đã phá chuyên án ma túy lớn, bắt 3 đối tượng (2 người Lào, 1 người VN), thu giữ 15.800 viên ma túy tổng hợp.

Song hành các hoạt động vừa nêu, đơn vị đã phối hợp với địa phương thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới”. Bên cạnh đó là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; giúp các hộ nghèo làm ăn (tặng bò giống, cây giống...); hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, trong đó có một em ở bản Phu Cưa...

Sau phần giới thiệu là chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục vui tươi, thể hiện tình cảm mến khách của Đồn BPCKQT Bờ Y dành cho đoàn. Tiếp đến là phần trao tặng các gia đình chính sách của xã Bờ Y, trong đó có căn nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đóng góp từ chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt”. Căn nhà này được tặng cho gia đình ông A Vàng là thương binh, ở thôn Đắc Mê, xã Bờ Y.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại cột mốc ngã ba biên giới

Kết thúc buổi giao lưu, trung tá Nguyễn Tiến Vinh - Đồn trưởng Đồn BPCKQT Bờ Y - đã đưa đoàn tham quan cột mốc biên giới do ba nước anh em VN - Lào - CPC cùng thống nhất đặt ở độ cao 1.086 mét so với mặt nước biển. Cột mốc này do tỉnh Kon Tum tổ chức thi công tháng 12-2007 dưới sự giám sát của các chuyên gia VN - Lào - CPC. Đại diện Bộ Ngoại giao ba nước cùng làm lễ khánh thành vào ngày 18-1-2008.

Rời cột mốc ngã ba biên giới, đoàn có thêm một kỷ niệm đáng nhớ khi được tham quan vùng biên giới, thưởng thức món đặc sản xôi và dế chiên giòn cùng nhiều loại thức ăn khác của nước bạn Lào!

SỨC SỐNG MỚI CỦA MỘT VÙNG BIÊN

Trở lại ngã ba Đông Dương lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của xã biên giới Bờ Y. Từ một xã nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ, Bờ Y đang đổi thay từng ngày, hiện xã chỉ còn 205 hộ nghèo, chiếm 6,99% dân số. “Đất lành chim đậu”, nếu như trước đây Bờ Y chỉ có ba dân tộc sinh sống thì nay lên đến 17 dân tộc với 2.200 hộ dân, 9.000 khẩu. Riêng dân tộc B’Râu có nguy cơ bị tuyệt chủng ngày nào (chưa đến 500 người) nay đang hồi sinh do hôn nhân cận huyết thống được xóa bỏ. Trước sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân Bờ Y rất phấn khởi và tin tưởng, tích cực lao động sản xuất, cùng đoàn kết xây dựng nông thôn mới.

Sự thay da đổi thịt của Bờ Y gắn liền với sự ra đời, phát triển của CKQT Bờ Y. Nằm ở ngã ba Đông Dương, CKQT Bờ Y có vị trí đặc biệt quan trọng, đây là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Tây nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc CPC. Đặc biệt, khu vực 4 tỉnh Nam Lào có nhu cầu hợp tác kinh tế ngày càng tăng, nhất là khai thác tiềm năng vùng cao nguyên Bô Lô Ven để trồng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cao su, cà phê, các loại lâm thổ sản.

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp VN đầu tư sang các tỉnh Nam Lào qua CKQT Bờ Y lên đến 1,7 tỷ USD (chiếm 34% tổng số vốn các doanh nghiệp VN đầu tư tại Lào).

Tính đến cuối năm 2015, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua CKQT Bờ Y đạt 1,014 tỷ USD (riêng năm 2015 là 243 triệu USD); hành khách xuất nhập cảnh hơn 2,4 triệu lượt người (năm 2015 là 421.676 người) với tổng thu ngân sách hơn 1.282 tỷ đồng (năm 2015 là 285 tỷ). Dự kiến đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ước đạt 1 tỷ USD; hành khách xuất nhập cảnh là 1 triệu lượt người; thu ngân sách đạt 1.000 tỷ đồng.

Nổi bật nhất tại ngã ba Đông Dương chính là Khu kinh tế CKQT Bờ Y được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ngày 8-2-2007, với quy mô 70.438ha. Khu kinh tế này là điểm nhấn trong chiến lược liên kết hợp tác, phát triển giữa ba quốc gia VN - Lào - CPC với các các nước ASEAN, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần thúc đẩy phát triển vùng Tây nguyên và khu vực lân cận. Đến nay đã có 63 dự án đăng ký đầu tư vào khu kinh tế với tổng vốn 1.270 tỷ đồng, trong đó có 26 dự án đã đi vào hoạt động với 529,9 tỷ. Ngoài ra, còn có 104 doanh nghiệp và 1.680 hộ gia đình hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tại đây.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, với sự phát triển của Khu kinh tế CKQT Bờ Y, sẽ hình thành một khu đô thị loại II tại vùng biên giới trong tương lai... 

Bình luận (0)

Lên đầu trang